HLV Vũ Tiến Thành chê Cúp quốc gia như 'giải phường': Trách ai, ai trách?

Thứ Hai, 03/04/2023 08:10 GMT+7

Google News

Bóng đá nội vừa quay trở lại đã có chuyện, sau khi HLV Vũ Tiến Thành của CLB TP.HCM chê Cúp quốc gia là một giải đấu được tổ chức như "giải làng". Phía nhà tổ chức VPF phải ra công văn cảnh cáo. Dù chỉ là chuyện phát ngôn nhưng cũng cho thấy những vấn đề của hệ thống thi đấu bóng đá Việt Nam.

Cúp quốc gia là giải đấu được tổ chức chủ yếu theo thông lệ quốc tế chứ không thực sự mang nhiều ý nghĩa đối với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Một đội V-League, nếu đá đến trận chung kết thì sẽ có thêm tối đa 4 trận đấu trong một mùa giải, còn với các đội hạng Nhất thì đây là cơ hội để cọ xát thi đấu với đối thủ mạnh hơn đến từ V-League.

Xét về chuyên môn, điều này có lợi nhưng từ lâu, sân chơi cúp luôn ở cảnh "chợ chiều" vì tính chất chỉ cao hơn đá giao hữu một chút. Không phải xuống hạng, chỉ đội vô địch mới đá AFC Cup, nên có thể nói trong gần 30 đội dự giải thì chỉ có một số ít là có động lực.

Chuyện này không mới và suốt bao năm qua, cũng chẳng có ai nghĩ ra phương cách gì để thay đổi bầu không khí buồn tẻ của Cúp quốc gia cả. Thế nên, việc ông Vũ Tiến Thành cho rằng "cách tổ chức như giải làng, thiếu chuyên nghiệp" có thể đúng về mặt thực trạng chuyên môn của sân chơi này, chứ làm cách nào tháo gỡ thì đến ông Thành chắc cũng chịu.

Góp ý thì dễ, nhưng vấn đề là nếu đa số các CLB đều tham gia theo kiểu "cho có" thì bao nỗ lực thay đổi ở khâu tổ chức cũng vô nghĩa. Một đội như chính CLB TP.HCM của ông Vũ Tiến Thành hiện đang lo chuyện trụ hạng tại V-League, nếu bảo tung hết sức đá Cúp quốc gia rồi cầu thủ chấn thương, tốn tiền thưởng thì liệu có nỗ lực hay không? Thực tế thì nhiều đội có chủ trương "buông" Cúp dù chưa ra sân.

Nói cách khác, ông Thành trách các nhà tổ chức, nhưng ở chiều ngược lại, có khi người đáng trách chính là các CLB. Làm sao cho mỗi trận đấu là một sự kiện thu hút khán giả, đầu tiên phải là trách nhiệm của các đội bóng chứ không phải BTC. Thể thức của V-League hay Cúp quốc gia đều là sân khách - sân nhà, chuyện đông khán giả hay không, bao nhiêu người quan tâm, thì đầu tiên là phần việc của CLB bởi họ phải phục vụ cho chính CĐV, người dân địa phương mình. BTC có quảng bá, có công nghệ ghê gớm thì cũng đâu liên quan gì đến công việc của CLB. Nếu CLB mà làm tốt công tác tổ chức, truyền thông thì dù chỉ là 1 trận giao hữu cũng vẫn sẽ hấp dẫn, bán được vé. Ví dụ như thời mà lứa U19 HAGL còn tưng bừng, đến giải U21 mà còn "vỡ sân"…

Trách ai? Ai trách? - Ảnh 1.

Trận đấu giữa Viettel và Bình Thuận ở vòng sơ loại Cúp quốc gia 2023 diễn ra chiều tối ngày ¼ trên sân Hàng Đẫy gần như không có khán giả. Ảnh: Hoàng Linh

Tất nhiên là bỏ qua những lời lẽ có phần nặng nề, một chiều, thì rõ ràng góp ý của ông Vũ Tiến Thành rất cần thiết. Ít nhất cũng có người nói ra, chứ cứ ậm ừ, đến hẹn lại lên mãi, thì cũng chẳng hay ho gì. Mục đích và sự tồn tại của Cúp quốc gia là rất tốt, vấn đề vẫn nằm ở chỗ phải tìm cách để thay đổi bầu không khí qua loa trong việc tổ chức giải đấu này.

Đã từng có góp ý, thành tích thi đấu ở Cúp quốc gia được tính vào V-League. Ví dụ như cuối giải, có nhiều đội cùng điểm thì đội nào có thành tích tốt ở Cúp quốc gia sẽ xếp trên, tương tự điểm Fair-play. Hoặc đội bóng nào vô địch Cúp quốc gia sẽ được cộng thêm điểm ở V-League chẳng hạn… Những thay đổi có giá trị thiết thực như vậy sẽ giúp cho các đội có động lực, từ đó, họ sẽ có cách để làm cho Cúp quốc gia được biết đến nhiều hơn.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, ngay đến V-League bao năm qua có rất ít sự thay đổi về thể thức thi đấu để tạo ra thêm số trận đấu, tăng thêm sự hấp dẫn, thì Cúp quốc gia đương nhiên là "chưa đến lượt". Sự thụ động của các nhà làm bóng đá ở Việt Nam trước sau vẫn vậy, chưa kể còn bị trói buộc về tài chính, có muốn làm khác cũng chẳng biết lấy tiền đâu mà làm.

Những kiểu phê phán của ông Vũ Tiến Thành thực ra cũng chẳng đem đến điều gì tốt đẹp, vì nó chỉ thể hiện một sự bất lực của một người "ở trong chăn và biết chăn có rận" quá lâu như ông Thành. Tại sao những phản ứng về Cúp quốc gia, về chuyện dừng V-League để tập trung đội tuyển, về những xung đột tài trợ … đều chỉ thông qua truyền thông để "rùm beng" trong khi về nguyên tắc, những chuyện như thế gần như thuần túy chuyên môn, những người làm bóng đá phải ngồi với nhau  để bàn bạc, để tìm giải pháp, chứ bản thân người hâm mộ, khán giả ai cũng thấy, cũng bức xúc, cũng chán …lâu rồi. 


Long Khang

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›