Lê Vượng sinh năm 1952 tại Sài Gòn, với 50 năm cầm cọ, mà đây là triển lãm cá nhân đầu tiên và duy nhất trong sự nghiệp. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã tham gia nhiều triển lãm chung ở trong nước và quốc tế, nhận nhiều giải thưởng, có tranh trong bộ sưu tập của nhiều bảo tàng và tư nhân.
Triển lãm Sáng - tối khai mạc lúc 10h ngày 18/6 tại Bình Minh Art Gallery (29A Ngô Thời Nhiệm, TP.HCM) cũng là kỷ niệm cột mốc “cổ lai hy” của Lê Vượng. Triển lãm giới thiệu 36 bức tranh sơn dầu tiêu biểu của ông qua các thời kỳ, bao gồm 28 bức tranh tĩnh vật theo lối tả thực, 5 tranh phong cảnh, 2 bức tự họa và 1 bức chân dung vẽ vợ ông.
Về tranh theo phái tả thực, cùng thời hoặc sau Đỗ Quang Em (1942-2021), Việt Nam không có nhiều tên tuổi ấn tượng, tạo được chú ý. Trên thị trường mỹ thuật, số họa sĩ phái tả thực thu hút được công chúng cũng không thật nhiều. Chính vì vậy, một họa sĩ tả thực được yêu thích như Lê Vượng, mà chưa từng làm triển lãm cá nhân lần nào, cũng là chuyện lạ.
Từ năm 1970 đến năm 1973, ông theo học và tốt nghiệp Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, sau đó tiếp tục học, tốt nghiệp hệ đại học của trường này vào năm 1977. Sau 7 năm đèn sách, ông được giữ lại Đại học Mỹ thuật TP.HCM để làm việc, sau khi được cử đi học khóa sư phạm và chính thức làm giảng viên của trường. Sau ông được phân công đi thực tế tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Vĩnh Long, dạy vẽ và làm tranh cổ động. Sau đó ông về Trung học Trang trí Đồng Nai dạy vẽ một thời gian, trước khi nghỉ việc để chuyên tâm sáng tác. Mấy chục năm qua, tranh của ông được yêu thích tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
- Triển lãm 'Mây mưa' bày 50 tranh sơn dầu của 5 họa sĩ
- Triển lãm tranh sơn dầu 30 nhân vật anh hùng Việt Nam trên khắp thế giới
Sau khi kinh qua nhiều ngôn ngữ, chủ đề và chất liệu như màu nước, lụa, sơn mài, bột màu… thì Lê Vượng mới đến với tĩnh vật và tả thực. Đó là năm 1992, sau khi một nhà sưu tập cổ vật ở Sài Gòn nhờ ông vẽ bức tranh về những món đồ cổ, thì ý tưởng vẽ tả thực hiện ra, ông gắn bó cho đến ngày nay.
Lê Vượng chia sẻ: “Qua thế giới tĩnh vật ấy, tôi cảm nhận được ý nghĩa sâu thẳm của sự im lặng và cả ý nghĩa bao dung của sự bình dị, những điều mà người ta dễ dàng đánh mất trước cuộc sống phồn hoa đô thị”.
Như Hà
Tags