(Thethaovanhoa.vn) - Với những tác phẩm mới, họa sĩ Bùi Thanh Tâm chắp ghép tất cả những tinh túy, đặc sắc mà các nghệ nhân dân gian nhiều đời gìn giữ, phát triển, đưa chúng vào một “định dạng mới” trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại Việt.
Anh chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về những tác phẩm tâm huyết trong triển lãm Không có gì ở đằng sau - Nothing Behind tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ ngày 21/10 đến 26/10.
Ý thức quay về nguồn cội
* Vì sao anh có ý tưởng sáng tạo tranh từ chất liệu tranh dân gian Kim Hoàng, Đông Hồ, Hàng Trống?
- Tôi được tiếp cận với nghệ thuật hội họa dân gian từ những ngày đầu làm nghề. Trong những lần đi vẽ ký họa tại những ngôi làng, đình, đền, chùa cổ, tôi nhìn thấy được thần thái, tay nghề của nghệ nhân Việt xưa.
Tranh Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng… kết hợp 2 yếu tố vừa in vừa vẽ tay, là dòng tranh tinh túy nhất, có tính thẩm mỹ cao, duyên dáng, đậm chất Việt. Các chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa… đã trải qua nhiều năm để tái tạo ra những họa phẩm lừng lẫy, tôi muốn lấy tất cả những thứ dân gian đó tạo thành nghệ thuật mới.
Tất nhiên, nghệ thuật mới này không phải chỉ mình tôi mà có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới đã làm. Những bậc thầy như Picasso hay Van Gogh đã tìm đến nghệ thuật dân gian. Picasso học nhiều từ nghệ thuật thổ dân, còn Van Gogh lại học từ tranh khắc Nhật Bản… Nhiều nghệ sĩ đương đại, trong đó có những người đã thành danh đều có ý thức quay về với nguồn cội, tìm về bản sắc văn hóa nơi mình sinh sống, lấy yếu tố dân gian tạo thành cái mới, để nghệ thuật dân gian bước song hành với thời đại.
Tôi muốn giữ lại nhiều giá trị nghệ thuật truyền thống đẹp đẽ của người Việt đang dần mất đi và đang bị văn hóa của nước ngoài, của nền công nghệ mới thay thế. Dù ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đều có các dòng tranh dân gian nhưng Việt Nam có chất riêng để tạo tác phẩm mang tính thuần Việt, đó là bố cục, tinh thần, chất hài hòa của người Việt.
* Để tạo nên bộ sưu tập “Không có gì ở đằng sau”, anh đã sử dụng bao nhiêu bức tranh dân gian?
- Tôi không thể nhớ hết, nói chung là rất nhiều. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thị Thu Hòa có so sánh là: “Số tranh Tâm mua chắc đủ trải kín sân vận động Mỹ Đình”.
Tôi sử dụng những thứ thủ công, vàng - bạc làm bằng tay, tranh in, tranh vẽ bằng tay của các nghệ nhân. Nghệ sĩ là người cuối cùng tái tạo nó lên bề mặt tác phẩm, biến nó thành tác phẩm nghệ thuật hiện đại chứ không phải vẽ như thường lệ.
Tôi muốn nâng tầm lên thành tác phẩm hiện đại, mang giá trị đích thực của nghệ thuật, hội họa. Quá trình nghệ sĩ tái tạo, đưa những thứ bình thường mà đôi khi đã lãng quên để thành thứ có giá trị hiện giờ, đó mới là điều đáng nói tới.
- 'Tuyên dương' - tranh dự thi của Bùi Thanh Tâm
- Họa sĩ Bùi Thanh Tâm: Tôi vẽ về "những người điên"
- Bùi Thanh Tâm với nàng Mona Lisa Việt Nam
* Anh gặp khó khăn gì khi hoàn thành tác phẩm cho triển lãm lần này?
- Tôi bắt đầu thực hiện Không có gì ở đằng sau ngay sau triển lãm Thiên đường bỏ ta đi ở TP.HCM năm 2017, tính ra đã được 3 năm. Khó khăn đầu tiên là quá trình tìm chất liệu làm tranh. Tôi đến nhà nghệ nhân để đặt họ vẽ từng bức tranh, làm vàng, làm bạc, in tranh…
Tôi phải đặt cả dòng tranh phục chế gần như bị thất truyền là tranh Kim Hoàng, dòng tranh làng Sình của Huế, hay dòng tranh thờ rất đặc biệt của người Dao, người Mông...
