(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Triển lãm và ra mắt sách mỹ thuật Vết căn nguyên của Huỳnh Lê Nhật Tấn (1973) khai mạc lúc 18h ngày 26/3 tại Mây Artspace (36/70 Nguyễn Gia Trí, TP.HCM). Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) xin trích giới thiệu bài viết của nhà phê bình Đặng Tiến về hội họa của Huỳnh Lê Nhật Tấn.
Với cả thơ và hội họa, Huỳnh Lê Nhật Tấn đều đến bằng con đường tự học và khổ luyện trong nhiều năm, trước khi tìm ra một nét lạ.
Vẽ mà không vời
Vẽ, ngày nay thường là chuyện vẽ vời. Nói chuyện vẽ, thành ra vẽ chuyện. Huỳnh Lê Nhật Tấn vẽ mà không vời, khác thường là ở chỗ đó.
Bức tranh, bình thường là một chào mời vào cảnh đẹp, rừng Thu, chiều tà, người đẹp, hoa tươi, những hình tượng mà người đời cho là đẹp, theo văn hóa, mượn ở thiên nhiên quen thuộc. Tranh Huỳnh Lê Nhật Tấn không mời gọi theo nghĩa đó, nhưng bản chất nghệ thuật là tiếng gọi, có thể là tiếng hú giữa thinh không, tiếng gào mong đồng loại. Dù là tiếng thét trong mê sảng, vì đã mê sảng là đã có gọi nhau trong vô thức.
Nghệ thuật là cuộc tình duyên dài lâu giữa con người và vũ trụ qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên là nhu cầu tâm linh, tranh trên vách tiền sử là tranh cầu chúc mùa săn bắn được hiệu quả, “tàn dư” ngày nay là tranh Đông Hồ của nước ta, cầu tài, chúc phúc, trừ yêu quái. Sau đó mới có tượng và tranh trang trí. Tranh hiện đại tân kỳ nhất, cũng có chức năng trang trí, nhưng không phải là mục tiêu của người họa sĩ chân chính, mà Huỳnh Lê Nhật Tấn là họa sĩ chân chính - hay ít ra là anh cũng có tham vọng chân chính.
Kết quả trước mắt: Huỳnh Lê Nhật Tấn sáng tác một loại tranh phi thương mại. Vì tranh Tấn không có tác dụng trang trí hay giải trí mà là tranh khảo trí, nghĩa là tra tấn trí tuệ người xem, sau khi đã tự tra tấn tâm thức bản thân. Khác với “tranh đố”, tác giả tranh đố biết trước giải đáp, còn ở đây họa sĩ đối với chính mình vẫn là ẩn số. Thậm chí có ai hỏi Tấn anh vẽ cái gì đây? Thì anh cũng phải trả lời thôi, nhưng là lời ấm ớ hội tề. Nghệ thuật có cái sinh lý của nó, mà lý trí không biết đến: Mỗi nét cọ là một huyền nhiệm của vũ trụ.
Người đời vẫn nghĩ rằng nghệ thuật là tiếng hát, ít ai biết đến nghệ thuật còn là tiếng gào thét. Trong bài tựa của tập thơ Điên trong dự kiến, Hàn Mạc Tử đã thổ lộ động cơ sáng tạo của mình: “Tôi làm thơ nghĩa là tôi yếu đuối quá… Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào rú, có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi? Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui buồn, giận hờn đến gần đứt sự sống”.
Tuy nhiên, thơ Hàn Mặc Tử không phải toàn là tiếng khóc, và Huỳnh Lê Nhật Tấn cũng không mang thân phận Hàn Mạc Tử. Vậy mà lời của Hàn lại vận đúng vào tranh Tấn, chủ yếu là “tiếng gào, tiếng rú” một phần âm vang trầm thống pha với ít nhiều chất hoang dã, tạo nên thi pháp Huỳnh Lê Nhật Tấn.
