Họa sĩ Ca Lê Thắng và 10 năm cho triển lãm cá nhân 'Mùa nước nổi'

Thứ Năm, 09/12/2021 14:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm cá nhân Mùa nước nổi của họa sĩ Ca Lê Thắng chính thức khai mạc hôm nay 9/12 tại Art Space, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

Triển lãm 'Niệm' của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương

Triển lãm 'Niệm' của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương

Phòng triển lãm cá nhân - Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - chính thức mở cửa trở lại với Triển lãm Niệm của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương, từ 24 đến 30/11.

Mùa nước nổi là series tranh được họa sĩ Ca Lê Thắng sáng tác liên tục trong 10 năm trở lại đây, khởi nguồn là 3 tác phẩm sơn dầu từ năm 1987: Đồng Tháp, Đất thở I và Đất thở II.

Mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long với trời nước mênh mang nhòe ranh giới, có nhịp điệu vạch ngang của đáy, vớ lưới giăng, xiên chéo lau sậy, tầm vông, điên điển, có ngược xuôi ghe xuồng chống sào đồng cạn đồng sâu… đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác trở đi trở lại suốt 10 năm trong ấn tượng thị giác bền chặt của Ca Lê Thắng.

Chú thích ảnh
Mùa nước nổi 51

Tại triển lãm, khoảng 50 bức tranh được đánh số cùng tên Mùa nước nổi bên cạnh hàng chục tác phẩm đặt tên theo cảnh trí nông thôn như Cơn giông, Khói đốt đồng, Bên dòng kênh, Giữa đồng, Cánh diều… đều được thể hiện bằng phong cách bán trừu tượng - chú trọng cấu trúc vật chất bề mặt, giản lược bố cục phân chia mảng hình, không gian và chỉ gợi mở một số đặc điểm (hiện thực) của đối tượng thể hiện (thiên nhiên), phối hợp các đối tượng đó thành tiết tấu nhịp điệu ngẫu hứng theo cảm xúc hội họa, không phải theo yêu cầu “tái hiện” khách quan.

Chú thích ảnh
Mùa nước nổi 54

Theo họa sĩ Vũ Huy Thông, đặc điểm phong cách hội họa series Mùa nước nổi của Ca Lê Thắng dễ nhận ra ở tuyến tính bố cục nằm ngang, đôi khi là sự phân chia tượng trưng không gian (bầu trời, mặt đất), đôi khi là các vệt bút, vệt màu chạy từ trái qua phải; điểm nhấn tạo hình thường là các tổ hợp nét xiên tốc độ và cảm xúc trên nền hòa sắc âm vang các lớp không gian hoặc chỉ còn là các mảng màu hình học phẳng hoàn toàn tượng trưng.

Chú thích ảnh
Mùa nước nổi 57

Mặc dù hầu hết Mùa nước nổi có phong cách biểu hiện bán trừu tượng nhưng phần lớn chúng đều cung cấp ấn tượng đối diện trước thiên nhiên mênh mông, không gian rộng lớn, nhiều tính chuyển động tự nhiên và cảm xúc như lãng mạn thân thuộc, như cổ xưa xa vợi.

Cá biệt, một số tác phẩm hoàn toàn trừu tượng chỉ tồn tại các miếng hình/màu rành mạch hoặc một bề mặt dày đặc các chuyển động như khắc vạch trên phù điêu - những tác phẩm có thể dự báo một hướng đi thoát ly tuyệt đối thế giới tự nhiên vào vùng khám phá nội giới thuần khiết của Ca Lê Thắng.

Chú thích ảnh
Mùa nước nổi 58

Họa sĩ Vũ Huy Thông cũng tin rằng, Mùa nước nổi sẽ giúp Ca Lê Thắng nhận được nhiều con mắt đồng điệu, hơn thế nữa, ông có thể tự tin vào thành tựu đã hồi sinh sung mãn và rực rỡ trong sáng tạo nghệ thuật của mình.

