"Chúng tôi nói vui rằng, hiện nay buổi tối về mà có 10 người phụ nữ Mỹ đứng bên cạnh tủ bếp để làm món ăn thì trong đó có gần 4 người đứng bên cạnh tủ bếp, hoặc bàn ghế phòng ăn được sản xuất từ Việt Nam.
Buổi sáng, nếu quý vị đàn ông ngồi bên bàn cà phê, thì trong đó có 4 người ngồi bên cạnh bàn cà phê được sản xuất tại Việt Nam", hình ảnh trên được ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam minh họa cho câu chuyện về tầm quan trọng và sự bổ trợ lẫn nhau của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam - Hoa Kỳ.
*Lo ngại đứt gãy chuỗi cung ứng
Từ ngày 2/4 đến nay, nhiều hiệp hội, ngành hàng của Việt Nam bày tỏ quan ngại trước tuyên bố áp thuế đối ứng 46% của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Cảm thấy "rất sốc" khi sản phẩm gỗ của Việt Nam có thể bị áp mức thuế quan này, ông Hoài chia sẻ, thương mại gỗ giữa hai nước có tính bổ trợ. Sản phẩm gỗ của Việt Nam khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ không trực tiếp cạnh tranh với các nhà sản xuất của nước này, "không đe dọa ngành công nghiệp của Hoa Kỳ và cũng không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ".

Mỹ áp thuế đối ứng 46% sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu và nhiều ngành kinh tế.
Hiện nay, Việt Nam đang nổi lên, trở thành quốc gia lớn thứ hai trên thế giới tiêu thụ gỗ tròn và gỗ xẻ từ Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc. Rất nhiều loại gỗ nhập khẩu từ Hoa Kỳ về như gỗ sồi, gỗ tần bì, gỗ dẻ gai, gỗ phong…, qua bàn tay của người lao động Việt Nam được chế tác thành đồ mộc tinh chế xuất khẩu trở lại Hoa Kỳ.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, ngoài nguồn nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp từ Hoa Kỳ, có một phần rất lớn gỗ rừng trồng tại Việt Nam, do các hộ nông dân trồng và một phần nữa là gỗ cao su sau 25 năm khai thác đã hết năng suất nhựa, được đưa vào làm gỗ nguyên liệu. Đồ gỗ của Việt Nam đã chiếm được lòng tin, sự ưa thích của người dân Mỹ.
"Ngành công nghiệp gỗ đang phát triển trên nền quan hệ tốt đẹp như vậy nếu bị áp thuế 46% thì quả thực là cú sốc rất lớn… Về phía Việt Nam, để tỏ thiện chí và góp phần làm giảm mất cân bằng thương mại giữa hai nước, chúng tôi cũng đang tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại và đang cùng nhau sử dụng nhiều gỗ nhập khẩu từ Hoa Kỳ hơn nữa", ông Hoài nói.
Ý kiến từ phía bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho thấy, việc áp thuế đối ứng 46% có thể làm tăng chi phí đáng kể và gây khó khăn cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam trong việc cạnh tranh với các đối thủ từ những quốc gia có mức thuế thấp hơn như Anh, Brazil, hay Hàn Quốc, Nhật Bản. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp xuất khẩu, mà còn tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng cho nhiều tập đoàn công nghệ lớn.
Các doanh nghiệp ngành điện tử Việt Nam cùng với Hiệp hội đã nhóm họp khẩn cấp và đưa ra một số kiến nghị, trong đó đề nghị Chính phủ phối hợp với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ làm rõ danh mục hàng hóa chịu thuế 46%, đồng thời đàm phán nhằm giảm mức thuế hoặc miễn trừ cho một số sản phẩm điện tử chủ lực.
"Mức thuế này quá cao và không phản ánh đúng thực tế thương mại khi Việt Nam không áp thuế tương tự lên hàng hóa của Hoa Kỳ khi nhập khẩu vào Việt Nam", bà Hương nhấn mạnh và cho biết Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng công, nông nghiệp chủ lực của cả nước để cùng lên tiếng phản ánh, tạo tiếng nói chung và tăng sức mạnh trong vận động chính sách giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.
Hoan nghênh Chính phủ có động thái tích cực ngay trước khi mức thuế được công bố, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày và Túi xách Việt Nam khẳng định, việc chuẩn bị áp thuế tới 46% chắc chắn sẽ tác động tiêu cực tới ngành sản xuất da giày khi đang có khoảng 1,2 triệu lao động làm việc trong ngành này, trong đó 90% là lao động nữ. Mức thuế Hoa Kỳ dự kiến áp dụng với Việt Nam khá bất lợi khi so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Ấn Độ, và khả năng dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam tới các quốc gia này là rất đáng quan ngại.
