Cuộc triển lãm Gặp gỡ tháng 3 tại Hà Nội vừa qua đã thu hút được cảm tình và sự chú ý của cộng đồng, khi nó gắn với một lớp vẽ thiện nguyện cho trẻ tự kỷ mà họa sĩ Lương Giang duy trì trong 5 năm qua.
Thực tế, bất cứ ai ghé thăm phòng tranh Megan Art (Số 9 Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) vào sáng thứ Sáu hàng tuần sẽ thấy Giang đang tỉ mỉ dạy những bạn nhỏ tự kỷ từng nét vẽ.
Lớp học của các bé "VIP"
Ngay từ lúc còn là sinh viên khoa Mỹ thuật tại trường Lasalle College of the Art của Singapore, Giang đã ấp ủ mơ ước mở phòng tranh riêng để thể hiện tình yêu với hội họa và từ đó bắt đầu lan tỏa những giá trị ý nghĩa đến cộng đồng. Kể về cơ duyên mở lớp vẽ thiện nguyện cho trẻ tự kỷ, chị xúc động: "Mọi chuyện bắt đầu từ việc một phụ huynh dẫn con bị tự kỷ tới xem tranh. Được tiếp xúc và lắng nghe những câu chuyện về việc gia đình nuôi dạy con, cảm phục trước sự hy sinh và tình thương con của chị, tôi quyết định mở lớp vẽ".
Những bạn học sinh tự kỷ đến với Giang được giảng dạy ở một không gian riêng với giáo trình riêng biệt. Như lời Giang, các bạn tự kỷ được coi là VIP (người quan trọng) bởi hầu hết các em gặp khó khăn trong ngôn ngữ, khó kiểm soát hành vi và khóa mình trong một thế giới riêng biệt. Các em cần những giáo viên có chuyên môn và kiên nhẫn đồng hành trên một chặng đường dài.
Lớp học ban đầu chỉ vỏn vẹn 5 bạn, sau đó phát triển với số lượng học viên ngày một tăng. Giang lập tức tuyển thêm nhiều giáo viên có trình độ chuyên môn để theo sát và giúp các bạn có được sự quan tâm như nhau.
"Ban đầu các em đều không biết vẽ, tôi để các em tự nhiên chạm tay vào màu, vào cọ để làm quen. Vì với trẻ có tính cách đặc biệt thì bắt ép không phải một cách hay. Có em thì chịu hợp tác, nhưng cũng có nhiều em không thích, các em không vẽ mà ném bút rồi xé giấy tung tóe hay lăn ra giữa sàn khóc" - Lương Giang kể - "Thế nhưng cuộc sống rất công bằng, ông trời không cho ai tất cả, ông trời cũng chẳng lấy đi của ai tất cả hết. Các bạn tự kỷ dường như được của ông trời ban tặng cho năng khiếu cảm thụ nghệ thuật rất tốt".
Gắn bó trực tiếp với từng học sinh, Lương Giang hiểu rõ phương pháp dạy học luôn phải thay đổi linh hoạt sao cho phù hợp với tính cách từng em. Chị kể, việc bước được vào thế giới của các em không phải chuyện ngày một ngày hai mà cần một quá trình kiên trì theo đuổi. Không ít lần, Giang dành ra cả ngày tìm tài liệu liên quan đến thế giới người tự kỷ và học hỏi thêm kinh nghiệm từ chính các phụ huynh để có phương pháp giúp các em tiếp thu hiệu quả nhất.
Ở lớp học vẽ của Giang, mỗi học sinh đều đặc biệt theo những cách khác nhau. Như Văn Duy, một học sinh mắc chứng tự kỷ điển hình không nói được, gia đình em sống ở mãi tận trên Ba Vì nhưng sáng thứ Sáu nào bố mẹ hoặc ông đều đèo em xuống trung tâm để học. Không có trường dành cho trẻ tự kỷ tại nơi Duy sống, từ nhỏ em được bố mẹ dạy chữ ở nhà. Duy bộc lộ năng khiếu hội họa qua từng nét cọ vẽ, em rất thích được đi học và đến nay những bức tranh của Duy đều trở nên chuyên nghiệp và có hồn.