Những u uẩn của tâm linh
Theo đà tiến bộ của khoa học kỹ thuật, một nét khu biệt hội họa hiện đại, ví dụ trường phái lập thể, là ưu đãi những đường nét kỷ hà, với đường thẳng, góc cạnh của hình học, trong không gian Euclid, theo ánh sáng luận lý, theo Logos. Tranh Huỳnh Lê Nhật Tấn thì ngược lại, những đường cong quặn thắt, quằn quại theo hải trình quanh co của Ulysse, giữa ánh lửa chập chờn của huyền thoại, Mythos.
Xưa nay, nghệ thuật vẫn có chức năng soi sáng, đưa từ bóng tối ra ánh sáng những sự vật, tâm cảnh chìm khuất. Tranh Tấn là những u uẩn của tâm linh. Trong nghĩa này, họa phẩm của anh gần với bi kịch Hy Lạp thời đầu tiên. Khi sân khấu còn là một sinh hoạt tôn giáo, nó đầy rẫy những bạo lực tàn nhẫn, những đam mê đen tối, những tội lỗi ác liệt. Nó có tác dụng thanh lọc tâm linh. Bi kịch, thời đó là một phương cách tẩy trần Katharsis. Tranh Tấn có không khí bạo liệt ấy, thêm một ít ám ảnh tình dục. Với Tấn, vẽ là sáng tạo, đồng thời là giải thoát, là giải phóng những u uẩn, bất bình, ẩn ức sinh lý xen với nhiều khát vọng. Nhân vật bi kịch Hy Lạp tuyệt vọng trước định mệnh, nhưng màu sắc trong tranh Tấn còn lóe lên một thoáng ước mơ - nguồn sáng ấy cũng phù hợp với tâm thức con người hiện đại đã thoát ly ra cõi thần quyền.
Vấn đề cuối cùng, thực tế, là Tấn vẽ cho ai? Hoàn tất một bức tranh, thì ra bức tranh. Nó chỉ thành họa phẩm khi có người xem, và trở thành một tác phẩm văn nghệ khi đã được quần chúng thưởng thức, trong một phòng tranh hoặc qua một thị trường. Và nó chỉ hoàn tất định mệnh văn hóa của nó, khi được treo lên bức tường, không phải là của họa sĩ.
Tấn có hành trình đặc biệt đến với hội họa. Anh không kinh qua những đoạn đường chiến binh mà bước ngay vào thị trường hội họa hiện đại và chuyên nghiệp, như người nhảy vọt qua hố thẳm.
Họa phẩm của anh đang đi vào cuộc phiêu lưu lớn, một thử nghiệm lớn cho nền thị trường tranh hiện nay. Huỳnh Lê Nhật Tấn có năng khiếu, có động lực, tay nghề, đã đầu tư cả cuộc đời cho nghệ thuật, nay chỉ cầu may mắn gặp nhiều hạnh ngộ.
Vẽ, thoạt tiên, không phải là vời. Nhưng xong một bức tranh, tất cần phải vời, để hoàn tất cuộc vẽ vời. Người vẽ như kẻ đóng thuyền. Định mệnh của mỗi con thuyền là dong buồm, ra khơi, cập bến.
Ulysse trở về bến cũ. Huỳnh Lê Nhật Tấn nóng lòng trông chờ bến lạ. Bức tranh đẹp là một hôn lễ của trần gian. Mua một bức tranh, là cưới một trần gian.
Giữa thơ và họa Huỳnh Lê Nhật Tấn sinh năm 1973, sống và làm việc tại Đà Nẵng. Là tác giả của hai tập thơ Men da (2009), Que than (2017) và tập sách mỹ thuật Vết căn nguyên (tháng 3/2022). Triển lãm cá nhân đầu tiên với thể loại tranh thơ art graphic Dấu nối sinh tồn (2007) diễn ra tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội). Anh cũng đã tham gia các triển lãm nhóm như sắp đặt nghệ thuật thơ Trong bé nhỏ đến rộng lớn (2010) tại Văn Miếu, Hà Nội. Trình diễn và sắp đặt thơ Những nấc thang (2010) tại Festival Huế. Triển lãm Mỹ Sơn - Cảm xúc mới (2013) tại Mỹ Sơn, Quảng Nam… |
Nhà phê bình Đặng Tiến
Tags