Gần 40 năm gắn bó với bộ môn bắn súng, nhiều năm liên tục dẫn dắt đội tuyển quốc gia, HLV Nguyễn Thị Nhung đã gặt hái được vô số vinh quang trên cả 2 cương vị VĐV và HLV. “Bông hồng thép” của Thể thao Việt Nam đã có những chia sẻ trong ngày môn bắn súng bước vào ngày hội SEA Games 31.
Tôi may mắn kế thừa nền tảng của bao thế hệ đi trước
* Thể thao & Văn hóa: Chúc mừng chị vừa được Liên đoàn Bắn súng thế giới công nhận là 1 trong 92 HLV Pro của 27 quốc gia, cảm xúc và những nỗ lực của chị như thế nào để có được danh hiệu này?
- HLV Nguyễn Thị Nhung: Khi làm công tác huấn luyện thì tôi chỉ nghĩ đơn giản là cứ cố gắng làm hết sức tốt nhất, phấn đấu cao nhất cho công việc chứ không nghĩ rằng có một ngày được công nhận điều gì lớn lao cả. Tôi đến với bắn súng là cơ duyên, là tình yêu nên chỉ muốn cống hiến, không nghĩ đến sự tỏa sáng cá nhân.
Cho nên, vinh dự vừa được nhận là cả quá trình cống hiến của các thế hệ đi trước để lại, tôi chỉ may mắn kế thừa nền tảng quý giá đó. Bắn súng Việt Nam có lịch sử hào hùng, đã đào tạo nên những thế hệ HLV - VĐV giỏi từ trong chiến tranh lẫn thời bình. Do đó, khi nhận vinh dự cá nhân tôi luôn coi đó là thành quả chung của tập thể.
* Năm nay đã là lần thứ bao nhiêu chị gắn bó cùng bắn súng Việt Nam tại các kỳ SEA Games. Trong hành trình gắn bó đó, chị cảm nhận thế nào về sự lớn mạnh của bắn súng Việt Nam?
- Năm nay là lần thứ 10 mà tôi tham dự, riêng trên cương vị HLV trưởng đã 8 kỳ SEA Games. Đó cũng là vinh dự khi trải qua rất nhiều kỳ SEA Games như thế. Trước đây, bắn súng Việt Nam cũng là thế mạnh đáng tự hào của thể thao nước nhà. Các xạ thủ của chúng ta khi lần đầu tiên tham dự SEA Games 1989 đã giành được 3 HCV và đó cũng là số HCV của đoàn Thể thao Việt Nam.
Từ đó đến nay, bắn súng Việt Nam vẫn luôn duy trì được thành tích và thứ hạng của mình. Chúng ta thường xuyên nằm trong Top 3 ở Đông Nam Á. Đã có những thời điểm, bắn súng Việt Nam liên tiếp dẫn đầu khu vực, cụ thể ở các kỳ SEA Games 2009, 2011 và 2013.
Nhờ những thành tích đó, bắn súng Việt Nam tự tin khi ra đấu trường thế giới với thành tích HCV, HCB của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016. Đấy là kết quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu, phát triển dài lâu.
Tất nhiên, thể thao có những lúc thăng trầm. Có lúc chúng ta phát triển, có thời điểm phải “tạm dừng”. Tuy nhiên, tôi cho rằng giai đoạn này đang là giai đoạn chuyển giao thế hệ của bắn súng Việt Nam. Chuyển giao từ thế hệ giữa những Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường sang các VĐV trẻ.
SEA Games 31 này có nhiều VĐV trẻ tham dự nhất. Từ trước đến nay thông thường mỗi nội dung của bắn súng sẽ có 2 VĐV lớn tuổi cộng với 1 VĐV trẻ. Nhưng năm nay, có những nội dung cả 3 VĐV đều còn trẻ, lần đầu dự SEA Games. Đấy cũng là những bước đổi mới. Hẳn nhiên với những bước chuyển giao, thay máu đó có thể sẽ chấp nhận việc không mang lại thành công như chúng ta mong muốn. Nhưng, đây chính là bước đệm quan trọng cho tương lai ở các kỳ SEA Games tiếp theo, ASIAD, Olympic sau này.
Mong mọi người hãy tiếp tục động viên, nuôi dưỡng những nguồn lực, nền tảng đó cho sự phát triển của bắn súng Việt Nam.
Phải tin tưởng vào thế hệ trẻ
* Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã chuyển sang HLV có gây áp lực gì cho thành tích bắn súng Việt Nam tại SEA Games 31 cũng như thời gian tới?
- Phải khẳng định là chúng ta không thể lập tức có ngay "Hoàng Xuân Vinh kế cận", trong điều kiện bắn súng Việt Nam nói riêng và thể thao nước nhà nói chung còn thiếu thốn, từ lực lượng VĐV trẻ ở các địa phương, trường bắn tiêu chuẩn quốc tế, súng, đạn dù chúng ta đã có kinh nghiệm huấn luyện, đào tạo VĐV đỉnh cao.