Chú thích ảnh
Mùa nước nổi 61

Họa sĩ Lý Trực Sơn cho rằng: “Ở mảng tranh này Ca Lê Thắng đã tìm thấy con đường riêng của mình - người đàn ông Nam Bộ ngang tàng phóng khoáng được trang bị đầy đủ học vấn bắt đầu mở cõi. Mùa nước nổi trong tranh của ông không diễn tả mùa nước nổi như nhìn thấy, cũng không phải trừu tượng hóa cái nhìn thấy. Nó phản ánh sự hợp làm một giữa cảnh giới tâm thức của ông với cái bao la mênh mông như thuở ban sơ của quê hương ông…

Tôi cũng muốn nói rằng, cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Hải và Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng là một nghệ sĩ tạo hình xuất sắc. Họ rất Nam Bộ và rất Việt Nam”.

Chú thích ảnh
Mùa nước nổi 63

Nói thêm về họa sĩ Ca Lê Thắng, họa sĩ Lý Trực Sơn cho biết: “Khi Ca Lê Thắng hoàn thành bài thi tốt nghiệp bằng chất liệu sơn mài ông đã tự đặt mình vào hàng ngũ những họa sĩ xuất sắc. Đó là kết quả của một tài năng sau bao năm tháng miệt mài học tập, nghiên cứu, tìm tòi đã đạt tới trình độ tạo hình cao, kỹ thuật điêu luyện.

Cùng Đào Minh Tri, 5 năm đại học của ông cũng là 5 năm có những đóng góp to lớn cho việc thay đổi tư duy nghệ thuật, tác động tích cực đến mô hình đào tạo của nhà trường, bắt đầu khuyến khích xu hướng phát triển phong cách riêng của từng sinh viên.

Chú thích ảnh
Mùa nước nổi 64

Một triển lãm riêng của Ca Lê Thắng đã được chờ đợi từ rất lâu. Nhưng ông cứ nấn ná mãi có lẽ vì chưa hài lòng về những gì mình đã làm được. Trong đời sống ông là người khoáng đạt nhưng với học thuật và nghệ thuật thì ông khắt khe, duy lý và cầu toàn. Dùng dằng giữa hai thái cực lý trí và cảm hứng, giữa cái đã biết và cái cần khám phá, giữa tất định và mơ hồ là trạng thái lưỡng nan khó vượt thoát”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm Mùa nước nổi 65 của họa sĩ Ca Lê Thắng

Vài nét về họa sĩ Ca Lê Thắng

Sinh năm 1949 tại Bến Tre, Ca Lê Thắng theo gia đình tập kết ra Hà Nội năm 1955. Ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1963 đến 1970. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm là giảng viên Hệ Trung cấp, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1971 đến 1972. Sau đó, cũng tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ông theo học hệ Đại học từ 1972 đến 1976.

Sau ngày thống nhất, Ca Lê Thắng làm việc tại TP.HCM với vai trò giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM từ 1976 đến 1988. Giai đoạn 1988 đến 2000 ông là Phó Tổng thư ký thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM. Năm 1974 tại Hà Nội, Ca Lê Thắng đã lần đầu tiên tham gia triển lãm mỹ thuật do Hội Văn Nghệ Hà Nội tổ chức.

Sau khi trở lại miền Nam, ông liên tục tham gia các triển lãm mỹ thuật nhiều quy mô ở trong và ngoài nước, đáng chú ý là: Triển lãm nhóm tranh trừu tượng (1992); Triển lãm Nhóm 10 người tại TP.HCM (Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam, Nguyễn Thanh Bình) liên tục các năm 1991, 1992, 1993, 1994, 1995; và một số triển lãm nhóm tại Singapore, Hàn Quốc.

Triển lãm Mùa nước nổi của họa sĩ Ca Lê Thắng sẽ kéo dài đến hết ngày 18/12.

Tiểu Phong

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›