Họa sĩ An Thắng: Được vẽ về bóng đá Việt Nam là hạnh phúc

Thứ Tư, 22/01/2020 08:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Chỉ một chiến thắng nữa thôi để thỏa 60 năm mòn mỏi, chua chát, khát khao đợi chờ”. Đó là dòng cảm xúc rất ngắn mà An Thắng đưa lên facebook vài giờ trước trận chung kết bóng đá nam SEA Games, kèm theo bức tranh mới nhất của mình. Tất nhiên, đó là tranh về bóng đá Việt, như vô vàn bức mà anh từng vẽ.

Họa sĩ An Thắng: Chờ đợi những giọt nước mắt sau trận chung kết

Họa sĩ An Thắng: Chờ đợi những giọt nước mắt sau trận chung kết

Cái tên An Thắng trong vài năm nay không hề xa lạ với những khán giả yêu bóng đá trong nước và cả quốc tế. Và như đã thành thói quen, sau mỗi trận đấu - dù ở giải Champion League, Euro hay bóng đá quốc nội - người ta vẫn chờ đợi những bức tranh của anh trên mặt báo hoặc không gian mạng.

“Vô vàn”, bởi chàng họa sĩ gốc Hưng Yên này cũng không thống kê nổi một con số cụ thể. Nếu đếm đủ cả những bức phác thảo và những tranh không đưa lên mạng, tất cả, theo lời Thắng, phải lên tới 4 chữ số....

Từ nỗi buồn đến niềm vui

Lượng tranh ấy, cũng như việc Thắng thường xuyên chia sẻ tác phẩm của mình trên mạng, đã khiến anh trở thành cái tên luôn được săn lùng sau mỗi trận đấu của tuyển Việt Nam. Đằng sau những bức tranh đó là một câu chuyện khá dài.

Thắng mê vẽ - và mê cả bóng đá - từ nhỏ. Anh kể khi tầm 10 tuổi, nhà không có điều kiện mua bột màu, những bức tranh vẽ cầu thủ đá bóng của mình đều được tô bằng gạch non (màu áo đỏ) và lá cây hái từ bờ dậu (màu xanh). Tương tự, chiếc bàn nơi anh ngồi trong lớp học cũng chi chít những hình vẽ kiểu này.

Chú thích ảnh
An Thắng bên một bức tranh vẽ về HLV Park Hang Seo và đội tuyển

Hết cấp 3, anh định thi vào trường cao đẳng sư phạm ở quê, với ước mong được làm một thầy giáo dạy vẽ. Nhưng, chính những thầy cô giáo cũ nhắn nhủ: em nên lên Hà Nội ôn và thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, môi trường ấy sẽ giúp em tiến xa hơn.

Lên Hà Nội, đỗ đại học, tốt nghiệp, ra trường rồi vất vả kiếm sống bằng nghề - hành trình của Thắng trong mấy năm sau đó diễn ra như rất đông bạn bè cùng lứa. Không quá buồn nhưng cũng không quá vui, mọi thứ chỉ thay đổi vào một buổi tối tháng 9/2014. Ở tuổi 26, chàng họa sĩ trẻ An Thắng ngồi trên sân Mỹ Đình để xem những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… nhảy múa cùng trái bóng trong giải U19 Đông Nam Á

“Lên 8 tuổi, nhà không có tivi, tôi đã biết đứng chầu rìa cả buổi ở cửa sổ nhà hàng xóm để xem các chú Hồng Sơn, Huỳnh Đức đá bóng rồi” – Thắng kể - “Nhưng từ quãng năm 2010, bóng đá Việt Nam trong tôi là nỗi buồn, chứ không phải niềm vui. Vẫn yêu, vẫn cổ vũ đội tuyển, vậy nhưng tôi thấy đó là những ngày u ám nhất của cả một nền bóng đá”.

Như vô vàn khán giả khác, Thắng bị U19 Việt Nam “hớp hồn” vào thời điểm đó. Cảm giác lâng lâng từ sân bóng theo Thắng về nhà – để rồi anh ngồi trước giá vẽ, cố gắng tái hiện lại những khoảnh khắc đẹp mà mình vừa chứng kiến.

“Tôi vẽ chân dung của hơn chục cầu thủ U19 rồi up lên facebook. Sau đó, tranh lập tức được lan truyền rất nhanh trên mạng” - Thắng kể - “Rất vui, có những cầu thủ trẻ cũng tìm đến facebook của tôi. Họ like, và để lại những comment ngắn như: “Tuyệt vời quá anh họa sĩ ơi”! “Cám ơn anh, bọn em sẽ cố gắng”! Chỉ vậy, mà cũng làm mình xúc động, vì đã trực tiếp được chia sẻ tình cảm tới các em”.