Bắn súng Việt Nam đang trong quá trình trẻ hóa và những VĐV được đầu tư đặc biệt không chỉ chuẩn bị cho SEA Games mà còn hướng tới đấu trường ASIAD, Olympic trong tương lai.
Để có thể giành vé dự Olympic, trước khi nghĩ tới chuyện chạm tới mốc son của Hoàng Xuân Vinh, lứa VĐV kế cận của bắn súng Việt Nam cũng cần có một quá trình tương đương như Hoàng Xuân Vinh đã đi qua, nghĩa là mất 8-10 năm nữa mới có thể "đơm hoa, kết trái".
Riêng SEA Games 31 có 20 nội dung bắn súng, 2 nội dung đĩa bay. Trong 20 bộ huy chương đó có rất nhiều VĐVcủa chúng ta lần đầu tham dự như nội dung súng trường hơi nữ. Nội dung súng ngắn hơi nam chỉ còn mình Trần Quốc Cường là cựu binh cùng lứa với Hoàng Xuân Vinh cùng với 2 VĐV chưa từng dự SEA Games bao giờ.
Còn nhiều nội dung khác mà lực lượng đã được thay thế, chuyển giao rất nhiều. Tỉ lệ thay thế là 50/50, có những nội dung là 60% là các VĐV trẻ. VĐV trẻ có kỹ thuật, thành tích tốt nhưng còn thiếu kinh nghiệm thi đấu, trạng thái tâm lý chưa ổn định. Đặc biệt, môn bắn súng thì trạng thái tâm lý đóng vai trò then chốt, quyết định rất lớn đến thành tích của các VĐV.
Chính từ đó, ở thời điểm chuyển giao thế hệ chúng ta phải hiểu và chấp nhận những rủi ro nếu có. Nhưng riêng tôi, có thể việc chưa thành công của các VĐV trẻ cũng là sự thành công nếu nhìn dưới góc độ gieo hạt cho tương lai. Chẳng hạn, các VĐV trẻ đó đã phấn đấu, nỗ lực và vượt qua chính mình. SEA Games năm nay, bắn súng Việt Nam đứng trước áp lực khi thi đấu trên sân nhà, được trang bị bia điện tử, sau một kỳ Olympic không mang lại những điều như kỳ vọng trước đó nên đã có nhiều áp lực. Tuy nhiên, thể thao phải luôn có áp lực, chính từ áp lực mới có được sự phấn đấu cao nhất cho thành tích của VĐV.
Tôi luôn tin tưởng những VĐV trẻ bây giờ sẽ đủ sức gách vác nhiệm vụ, tiếp nối thành tích đã có của thế hệ trước đây của bắn súng Việt Nam. Tôi hoàn toàn tin tưởng các cháu!
* Chị vẫn hay nói về cuộc chuyển giao lực lượng cũng như công tác huấn luyện cho thế hệ VĐV trẻ. Chị có thể chia sẻ thêm về điều này?
- Công tác huấn luyện gặp nhiều khó khăn, nếu không có tình yêu và sự đam mê nghề nghiệp thì sẽ khó gắn bó lâu dài. Huấn luyện để VĐV đạt trình độ Đông Nam Á thì không khó, nhưng cái chúng tôi hướng đến là ASIAD và Olympic.
Việc phát hiện, đào tạo VĐV phải đi từ cơ sở, qua nhiều khâu tuyển chọn để lên đội tuyển. Lên đội tuyển cũng phải qua nhiều khâu tuyển chọn nữa. VĐV ban đầu được nhìn nhận tốt, nhưng khi lên đội tuyển không đáp ứng được về mặt khối lượng và tâm lý sẽ phải trở về địa phương. Vì vậy, phải có kế hoạch đào tạo VĐV một cách có hệ thống, đầu tư về mọi mặt. Tuy nhiên hiện nay số lượng VĐV bắn súng rất ít để sàng lọc. Lực lượng trẻ hiện nay của chúng ta rất ít. Vì ít nên chúng ta phải chắt chiu, vận dụng mọi cách, tận dụng triệt để để phát triển. Có những VĐV chưa thật đặc biệt những cũng phải chắt chiu để tìm cách phát triển.
Chúng ta phải thật kiên trì trong công tác đầu tư, đào tạo. Không thể nóng vội với những đặc thù riêng trong đào tạo VĐV bắn súng. Như việc Hoàng Xuân Vinh từng được xem là “tội đồ” năm 2010 nhưng chính từ những kiên nhẫn đã có được một Hoàng Xuân Vinh tạo ra dấu mốc lịch sử 6 năm sau đó ở Olympic 2016.
* Xin được cảm ơn chị về cuộc trao đổi và chúc bắn súng Việt Nam thành công tại SEA Games năm nay.
Trần Tuấn (thực hiện)