Hành trình của nỗ lực
Từ những tờ giấy trắng với nét vẽ nguệch ngoạc, cùng với sự cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ của cả cô và trò, các em giờ đây đã nắm được những kiến thức cơ bản của hội họa. Năm 2021, triển lãm Sắc màu - những mảnh ghép do trung tâm tổ chức đã mang đến cho công chúng cảm nhận sâu sắc về từng câu chuyện riêng, từng sắc màu riêng phản ánh khách quan nội tâm của những bạn bị tự kỷ về thế giới xung quanh. Đây cũng là cách để trung tâm động viên các gia đình có con tự kỷ khuyến khích, phát huy năng lực của trẻ, cũng như đánh thức sự quan tâm, thấu cảm và chấp nhận khác biệt từ xã hội.
Rồi vừa qua, là triển lãm Gặp gỡ tháng 3 được họa sĩ Lương Giang kết hợp trưng bày tác phẩm của các thầy cô tại Trung tâm và giới thiệu 40 bức tranh của các bạn nhỏ tự kỷ.
Không quảng bá rầm rộ, không truyền thông trên các trang mạng xã hội nhưng sĩ số của lớp học ngày một tăng lên bởi sự truyền tai nhau của các bậc phụ huynh.
Trò chuyện với người viết, chị Mai Anh, phụ huynh của em Trung Hiếu, kể: "Cần nhiều "nguyên liệu" để có thể dạy được các bạn tự kỷ như sự kiên trì, nhẫn nại, và phương pháp để mở khóa được nội tâm bên trong của các em. Tôi cùng nhiều phụ huynh khác vô cùng biết ơn Giang, bởi nếu không phải người giáo viên biết cảm thông và am hiểu thì sẽ khó mà có thể duy trì việc dạy học như tại lớp vẽ này".
Hoặc, ông Đỗ Ngọc Diệp, ông ngoại của em Vũ Đỗ Tuấn Duy, chia sẻ: "Biết Duy đam mê với hội họa từ nhỏ, không ít lần gia đình tìm đến các trung tâm khác nhau để cho cháu theo học nhưng đều đứt đoạn giữa chừng vì cách giảng dạy không phù hợp. Tình cờ biết đến trung tâm, tôi và gia đình đặt trọn tin tưởng gửi gắm Duy cho cô Lương Giang và các thầy cô. Nhìn thấy rõ rệt sự thay đổi theo hướng tích cực của cháu tốt lên từng ngày là hạnh phúc to lớn của chúng tôi".
Là một trong những người gắn bó với Megan Art từ những ngày đầu thành lập, chị Nguyễn Thị Thơm, giáo viên tại trung tâm kể "Được dạy học cho các bạn tự kỷ và chứng kiến hành trình trưởng thành của các bạn qua từng triển lãm, chúng tôi vô cùng xúc động. Cải thiện rõ nhất là Văn Duy, từ một cậu bé chỉ biết vẽ những nhân vật hoạt hình vô cùng đơn giản, đã có thể phác họa và phối màu cho những bức tranh có hồn và giàu cảm xúc hơn. Em đã biết tập trung lắng nghe và chịu tiếp thu ý kiến của giáo viên thay vì những hành vi khó kiểm soát như trước đây. Đặc biệt, tại triển lãm vừa qua, nhiều tác phẩm đều được các bạn tự lên ý tưởng còn giáo viên chúng tôi chỉ hỗ trợ đóng góp ý kiến…"
Như chia sẻ của Lương Giang và các đồng nghiệp, thông qua hoạt động nghệ thuật, trẻ tự kỷ có thể được khai sáng nhận thức, nhiều xung đột ẩn sâu trong tiềm thức được thể hiện thành các biểu tượng hữu hình như hội họa, và những hành động biểu tượng mang tác động tích cực sẽ đem lại chuyển biến không ngờ. Thêm nữa, với các em, đó cũng là hành trình để nhận về tình yêu thương, sự thấu hiểu của mọi người và hòa nhập với cuộc sống tốt hơn.
Sinh năm 1986, ngoài vai trò họa sĩ và giảng viên Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Lương Giang còn là diễn viên khá quen thuộc của điện ảnh và truyền hình trong các bộ phim như Hành trình bí ẩn, Khát vọng Thăng Long, Hoa cỏ may, Nhà có nhiều cửa sổ, Cầu vồng tình yêu, Hoa hồng trên ngực trái…
Tags