Gần như dành cả cuộc đời cho việc học, giảng dạy, nghiên cứu và làm công tác hội, cứ tưởng Ca Lê Thắng không kịp làm triển lãm cá nhân cho mình. Vậy mà, chỉ vài năm thôi, ông đã có 2 triển lãm cá nhân hoành tráng tại Hà Nội (2021) và TP.HCM (2023), được họa giới đánh giá rất cao.
Và triển lãm Mùa nước nổi 2 khai mạc 18h ngày mai 28/6 tại Hội Mỹ thuật TP.HCM là tiếp nối hành trình vẽ quê hương Nam bộ của Ca Lê Thắng. Thể thao và Văn hóa (TTXVN) trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Ngọc Thuyên về triển lãm này.
1. Họa sĩ Ca Lê Thắng (sinh năm 1949) là một trường hợp khá đặc biệt trong giới mỹ thuật Việt Nam sau thống nhất. Ông là người Nam bộ tập kết ra Bắc và được đào tạo hội họa kỹ lưỡng từ khi còn thiếu niên (hệ sơ trung 7 năm và đại học 5 năm) tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam).
Ngay từ lúc còn là sinh viên, tài năng hội họa của Ca Lê Thắng đã được ghi nhận. Sau tốt nghiệp ông quay về Nam với vai trò giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Bệ đỡ đào tạo chuyên sâu cộng với danh tiếng truyền thống hoạt động văn hóa nghệ thuật của gia đình đã đưa Ca Lê Thắng cùng vợ - điêu khắc gia Phan Gia Hương - trở thành những nghệ sĩ quan trọng trong hoạt động sáng tác và quản lý hội nghề nghiệp ở Hội Mỹ thuật TP.HCM cũng như Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Mặc dù vậy, để có thành công trong sáng tác - theo tiêu chí định hình một giá trị vừa mang dấu ấn riêng về ngôn ngữ hội họa, vừa biểu hiện chân thực gốc rễ văn hóa và đời sống tinh thần cá nhân - ông đã phải trải qua một chặng đường rất dài mới đạt tới. Mãi năm 2021, khi đã 72 tuổi, Mùa nước nổi- triển lãm hội họa cá nhân đầu tiên tại Hà Nội chọn lọc 10 năm sáng tác - mới có thể trưng bày trọn vẹn chân dung nghệ thuật/chân dung con người, chân thực và độc đáo như giới mỹ thuật vốn vẫn yêu mến và kỳ vọng ở Ca Lê Thắng.
Về loạt tranh Mùa nước nổi, cần nhắc lại rằng đây là kết quả của một quá trình tìm tòi, thể nghiệm về ngôn ngữ hình thức đã có từ cuối những năm 1980. Và quyết định trưng bày triển lãm của Ca Lê Thắng là vụ mùa kết trái ngọt đầu tiên trên mảnh đất chăm bón suốt 1 thập kỷ của ông. Mảnh đất sáng tạo đó xuất phát từ thiên nhiên Đồng bằng sông Cửu Long - nguồn sinh dưỡng vật chất và tinh thần lớn nhất của người Nam bộ và là nguồn cảm hứng sáng tác bằng trải nghiệm sống với tình cảm nghệ thuật sâu đậm trở đi trở lại của Ca Lê Thắng.
2. Nhưng, những biến cố tinh thần, dù đôi khi nghiệt ngã, thường hay tạo ra những khúc rẽ quan trọng trong đời sống nghệ thuật.
Sau thành công của Mùa nước nổi 2021, ông có thêm động lực, hưng phấn làm việc theo kế hoạch ra mắt Mùa nước nổi 2 năm 2023 - sự kiện sẽ được Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức nhằm tôn vinh đóng góp của Ca Lê Thắng, nguyên Phó Tổng thư ký thường trực của Hội (giai đoạn 1988 - 2000). Đột ngột, người nghệ sĩ bạn đời của ông bước sang cõi khác.
Một khoảng trống mênh mông ở lại với những day dứt, những ngập ngừng nặng nề và bừng tỉnh hối hả trước hữu hạn của nhân gian. Một khúc rẽ trong dòng chảy hội họa của Ca Lê Thắng - khúc rẽ từ dòng chảy thiên nhiên mênh mông mùa lũ ùa sang không gian tinh thần, không gian tâm thức.
Sau biến cố, mỗi tác phẩm khi hoàn thành đều có một dãy số, những số đếm trần trụi ghi lại số ngày cô đơn và cũng là số ngày. Nghệ thuật thật sự đã là không gian trọn vẹn của tâm thức - cả tâm thức sống của một con người đối diện với quy luật thời gian nghiệt ngã và tâm thức sáng tạo của một nghệ sĩ.
