(Thethaovanhoa.vn) - Câu hỏi nên hay không việc cúng gà vào năm Dậu đang được nhiều người quan tâm. Bên cạnh đó, việc thờ cúng như nào trong các thời điểm khác nhau của dịp Tết sao cho vừa đảm bảo thực hành văn hóa tín ngưỡng, vừa không sa vào mê tín dị đoan cũng khiến nhiều gia đình đau đầu.
Dưới đây là quan điểm của TS Nguyễn Văn Vịnh, chuyên gia phong thủy, kinh dịch về vấn đề này.
Ông Vịnh chia sẻ: Việc cúng vật phẩm biểu lộ tấm lòng với tổ tiên là một thông lệ trong văn hóa truyền thống. Các nghi lễ dâng cúng mang biểu trưng văn hóa rất cao. Tính biểu tượng thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ, giữa người còn sống và người đã khuất... Những kết nối này thôi thúc con người hướng về tổ tông, cội nguồn và hành xử phải phép trong đời sống. Nên, cần khẳng định, việc dâng cúng tổ tiên trong dịp lễ Tết là một nét đẹp văn hóa.
"Tuy nhiên, thời hiện đại, con người sống gấp. Chúng ta chỉ biết là phải cúng chứ không rõ bản chất của việc cúng ngày Tết. Điều này đã tạo ra những nỗi sợ mơ hồ. Cụ thể, nỗi lo lắng về việc cúng gà ngày Tết là một ví dụ"- Ông Vịnh cho biết.
Tết Đinh Dậu, người dân vẫn có thể cúng gà như mọi năm.
"Chúng ta có thể cúng chay, cúng mặn; cúng gà, cúng lợn, cúng bò... tùy thuộc vào phong tục địa phương và điều kiện gia đình. Cái đích cuối cùng của việc cúng tế là để hướng về tổ tiên cội nguồn. Và, không thần, phật, tổ tiên nào lại oán trách con cháu về vật phẩm cúng tế" - ông Vịnh cho hay.
Cũng theo TS Vịnh, mâm cơm chiều 30 thường cúng ông bà, tổ tiên nên cúng trong nhà. Đêm giao thừa cúng Cửu thiên huyền nữ và Ngọc hoàng cúng chay ngoài trời. Theo tâm niệm dân gian, đó là lễ vật cúng cửu thiên huyền nữ nên thường cúng theo số 9. Tức là, mâm ngũ quả thường xoay quanh số này hoặc bội số của số này.
Cúc Đường- Mỹ Mỹ
Tags