Họa sĩ Lương Mạnh Tâm và 'gia tài' bị bỏ quên 40 năm

Thứ Tư, 12/03/2014 09:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tuổi 77, họa sĩ Lương Mạnh Tâm không ngờ rằng kho "nhật ký chiến trường bằng tranh" của ông lại được biết tới sau hàng chục năm bị lãng quên. Gần 400 bức tranh được vẽ trong các thập niên 1960 và 1970 ấy đã được in thành sách vào đầu năm 2014 dưới cái tên Khoảnh khắc chiến trường.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng (Nhà xuất bản Công an Nhân dân) là người phát hiện và tổ chức xuất bản kho tư liệu đặc biệt này. Tất cả bắt đầu như một sự tình cờ, khi ông Tâm định hiến tặng... một chiếc giá vẽ cũ cho Bảo tàng Công an Nhân dân. Khi đó, hàng trăm bức tranh vẫn được ông Tâm xếp trên nóc tủ, đơn thuần với ý tưởng lưu giữ những kỷ niệm gắn với nghề "họa sĩ chiến trường" của mình. Rồi, từ câu chuyện với những người trong cuộc, toàn bộ kho tranh ấy được ông Tâm tặng lại cho bảo tàng, trước khi được in thành sách

Vẽ như… “nhập đồng”

"Những bức tranh đầu tiên được tôi vẽ vào năm 1967, sau trận càn Junction City. Hai đồng đội của tôi khi đó có tên là Hồng Thanh và Sơn, cùng nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ" - ông Tâm kể. Chia vui với bạn, sự rạo rực và tự hào trong niềm vui chiến thắng khiến ông Tâm bỏ máy ảnh, cầm bút lên vẽ ngay những bức ký họa chân dung 2 người.

Họa sĩ Lương Mạnh Tâm

Họa sĩ Lương Mạnh Tâm

Trước đó, chút năng khiếu hội họa từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã khiến ông Tâm sớm say mê món nghệ thuật này. Sinh năm 1937, quê Hải Phòng, ông sớm đi theo kháng chiến rồi về tiếp quản Hà Nội năm 1956. Trước khi vào chiến trường miền Nam trong tư cách một cán bộ an ninh, ông Tâm cũng đã có vài năm "lê la" tìm đến những họa sĩ già tại Hà Nội để học nghề.

"Học chơi thôi, để thỏa mãn thú vui từ nhỏ" - ông Tâm cười. Như những thanh niên cùng lứa khác, ông cũng đem theo bút, mực, giấy trong hành trang vào chiến trường. Nhưng rồi bút giấy vẫn nằm yên ở đáy ba lô trong thời gian đầu tiên - cho tới khi hiện thực của cuộc sống hàng ngày thôi thúc ông Tâm vẽ như... nhập đồng.

Ông Tâm vẽ chân dung, vẽ ký họa, vẽ cả phong cảnh. Có bức tranh chỉ ghi lại gương mặt của những cô gái giao liên, anh giải phóng quân hay những người dân Nam Bộ ông gặp mỗi ngày. Có bức ghi lại những sự kiện mà ông tận mắt chứng kiến như trận càn Junction City. Và có cả những bức tranh mà ông Tâm gọi là "bố cục bằng trí tưởng tượng". Khi ấy, cứ theo mỗi dòng tin thời sự về cuộc chiến tranh của dân tộc, ông lại cầm bút, hướng tới những câu chuyện đang xảy ra cách đó hàng trăm cây số và vẽ bằng sự hào hứng của mình. Đó là các bức tranh về Chiến dịch Mậu Thân, về Hiệp định Paris, về 12 ngày đêm chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội.

Món quà quý giá cuối đời

"Tôi vẽ hàng ngàn bức tranh. Khó lòng nhớ nổi những câu chuyện cụ thể quanh từng bức một" - ông Tâm nói. "Chỉ có điều chắc chắn, rất nhiều nhân vật trong số tranh này đã nằm xuống trong cuộc chiến đấu, và tôi không có cơ hội gặp lại họ sau giây phút ngắn ngủi để hoàn thành tác phẩm của mình".


Từ địa ngục trở về - bức tranh được ông Tâm vẽ nhân dịp trao trả tù binh theo Hiệp định Paris 1973

Những bức tranh của ông Tâm mang vẻ đẹp giản dị, mộc mạc và hồn nhiên. Một phần, lý do của cách tạo hình ấy đến từ việc ông được giao phụ trách toàn bộ phần tranh cổ động và minh họa cho tờ An ninh giải phóng miền Nam Việt Nam. Một phần khác, đó là quan điểm hồn nhiên của người họa sĩ chiến trường này: vẽ nhiều, để có thể ghi lại đầy đủ những câu chuyện và con người trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc.

Như lời ông Tâm, rất nhiều trong số những bức ký họa chiến trường ấy được tặng ngay cho "nguyên mẫu" khi vẽ chân dung. Nhiều bức khác thất lạc hoặc bị hủy hoại bởi bom đạn trong cuộc chiến đấu hàng ngày. Kết thúc chiến tranh, ông Tâm ra Bắc với hành trang là một hòm đạn đại liên chứa hàng trăm bức ký họa còn giữ được.

"Những ngày đầu, vài tuần một lần, tôi lại mở ra xem trong cảm giác bồi hồi" - ông Tâm kể. "Rồi, cuộc sống khó khăn thời bao cấp cũng khiến mọi thứ dần quên đi. Thói quen vẽ tranh kí họa cũng mất dần, khi mà những chiếc máy ảnh xuất hiện ngày một nhiều". Với ông, Khoảnh khắc chiến trường là món quà đáng giá lúc cuối đời...

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›