Không phải ngẫu nhiên mà họa sĩ Maj Trang Olson lại đặt tên cho triển lãm cá nhân của mình là Tưởng nhớ Bùi Xuân Phái. Dường như, từ bức chân dung được danh họa Bùi Xuân Phái vẽ năm 1988 đã khiến cô người mẫu năm nào trở thành họa sĩ với nhiều tác phẩm ấn tượng được truyền cảm hứng từ Phố Phái.
Triển lãm đang diễn ra tại Nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội) và kéo dài đến hết ngày 12/9, với 60 tranh sơn dầu trên toan vẽ nhiều chủ đề nổi bật có chùm 13 tranh vẽ phố cổ Hà Nội.
Những kỷ niệm không quên
Đã 36 năm trôi qua kể từ ngày trở thành mẫu vẽ chân dung của Bùi Xuân Phái, đến giờ nữ họa sĩ Maj Trang vẫn vẹn nguyên cảm xúc vui sướng, hạnh phúc khi nhớ về kỷ niệm cũ.
Có lòng mến mộ từ lâu với danh họa, lại yêu tranhPhái nên khi có cơ hội được gặp họa sĩ vào năm 1988, cô gái Maj Trang ngày ấy liền đặt vấn đề: "Muốn bác Phái vẽ Maj Trang". Được bác Phái đồng ý, Maj Trang đã mang 2 chiếc áo có cùng họa tiết, một màu đen, một màu xanh đến nhà họa sĩ ở phố Thuốc Bắc.
"Bác Phái phấn khởi khi thấy tôi mang đến 2 chiếc áo. Bác bảo tôi ngồi vào ghế, rồi bác chọn chiếc áo đen họa tiết trắng để vẽ. Bác chỉ dẫn tôi tạo dáng như nàng Mona Lisa. Vẽ mất 3 buổi, mỗi lần ngồi 2 tiếng. Khi vẽ xong, bác Phái còn tặng tôi 2 bức vẽ, một tác phẩm về phố cổ Hà Nội và một tác phẩm chèo" - nữ họa sĩ nhớ lại - "Trời,tôi hạnh phúc lắm! Mang tranh về nhà, tôi không thể nào quên được hình ảnh của chính mình ngày đó: Tranh của Bùi Xuân Phái để đằng trước, tôi ngồi xích lô ôm tranh đằng sau. Xe lóc cóc đi mãi từ phố Thuốc Bắc về đến nhà ở phố Huế giữa lúc trời mưa lâm thâm".
Kỷ niệm như mới diễn ra ngày hôm qua, trong ký ức của Maj Trang còn không thể nào quên dáng vẻ của họa sĩ Bùi Xuân Phái khi vẽ cô. Đủ mọi cảm xúc của ngày xưa, khi nhắc nhớ nữ họa sĩ vẫn bồi hồi vô cùng.
"Tôi đến, thấy bác Phái trùm chăn nằm trên sập. Bác ngồi vẽ trong dáng vẻ âm thầm, còn chăn vẫn trùm lên người ra phía đằng sau. Nhà nhỏ, sập bác nằm và ghế tôi ngồi sát cạnh nhau. Khi ấy, vợ bác Phái ngồi đan len gần cạnh! Sau này, bà Phái còn tặng tôi một chiếc khăn len đan tay, đến giờ vẫn giữ làm kỷ niệm" - Maj Trang kể.
Họa sĩ nói thêm: "Những hôm bác Phái vẽ, tôi không hề hay biết bác đang ốm, vì thấy bác vẫn đón tiếp và làm việc bình thường. Tác phẩm hoàn thành ngày 31/3/1988. Chưa đầy 3 tháng sau tôi nghe tin bác qua đời. Lúc này, tôi mới biết bác vẫn chiến đấu với bệnh ung thư để làm việc".
Duyên khởi từ bức chân dung Cô gái mặc áo đen họa tiết kỷ hà trắng, họa sĩ Maj Trang luôn giữ gìn những kỷ niệm đặc biệt với cố danh họa. Ví như, 2 chiếc áo mang đến cho họa sĩ lựa chọn vẫn được cô cất giữ cẩn thận như một kỷ vật quý giá của đời mình.
Vào tháng 4/1988, Galery Hội Văn nghệ Hà Nội tổ chức trưng bày giới thiệu tác phẩm của Bùi Xuân Phái tại 19 Hàng Buồm, Maj Trang khi ấy đã mặc chính chiếc áo đen họa tiết kỷ hà trắng đến tặng hoa chúc mừng họa sĩ. Bức ảnh đen trắng chụp lại khoảnh khắc đó vẫn được nữ họa sĩ nâng niu đến hôm nay.
Còn với chiếc áo màu xanh, Bùi Xuân Phái cũng đã từng vẽ ký họa chân dung Maj Trang bằng bút dạ màu trong dịp cô và họa sĩ cùng dự tiệc một đám cưới năm 1987. Và đến giờ, Maj Trang vẫn tiếp tục mặc lại chiếc áo này nhân dịp cô từ Thụy Điển về nước làm triển lãm Tưởng nhớ Bùi Xuân Phái. Dịp này, cô được 5 họa sĩ Vũ Dũng, Vi Quốc Hiệp, Phạm Kiên, Nguyễn Tuấn Thịnh, Nguyễn Thị Hòa vẽ trực họa cùng lúc. Và 5 bức tranh cũng được giới thiệu trong không gian của triển lãm Tưởng nhớ Bùi Xuân Phái.