Thêm vào đó, công đoạn hoàn thiện bức tranh tôi cũng gặp khó khăn khi thiếu một chất liệu quan trọng phải đặt hàng từ Đức.
* Anh có thể chia sẻ thêm về những tác phẩm được dát vàng ta với lượng lớn trong triển lãm?
- Chẳng hạn, lượng vàng tôi dùng để sáng tạo bức Cõi nhân gian khoảng 80 triệu đồng. Nhưng nghệ thuật dát vàng lên tranh không mới, tôi lựa chọn vì nó phù hợp với một số bức tranh, để tạo thứ màu hấp dẫn, thể hiện sự quyền quý, linh thiêng.
Khẳng định sự khác biệt của tranh dân gian Việt Nam
* Vì sao anh theo đuổi mãi dòng tranh sử dụng chất liệu dân gian truyền thống?
- Từ bộ tranh Những kẻ điên, Thiên đường bỏ ta đi, tôi đều sử dụng chất liệu tranh truyền thống nhưng vẫn chưa cảm thấy thỏa mãn. Tôi muốn tạo nên một sự đột phá về nghệ thuật thực hành, ý niệm dựa trên văn hóa truyền thống.
Tôi muốn khẳng định, dòng tranh dân gian vẫn tồn tại ở Việt Nam, chứ không phải đã mất hoàn toàn, hơn nữa, dòng tranh dân gian của mình có sự khác biệt, độc đáo riêng.
* Được biết, bộ sưu tập trước của anh rất “ăn khách”, không biết hiện tại “Không có gì ở đằng sau” đã bán được nhiều chưa?
- Bộ sưu tập trước được bán cho nhà sưu tập nước ngoài nhiều hơn. Còn với bộ này, tôi khá kỹ càng trong việc cất giữ ý tưởng của mình trước khi công bố với thế giới bên ngoài. Hiện tôi cũng bán được một nửa và chủ yếu là người Việt mua.
* Anh có kế hoạch mang tranh ra thế giới như những lần trước?
- Kế hoạch đưa tranh ra thế giới của tôi đã hủy bỏ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Sắp tới tôi sẽ đưa tranh triển lãm tại TP.HCM. Tôi cũng hy vọng triển lãm sẽ được giới thiệu tới công chúng nước ngoài trong thời gian sớm nhất.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
“Bước ngoặt rất lớn trong con đường nghệ thuật Bùi Thanh Tâm” Nhà giám tuyển, phê bình nghệ thuật Như Huy: "Theo tôi, triển lãm Không có gì ở đằng sau của Bùi Thanh Tâm chính là một bước ngoặt rất lớn trong con đường nghệ thuật của anh, bởi tất cả các tác phẩm trong đó đều hoàn toàn khác các tác phẩm trước đây. Một sự khác không ở góc độ hình ảnh, mà còn ở góc độ bản thể học". Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm Việt, chia sẻ: "Không thể kể hết ra biết bao nhiêu bức tranh mà Tâm đã đặt các nghệ nhân, tính ra tiền cũng phải đến cả trăm triệu đồng, trong khi một bức có giá vài chục nghìn thôi, là thấy số lượng tranh nhiều như thế nào. Nhưng những tác phẩm của Tâm là tiếp cận truyền thống theo đương đại, cái truyền thống đã được nâng lên một tầm mới". Vài nét về họa sĩ Bùi Thanh Tâm Sinh năm 1979 tại Thái Bình, hiện sống và sáng tác tại Hà Nội, Bùi Thanh Tâm tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2009, đã tham dự nhiều triển lãm tại Hà Nội, TP.HCM và các triển lãm quốc tế tại Hà Lan, Malaysia, Trung Quốc… Tranh của anh đã được trưng bày tại Triển lãm mỹ thuật đương đại châu Á (ACAS) và tại Hội chợ Mỹ thuật bình dân (Affordable art fair) tổ chức ở Hong Kong (Trung Quốc). |
Tiểu Phong
Tags