(Thethaovanhoa.vn) - Tốt nghiệp khoa sơn mài năm 2002, Lê Huy Cửu đã có hàng chục triển lãm chung trong nước và quốc tế, với nhiều trăn trở, tìm tòi. Thế nhưng để gọi là chuyên tâm như một họa sĩ toàn thời gian, anh tự nhận là chưa. Câu chuyện quay lại vẽ tranh của Lê Huy Cửu có thể là một gợi ý nhỏ, một cảm hứng riêng cho những họa sĩ trẻ đang loay hoay tìm đường, hoặc các sinh viên mỹ thuật.
- Dù đang nhiều lùm xùm, tranh Việt vẫn còn sức hút
- Tranh Việt trên sàn đấu giá Sotheby’s: Thiếu niềm tin, thế giới nghệ thuật sẽ sụp đổ
- Nhà sưu tập 8X bỏ cả tỷ đồng mua tranh Việt
Anh vừa tham gia triển lãm Kết nối cùng 7 họa sĩ Việt Nam và Ấn Độ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Tại đây anh giới thiệu loạt tranh mới, vẽ quang cảnh đô thị, kết hợp nhiều ngôn ngữ, trong đó chủ đạo là trừu tượng và biểu hiện. Anh cũng đang chuẩn bị cho một triển lãm cá nhân bề thế, với nhiều tác phẩm, nhiều chất liệu.
Lê Huy Cửu có cuộc trò chuyện về hành trình quay trở lại giá vẽ cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* “Tứ thập nhi bất hoặc”. Vì sao bước qua tuổi 40 anh mới quyết định quay trở lại cùng đam mê từ nhỏ của mình?
- Đây là một suy nghĩ riêng tư, có thể không đúng với đa số người cầm cọ. Tôi từng nghĩ rằng muốn làm họa sĩ thì phải có tiền, nhiều tiền càng tốt. Mà khi mới ra trường, tôi nghèo quá, nên không dám xả thân cho việc vẽ, sợ không có tiền sống qua ngày, không có tiền mua vật liệu, thì dang dở mọi thứ. Vì vậy tôi phải tìm việc để sống, nên chỉ vẽ tranh cầm chừng.
* Nói như vậy, thì bây giờ anh đã có nhiều tiền, nên muốn toàn tâm cho việc vẽ?
- Chắc chắn không phải, vì tôi mới chỉ đủ sống qua ngày thôi. Nhưng tôi có một nỗi sợ lớn. Đó là hồi nghèo khó thì sợ không có tiền mua vật liệu để vẽ, không đủ tiền thuê nhà, nhưng nếu cứ chạy theo đồng tiền, tôi lại sợ đồng tiền chi phối hoặc sai khiến mình, làm mất hết động lực để vẽ.
Nghĩ vậy nên sau hơn 15 năm mưu sinh, tôi quyết dừng lại để vẽ tranh. Tôi có quyết tâm này, vì vẽ là công việc - mà cho đến hiện tại - tôi vẫn mê thích nhất, muốn làm suốt đời. Tôi nghĩ mình vẫn còn may mắn, vì còn mê, chứ hết mê thì có thuê cũng không vẽ nổi.
Khi bước qua tuổi 40, tôi cũng bình tĩnh hơn để chọn lựa đâu là chính yếu, đâu là thứ yếu của đời mình. Thời gian trôi đi thật nhanh, đôi khi mình trở thành người khác lúc nào không hay, tôi sợ điều ấy, trong khi cả tuổi trẻ chỉ mê được vẽ.
* Với trải nghiệm và sự chín chắn này, tranh mới của anh sẽ sâu sắc hơn? Vậy bây giờ, khi vẽ anh quan tâm tới điều gì?
- Thật ra đến bây giờ tôi mới ít nặng nề khi vẽ, nên chẳng thích “đao to búa lớn”, mà chỉ vẽ những điều mình cảm, mình thích. Tôi nghĩ đến không gian nhiều hơn, nơi mà đô thị đang lấn lướt, chỗ nào cho con người gần gũi với tự nhiên? Tôi cũng vẽ sự tương quan và tương phản giữa không gian và mặt đất, càng tối giản càng tốt.
Trong nhà trường, sinh viên “bị nhồi” quá nhiều sứ mệnh, nên khi mới ra trường, nhiều người - trong đó có tôi - cũng không thoát ra được quán tính này. Lúc ấy, đứng trước giá vẽ là nghĩ đến thông điệp, nghĩ tới nội dung tư tưởng. Sau 15 năm bôn ba mưu sinh, với nhiều vấp váp, trải nghiệm, giờ tôi chỉ muốn vẽ và vẽ thôi, bớt nghĩ ngợi mông lung.
* Từ thế hệ của anh trở về trước, nhiều người thường học trung cấp rồi mới vào đại học, 8-9 năm ở ký túc xá, cứ học và học, thành một “nếp sống trường ốc”. Nên khi ra trường, dù phần nhiều không thể trở thành họa sĩ chuyên tâm và chuyên nghiệp, nhưng họ cũng không cam tâm bỏ nghề, vì học quá mất thời giờ và sức lực. Trong lần trở lại này, nếu có ai đó cũng nhận xét anh như vậy, anh sẽ biện minh thế nào?
- Tôi chỉ biết cười thôi. Vì thật ra tôi muốn được vẽ tranh dài lâu, suốt đời càng tốt, còn làm được hay không lại là chuyện khác. Về tâm lý, tôi thấy mình đang sẵn sàng để vẽ suốt đời, vì đó là việc ưa thích nhất. Còn học ra trường mà không được làm điều như đã học, cũng tùy người sẽ thấy tiếc nuối hoặc không, tôi thì thấy tiếc, vì lúc nhỏ mình mê vẽ, lớn lên đi học vẽ, vậy sao bây giờ lại không vẽ?!
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.
Như Hà (thực hiện)
Tags