Từ nỗi buồn trước một thời kì ảm đạm của bóng đá Việt cho đến những tia hy vọng về một thế hệ cầu thủ bóng đá mới, từ những hình vẽ nguệch ngoạc trên tường cho tới cách kết nối 2 tình yêu của mình theo kiểu... chuyên nghiệp hơn rất nhiều với đầy đủ cọ, giá vẽ và bột màu, An Thắng bắt đầu hành trình của mình như thế.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hẹn ngày chiến thắng trở về”, vẽ trước trận chung kết SEA Games 30

Mỗi bức tranh là một câu chuyện

An Thắng có mặt gần như ở tất cả các trận đấu của tuyển Việt Nam trên sân Mỹ Đình. Và hành trang quen thuộc của chàng họa sĩ này là cuốn sổ tay và cây bút chì, để có thể lập tức phác thảo ngay những ý tưởng của mình trên hàng ghế khán giả, khi cảm xúc đang dâng trào. Để rồi, từ những phác thảo ấy, hàng chục, hàng trăm bức tranh về đội tuyển Việt Nam nối nhau ra đời.

Tính lại, ngần ấy năm, gần như không giải đấu nào của tuyển Việt Nam bị Thắng bỏ qua không có “sản phẩm”. Và, như một thói quen, sau mỗi trận đấu, bạn bè và người quen lại vào facebook của Thắng và giục anh sớm up lên những bức vẽ ưng ý nhất của mình.

Không lần nào, Thắng để cộng đồng thất vọng. Anh vẽ miệt mài và nói rằng đó là một sự đền đáp: Trên sân, các cầu thủ tặng cho Thắng cảm xúc bằng những đường bóng – và đến lượt mình, anh dùng hội họa để đưa họ đến gần hơn với các khán giả nhà.

“Tôi cũng vẽ tranh như một nghề để sống. Nhưng những bức ký họa và hí họa về bóng đá thì lại khác, đó là câu chuyện của sự đam mê” - anh cười - “Tôi được thỏa nguyện cảm xúc, được thoải mái thể hiện tình yêu với bóng đá Việt. Và thật lòng, mỗi khi nhận được những lời khen tặng của các cổ động viên, bao mệt mỏi trong tôi cũng tan đi”.

Như lời Thắng, khi vẽ các cầu thủ, điểm khó nhất với anh là phải tìm được một nét cảm xúc, một góc đặc biệt nào đó trong tính cách và phong thái để thể hiện. Đó có thể là một ánh mắt tự tin, một nụ cười kiêu hãnh - hay xa hơn, là những lúc cầu thủ đang bộc lộ hết thần thái của mình trong một phút giây quyết định.

“Tôi vẫn nhớ những bức tranh vẽ Vũ Minh Tuấn trong trận bán kết AFF Cup 2016 trên sân Mỹ Đình. Khi ấy, sau bàn gỡ hòa 2-2, Tuấn bật khóc, đưa cao tay lên trời trong cử chỉ dành tặng bàn thắng cho người cha vừa qua đời vài ngày trước” - Thắng kể - “Suốt một tuần sau bàn thắng ấy, tôi vẽ liên tiếp một loạt tranh, như một món quà tặng Tuấn và cũng để lưu lại khoảnh khắc đặc biệt này”.

Nhưng, bóng đá không chỉ là những bàn thắng đẹp, những tình huống kịch tính trên sân mà còn sống động ở các khoảnh khắc bên lề. Trong trận chung kết giải U21 báo Thanh Niên năm 2015, khi Công Phượng ghi bàn rồi lao lên khán đài ôm lấy cha mình giữa trời mưa, An Thắng cũng kịp “chớp” lấy hình ảnh này - để rồi vài ngày sau, bức tranh của anh gửi tặng lập tức được Công Phượng chia sẻ trên facebook trong sự hân hoan.

“Trong khoảnh khắc của Phượng, tôi thấy câu chuyện về tình thương và sự hi sinh mà cha mẹ dành cho con mình. Tranh được vẽ rất nhanh để tặng 2 bố con” - Thắng kể - “Cũng giống như lần biết tin Hoàng Xuân Vinh nhận Huy chương vàng đầu tiên của Việt Nam tại Olympic 2016, tôi thức mấy đêm để kịp vẽ và chuyển tới anh bức tranh của mình. Rất bất ngờ, ngay sáng hôm sau, điện thoại của tôi rung lên với một giọng lạ, điềm đạm và nhẹ nhàng: An Thắng phải không nhỉ? Anh là Hoàng Xuân Vinh, muốn gọi để cám ơn em...”

Hỏi ai là người mang lại cho Thắng nhiều cảm xúc nhất khi vẽ, chàng họa sĩ này ngần ngừ rất lâu rồi cũng đành lựa chọn: “Tất nhiên là thầy Park. Khuôn mặt của ông luôn rất biểu cảm, rất đáng yêu, và đôi khi mình chỉ cần phác ra một đường cong là đã... bắt được thần thái của nhân vật rồi”.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Xuân Canh Tý

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›