Loạt tác phẩm sáng tác ngay trước và sau biến cố tinh thần vẫn mang tên Mùa nước nổi, vẫn là không gian hội họa khai thác cấu trúc vật chất bề mặt các tổ hợp nét tạo bởi chất đắp (solvent modelling paste) và các mảng màu loang nhòe lớn, những dày/mỏng, đặc/loãng vươn mãi theo chiều ngang của bố cục tranh. Nhưng tính chuyển động và hòa sắc là những đặc điểm khác biệt lớn nhất trong loạt tranh của ông so với Mùa nước nổi năm 2021. Những khác biệt này là chỉ dấu từ biến cố tinh thần. Chúng đôi khi bật lên đột ngột, những vần vũ của nét, mảng màu như những âm lớn nghẹn nhịp của tâm linh giao cảm, vừa rất gần gụi đâu đây vừa không thể nắm bắt, níu giữ...
Loạt tranh khổ lớn 160 x 320 cm của Ca Lê Thắng hầu như là những không gian không phân định ranh giới. Chúng là những diện tích hữu hạn cho những biểu hiện tình cảm chất chứa riêng tư không thể nói hết, những gam màu trầm tối nặng nề chuyển động dữ dội, những cơn giông u ám và dặm xanh mênh mông hoài niệm bên dòng ngầu đỏ day dứt...
3. Sau triển lãm Mùa nước nổi năm 2021 người viết bài này đã dự cảm con đường sáng tạo của Ca Lê Thắng bằng câu hỏi: "Cá biệt, một số tác phẩm hoàn toàn trừu tượng chỉ tồn tại các miếng hình/màu rành mạch hoặc một bề mặt dày đặc các chuyển động như khắc vạch trên phù điêu - những tác phẩm có thể dự báo một hướng đi thoát ly tuyệt đối thế giới tự nhiên vào vùng khám phá nội giới thuần khiết của Ca Lê Thắng?".
Đúng như thế, hội họa Ca Lê Thắng lúc này là tiếng nói của riêng tâm thức.
Nghệ thuật của ông mang những giá trị sâu sắc của một người qua ngưỡng "cổ lai hy" giàu có về văn hóa, tri thức, tài năng và nhân cách.
Hà Nội, 26/5/2023
Vài nét về họa sĩ Ca Lê Thắng
Sinh năm 1949 tại Bến Tre, Ca Lê Thắng theo gia đình tập kết ra Hà Nội năm 1955. Ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1963 đến 1970 (Hệ Sơ Trung 7 năm). Ngay sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm là giảng viên Hệ Trung cấp, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1971 đến 1972. Sau đó cũng tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, ông theo học Hệ Đại học từ năm 1972 đến 1976. Trong gia đoạn là sinh viên đại học (1972-1973), ông có đi thực tế sáng tác tại chiến trường Trường Sơn dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Trần Huy Oánh.
Sau ngày thống nhất, Ca Lê Thắng làm việc tại TP Hồ Chí Minh với vai trò giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh từ 1976 đến 1988, cùng giai đoạn này (1983) ông có làm việc một năm tại Tiệp Khắc (cũ). Giai đoạn 1988 đến 2000 ông là Phó Tổng thư ký thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM.
Năm 1974 tại Hà Nội Ca Lê Thắng đã lần đầu tiên tham gia Triển lãm Mỹ thuật do Hội Văn Nghệ Hà Nội tổ chức. Sau khi trở lại miền Nam ông liên tục tham gia các triển lãm mỹ thuật nhiều quy mô ở trong và ngoài nước, đáng chú ý là các triển lãm: Triển lãm nhóm tranh trừu tượng (1992); Triển lãm nhóm 10 người tại TP.HCM (Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam, Nguyễn Thanh Bình) liên tục các năm 1991, 1992, 1993, 1994, 1995; một số triển lãm nhóm tại Singapore, Hàn Quốc. Ca Lê Thắng tham gia nhiều trại sáng tác Điêu khắc như: Huế (2000), TP.HCM (2003), An Giang (2005), Vũng Tàu (2006), Côn Đảo (2010), Đồng Nai (2011), Ninh Thuận (2014); Các Trại sáng tác Hội hoạ: Long Xuyên (2013), Đà Lạt (2014), Kiên Giang (2015), Vũng Tàu (2016), Triển lãm mỹ thuật và Workshop quốc tế Hanoi Art Connecting 2019,... Năm 2021, họa sĩ Ca Lê Thắng đã thực hiện thành công triển lãm cá nhân tại Hà Nội.
Họa sĩ Ca Lê Thắng là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, từng nhận nhiều tặng thưởng của Hội Mỹ thuật TP.HCM, Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng như nhiều bộ sưu tập tư nhân.
Tags