Với Maj Trang, cả chiếc áo đen và xanh đều là "những chiếc áo lịch sử" của riêng cô. Bởi thế, trong rất nhiều bức tranh tự họa, cô đều vẽ lại họa tiết trên 2 chiếc áo này như một cách để tưởng nhớ đến danh họa Bùi Xuân Phái - người thầy lớn, trực tiếp ảnh hưởng đến sự nghiệp sáng tác của mình sau này.
"Bác Phái truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Vẽ phố cổ Hà Nội, tôi nhớ bác Phái sống trong ngõ trên con phố Thuốc Bắc. Thế rồi, có lúc tôi nhớ hoài những kỷ niệm ngày xưa đi vòng quanh Bờ Hồ, phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào,..." - họa sĩ Maj Trang.
Vẽ phố bằng hoài niệm
Năm 1990, Maj Trang định cư ở Thụy Điển. Và cũng từ đây cô bắt đầu sự nghiệp hội họa. Xa Việt Nam, Maj Trang gửi nỗi nhớ quê hương vào tranh, mà cảm hứng nhiều nhất, đậm sâu nhất có lẽ là phố cổ Hà Nội - nơi cô sinh ra, trưởng thành. Tại triển lãm Tưởng nhớ Bùi Xuân Phái, nữ họa sĩ bày 13 bức tranh vẽ phố cổ Hà Nội.
Xem tranh phố của Maj Trang, dễ thấy những ảnh hưởng từ phong cách tranh Phố Phái. Thế nhưng, nữ họa sĩ vẫn có một không gian phố của riêng mình. Phố của Maj Trang là hoài niệm, là ký ức. Cô tự tình với phố bằng những năm tháng thời thanh tân. Vẫn còn đó những liêu xiêu, rêu phong, cũ màu thời gian của mái phố, dáng phố, nhưng phố của Maj Trang có nét duyên riêng ở bầu trời. Mỗi bức phố đều có một khung trời riêng, nơi để họa sĩ giãi bày tâm tư.
Như chính Maj Trang bộc bạch: "Bác Phái truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Vẽ phố cổ Hà Nội, tôi nhớ bác Phái sống trong ngõ trên con phố Thuốc Bắc. Thế rồi, có lúc tôi nhớ hoài những kỷ niệm ngày xưa đi vòng quanh Bờ Hồ, phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào...".
"Bởi vì cuộc đời từng trải qua trầm bổng, nên khi vẽ, tôi lúc nào cũng ước mơ hạnh phúc. Tranh của tôi không có màu u buồn, mỗi tác phẩm phố cổ Hà Nội có một bầu trời riêng, thay đổi như tính cách con người lúc nắng lúc mưa, lúc vui lúc nhộn" - nữ họa sĩ bày tỏ - "Có nhiều hôm trời hồng, tím lãng mạn vô cùng, làm cho một cô gái xao xuyến, nhớ đến người yêu. Lại có những hôm bầu trời sớm bình minh rực sáng những hào quang, làm cho người ta phấn chấn, có niềm hy vọng vào ngày mai tốt đẹp.
Đâu chỉ có thế, tranh phố của Maj Trang còn là tự sự của ký ức. Họa sĩ cho biết, từng con đường, góc phố trong tranh đều đầy ắp những kỷ niệm của một thời không quên.
"Trên những ngõ tối Hà Nội của những năm tháng xưa cũ, tôi vẫn thường ngân nga những bài hát của Trịnh Công Sơn. Hồi đó, tôi mê nhạc Trịnh, mê Khánh Ly! Nhớ lắm những câu hát: Thương ai về ngõ tối sương rơi ướt đôi môi… Nhớ như thế nên tôi vẽ nhiều ngõ tối trong tranh" - Maj Trang tâm sự - "Phố cổ ngày xưa vắng vẻ, tôi vẫn thường cùng bạn vừa đạp xe lóc cóc quanh Hồ Gươm, vừa ngân nga hát nhạc Trịnh. Rồi, cả bác xích lô khi xưa chở tôi ôm tranh Bùi Xuân Phái… tất cả những chi tiết ấy trong tranh đều có ý nghĩa với cuộc đời mình. Phố đã sống, đã chứng kiến buồn vui cuộc đời tôi như thế".
Hoài nhớ phố cổ Hà Nội bao nhiêu, Maj Trang gửi trọn vào tranh bấy nhiêu. Chẳng vậy mà trong lời ngỏ triển lãm Tưởng nhớ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam viết: "Cô vẫn rất nhớ ngõ xưa, phố cũ qua những con đường quen nên thổn thức tiếng lòng theo nét bút, mảng màu trong từng bức họa mới sáng tác khi Phái Phố và Phố Phái đã hóa thạch Hà Nội của tôi hay của bạn, lay động đĩa màu nghẹn ngào cảm xúc khi cô buông hình, tràn sắc với ngày xửa ngày xưa từ những ngày thơ bé để rồi ngỡ ngàng con mắt mới với Hà Nội hôm nay".
Vài nét về họa sĩ Maj Trang Olson
Maj Trang Olson tên thật là Nguyễn Thị Mai Trang, sinh năm 1956 tại Hà Nội trong gia đình có cha và 2 anh đều là họa sĩ, điêu khắc gia.
Mặc dù là họa sĩ tự học, song Maj Trang Olson đã có nhiều triển lãm ở Việt Nam và châu Âu. Tranh của cô được đánh giá là mang đậm màu sắc văn hóa châu Á, tái hiện kịch tính, vẻ đẹp của con người và thiên nhiên, tạo nên một phong cách riêng, giàu trí tưởng tượng và cảm xúc mãnh liệt.
Tags