Hàng hóa Việt Nam và Hoa Kỳ bổ trợ cho nhau
Một thực tế rõ ràng được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh chiều 4/4, trong buổi gặp gỡ đại diện các hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng như Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN rằng, "hàng hóa của Việt Nam và hàng hóa của Hoa Kỳ không cạnh tranh nhau mà bổ trợ cho nhau".
Điểm qua một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, hồ tiêu, điều, thủy sản… có thể thấy được điều này. Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan (Bộ Tài chính), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong năm 2024 đạt 119,5 tỷ USD. Trong đó, nhóm mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện dẫn đầu với 23,2 tỷ USD, chiếm 19,41% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp theo là các mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng chiếm 18,45% và hàng dệt may chiếm 13,52% tỷ trọng.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đang thu hút dòng vốn đầu tư công nghệ cao từ Hoa Kỳ, nhất là các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, góp phần quan trọng vào chuỗi cung ứng toàn cầu của quốc gia này.

Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Công ty TNHH Đức Toàn Bình Định, Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn. (Ảnh: Vũ Sinh/ TTXVN)
Các mặt hàng nông sản, thủy sản, nội thất và trang trí của Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường Hoa Kỳ. Trong nhóm hàng cây công nghiệp gồm điều, cà phê và tiêu, Việt Nam có lợi thế so sánh tuyệt đối, bởi Hoa Kỳ không trồng được. Các nước trên thế giới cũng chỉ có vài nước trồng được, như cây hồ tiêu có Việt Nam, Brazil, Indonesia, Malaysia; quế có Việt Nam, Trung Quốc. Việt Nam đang đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt tiêu, đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu cà phê, riêng cà phê Robusta nước ta đứng số 1.
"Hiện nay chúng tôi đang được hưởng mức thuế 0% đối với tiêu nguyên hạt và chỉ 2 cent đối với tiêu nghiền, tiêu bột; quế là 11 cent/kg đối với quế nghiền và quế bột… Từ mức này mà tăng lên 10% là đã rất khó khăn, con số 46% là quá cao", bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam chia sẻ.
Bà dẫn chứng, giá thị trường ngày 4/4 là 7.000 USD/1 tấn hạt tiêu sang Hoa Kỳ. Nếu tính thêm 46% thuế là thành hơn 10 nghìn USD, không ai có thể mua được.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, thương mại nông sản hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có tính bổ trợ lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp và không làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Việt Nam đều là đối tác quan trọng và là thị trường nông sản lớn của nhau, trong đó có nhiều mặt hàng nông sản chiếm kim ngạch đứng đầu trong kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó của cả hai nước.
"Ví dụ như ngô và đậu tương của Hoa Kỳ xuất khẩu sang Việt Nam với kim ngạch đứng thứ hai, hay là thủy sản hoặc hồ tiêu, gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng chiếm kim ngạch lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đó ra toàn thế giới", Bộ trưởng Đỗ Đức Duy dẫn chứng.
Cũng theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường, hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ đều là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ trực tiếp cho người dân Hoa Kỳ (như thủy sản, hồ tiêu, cà phê, đồ gỗ nội thất), với chất lượng tốt, giá cả hợp lý, cạnh tranh và ít có lựa chọn của một bên thứ ba.
"Cà phê thì chỉ có Việt Nam và Brazil, hồ tiêu, quế thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc. Như vậy là ít có lựa chọn bên thứ ba khác để có thể làm đối tác lớn cho Hoa Kỳ mà không làm xáo trộn chuỗi cung ứng", Bộ trưởng này phân tích.
Chính vì đây là những mặt hàng thiết yếu nên ông cho rằng, "việc đứt gãy chuỗi cung ứng do việc ngừng nhập khẩu nông sản từ phía Việt Nam và Hoa Kỳ (nếu có) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của mỗi nước và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người tiêu dùng Hoa Kỳ, vì cả hai nước đều là đối tác thương mại lớn trong lĩnh vực hàng nông sản".
Cảnh báo "đánh thuế Việt Nam là đánh vào chuỗi cung ứng của chính Hoa Kỳ", Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm, nếu thuế quan 46% được áp đặt, chưa hẳn doanh nghiệp Việt bị tổn thương đầu tiên mà là chuỗi cung ứng của các tập đoàn Mỹ, vốn đã mất nhiều năm mới chuyển dịch được từ các nước khác sang Việt Nam; người tiêu dùng Mỹ, vì giá hàng hóa sẽ tăng lên; quan hệ chiến lược Việt - Mỹ, vốn đang trên đà phát triển tích cực với tinh thần tôn trọng và tin cậy lẫn nhau.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đang có chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ. Ông cho biết trong chuyến đi này, ông sẽ đăng ký làm việc với một số cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ Hoa Kỳ, đàm phán để hai bên cùng có lợi theo tính chất "win-win" (cùng thắng).