‘Hoa cúc xanh trên đầm lầy’: Khát khao sống đẹp đẽ

Thứ Tư, 29/08/2018 07:37 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ vừa lên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội  tối 25/8 với bản dựng của đạo diễn Nguyễn Sĩ Tiến. Đây là đêm diễn nằm trong Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ do Nhà hát Tuổi trẻ tổ chức, có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB).

Xuân Quỳnh, người dấu yêu trong đời Lưu Quang Vũ đã từng viết: “Hoa cúc xanh có hay là không có/Trong lầm lầy tuổi nhỏ của anh xưa”. Hai câu thơ ấy như vọng âm xuyên suốt cả bài thơ Hoa cúc xanh của Quỳnh. Vọng âm ấy dành cho Vũ, người si mê hoa cúc xanh suốt đời, đã biến hoa cúc xanh trở thành một biểu tượng đẹp đẽ trong sáng tác kịch của mình.

Vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy chất chứa nhiều nỗi niềm trăn trở, thương mến, u buồn, nhưng cũng lấp lánh đâu đó giữa những lấm láp đời sống, là một cảm xúc êm ái của hy vọng.

Chú thích ảnh
Cảnh trong vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy

Nội dung vở diễn xoay quanh ba nhân vật Hoàng, Liên và Vân - những người bạn cùng có chung những kỷ niệm êm đềm thuở ấu thơ. Ngày Hoàng cầu hôn Liên cũng là ngày Liên gửi đến Hoàng tấm thiệp cưới của cô với Vân. Vốn là một kỹ sư có khát vọng sáng tạo, khát khao về sự hoàn hảo, Hoàng đã chế tạo ra hai robot mang vóc dáng và có những đặc điểm tính cách của Liên và Vân, nhưng là những khía cạnh đẹp nhất, lý tưởng nhất. Từ đây, khi những người máy này bước chân vào cuộc đời thực, nhiều câu chuyện, mâu thuẫn và tình huống dở khóc dở cười đã xảy đến…

Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã tách ba nhân vật ra từ một bản thể thống nhất, để mỗi một cá thể tách rời ấy tự soi chiếu lẫn nhau, chất vấn nhau, rồi dằn vặt nhau, thất vọng về nhau, chỉ trích nhau, phủ nhận nhau, để cuối cùng là chấp nhận sự tồn tại của nhau như nó vốn có trước khi nhập về làm một bản thể ban đầu: có xấu, có tốt, có quá khứ có tương lai và có cả thực tại.

Chú thích ảnh
 Đông đảo khán giả đến xem vở kịch

Trong vở kịch, cái chết của hai người máy cũng đã khiến Lê Hoàng bừng tỉnh giữa một cơn mộng của ký ức. Anh nhận ra rằng, ký ức tuổi thơ đẹp đẽ quá, nhưng giờ đây nó chỉ là một giấc mộng, vĩnh viễn có thể nhìn thấy, nhưng không thể quay về, không thể chạm vào. Lê Hoàng nhận ra, anh và 2 người máy đã bị ngăn cách bởi một lớp sương thời gian mờ ảo, nhưng anh còn hai người bạn Nguyễn Vân và Thùy Liên trong đời kia. Anh cũng giống như hai con người ấy, đang loay hoay giữa thành phố này, dẫu bị chà đạp, vẫn khao khát được sống cho đẹp đẽ. Ấy cũng là điều cuối cùng ở lại, khiến người xem bâng khuâng.  

Chú thích ảnh
Đại diện SHB tặng hoa chúc mừng đêm biểu diễn thành công

Sân khấu vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy dàn dựng theo không gian phòng thí nghiệm với những trang thiết bị ưu việt, phục vụ quá trình nhân bản con người. Dàn nghệ sĩ tài năng của Nhà hát Tuổi trẻ đã tái hiện Lê Hoàng ích kỷ nhưng nhiều ẩn ức, luôn sống trong quá khứ đẹp đẽ, lưu quyến quá khứ mà hằn học với hiện tại; trong khi đó Nguyễn Vân tài năng, nhiều khao khát, lại cũng đầy dằn vặt, đau thương, hèn nhát; Thùy Vân coi trọng vật chất, nhưng cũng đáng thương, cô đơn.

Hoa cúc xanh trên đầm lầy với bản dựng của Sỹ Tiến mang nhiều nét mới mẻ của không khí thời đại, khiến khán giả cảm thấy gần gũi và thích thú.

Ngân hàng SHB và Nhà hát Tuổi trẻ là 2 đơn vị hoạt động trong 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau song lại rất đồng điệu trong quan điểm, triết lý hoạt động là hướng tới cộng đồng, hướng tới xã hội. Ngoài 5 đêm diễn kỷ niệm 30 năm ngày mất của tác giả Lưu Quang Vũ tại Liên hoan các tác phẩm Lưu Quang Vũ, SHB và Nhà hát Tuổi trẻ đã cùng đồng hành và triển khai thành công dự án Chắp cánh niềm tin tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Với sự giúp sức của SHB, những vở kịch đầy chất nhân văn, lòng nhân ái trong kịch của cố tác giả Lưu Quang Vũ như Ai là thủ phạm, Lời nói dối cuối cùng, Lời thề thứ 9… đã góp phần đem lại cuộc sống tinh thần đầy cảm xúc cho rất nhiều khán giả. 

Bảo Hân

 

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›