(Thethaovanhoa.vn) - Thực hiện Công văn số 387/TTg- KGVX ngày 27/3 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bộ VHTTDL, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia về việc gửi Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO xem xét đưa “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, ngày 31/3, Bộ VHTTDL đã gửi hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đúng thời hạn, đệ trình UNESCO xem xét ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Xung quanh vấn đề này phóng viên Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền.
* Thưa bà, tại Công văn số 387/ TTg- KGVX, Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31.3. Bộ đã thực hiện việc gửi hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đệ trình UNESCO theo chỉ đạo của Thủ tướng, thưa bà?
- Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền: Theo quy định của UNESCO, quốc gia gửi bản mềm của hồ sơ đệ trình trước 18h00 (giờ Paris) ngày 31.3 hằng năm. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 387/TTg-KGVX, Bộ VHTTDL đã gửi bản mềm hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đúng thời hạn, đệ trình UNESCO xem xét ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
- Bảo tồn, phát huy giá trị làng tranh Đông Hồ: Chờ thêm những bước đi thiết thực
- Bảo tồn, phát huy giá trị làng tranh Đông Hồ: Tranh Đông Hồ - dòng tranh dân gian tiêu biểu
* Bà có thể cho biết những việc đã triển khai để xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”?
- Được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 8868/VPCP-KGVX ngày 5.11.2012 về Danh sách di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”, Bộ VHTTDL đã phối hợp, hướng dẫn UBND tỉnh Bắc Ninh tổ chức xây dựng Hồ sơ đệ trình UNESCO xét đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp theo quy định và hướng dẫn của Công ước 2003.
* Hồ sơ quốc gia “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” đệ trình UNESCO xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Vậy những nguy cơ cơ bản đối với sự chuyển giao, duy trì nghề làm tranh Đông Hồ là gì, thưa bà?
- Có thể thấy rõ những nguy cơ đối với sự chuyển giao, duy trì nghề làm tranh Đông Hồ, đó là: Tập quán chơi tranh dân gian hầu như không còn; Tiêu thụ sản phẩm hạn chế; Việc chuyển đổi nghề (nghề làm mã đã thu hút đông đảo các hộ gia đình, hiện ở thôn Đông Khê đã có tới 95% hộ làm hàng mã quanh năm, dẫn đến nguồn lực làm tranh dân gian Đông Hồ giảm mạnh- PV). Tiếp nữa là hạn chế nguồn nhân lực; hạn chế về nguồn nguyên liệu tự nhiên và thiếu hụt các phương tiện bảo quản tranh và ván in.
* Những việc chúng ta sẽ thực hiện trong thời gian tới để bảo vệ di sản này là gì, thưa bà?
- Cần khẳng định, Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được duy trì đến ngày nay là nhờ nỗ lực của chính phủ, các cơ quan, ban ngành, các tổ chức liên quan, và đặc biệt sự quyết tâm và tâm huyết với nghề của một số nghệ nhân làm tranh dân gian Đông Hồ từ trước tới nay. Việc xây dựng hồ sơ di sản đệ trình UNESCO là một trong những hoạt động thiết thực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản, vì việc tham gia xây dựng hồ sơ sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng chủ thể di sản Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đối với giá trị di sản họ nắm giữ, qua đó, tăng cường ý thức về vai trò, trách nhiệm cụ thể của họ đối với sự thực hành và trao truyền di sản. Bên cạnh đó, việc xây dựng hồ sơ thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, các cấp chính quyền, các nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa, các tổ chức và cá nhân liên quan trong nỗ lực chung bảo vệ và phát huy giá trị di sản cùng cộng đồng.
Kế hoạch cụ thể để tiếp tục bảo vệ và phát huy giá trị di sản được xây dựng hướng tới các mục tiêu sau: Thứ nhất, có chính sách hỗ trợ, tăng cường số lượng hộ gia đình làm nghề tranh dân gian Đông Hồ. Thứ hai, trao truyền nghề cho thế hệ trẻ, nâng cao kỹ năng cho những người tham gia vào các khâu sản xuất để họ có thể thành thục cả quy trình làm tranh; giáo dục di sản trong nhà trường. Thứ ba, cập nhật kiểm kê, tư liệu hóa, nghiên cứu khoa học chuyên sâu về Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ.
Thứ tư, quảng bá, nâng cao nhận thức về di sản Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Thứ năm, mở rộng thị trường tiêu thụ tranh, tăng cường đầu ra, đa dạng hóa sản phẩm tranh dân gian Đông Hồ. Thứ sáu, tăng cường nguồn nguyên liệu tự nhiên và cây trồng bảo đảm phát triển bền vững Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ. Thứ bảy là nâng cao chất lượng bảo quản ván in và tranh Đông Hồ.
Chủ thể sáng tạo di sản Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là những cư dân người Việt ở làng Đông Hồ xưa (nay thuộc thôn Đông Khê, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Vào những năm 60 của thế kỷ trước, làng Đông Hồ có 17 dòng họ làm tranh, với khoảng 180 hộ gia đình, trong đó có khoảng 80% số hộ tham gia làm tranh. Nhưng đến nay, chỉ còn 3 hộ gia đình với khoảng 30 người thuộc 4 thế hệ có thể làm tranh. Đó là gia đình nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, nghệ nhân Nguyễn Thị Oanh và nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ là nghề thủ công truyền thống, ra đời cách đây hàng trăm năm. Những nghệ nhân làng Đông Hồ sản xuất những bức tranh thuộc loại hình mỹ thuật dân gian, có những đặc trưng riêng về kỹ thuật in, chủ đề, màu sắc và đồ họa. Tranh có nhiều loại, bao gồm tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh thờ, tranh sinh hoạt, tranh phong cảnh. Các công đoạn làm tranh như sáng tác mẫu tranh, khắc ván in, làm màu, in tranh đều bằng tay. Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ gắn với tập tục treo tranh vào ngày Tết, Tết Trung thu, thờ cúng tổ tiên. Người làng Đông Hồ coi nghề làm tranh là một kế sinh nhai, thể hiện bản sắc văn hóa của cộng đồng, tập quán xã hội, được trao truyền từ đời này qua đời khác. |
Theo Báo Văn hóa
Tags