Họa sĩ Ngọc Linh - Vời vợi một tình yêu Hà Nội

Thứ Tư, 11/10/2023 12:01 GMT+7

Google News

Nhận cuộc gọi từ số máy bàn, tôi nhận ra ngay giọng nói sang sảng, hoan hỉ của NSƯT Ngọc Linh - người họa sĩ dân tộc Tày trước thềm 94 tuổi: "Bác cũng tưởng triển lãm thứ 11 nhân sinh nhật tuổi 90 mà cháu đã đến dự đã là sự kiện cuối cùng sự nghiệp nghệ thuật của bác. Nhưng trời thương cho lộc sức khỏe, thế nên bác chọn con số 12 làm lễ ra mắt cuốn sách hội họa nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Cháu nhớ đến dự với bác nhé!".

Nhận giấy mời và cầm trên tay bộ sách hội họa song ngữ Việt - Anh Hà Nội tôi yêu (Hanoi My Love), tôi xúc động, cảm phục vô cùng người họa sĩ đam mê hội họa và luôn thường trực trong ông một tình yêu sâu sắc với Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Bộ sách do NSƯT Ngọc Linh và cháu nội Vi Huyền Linh biên soạn, NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành, gồm 144 trang, khổ 14,5cm x 20cm, bìa cứng, in màu giấy couche.

"Lập trình" con đường mỹ thuật

Ngọc Linh tên thật là Vi Văn Bích, sinh ngày 30/10/1930 tại Hà Nội. Quê quán tại Bản Chu, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Cha ông là Vi Văn Huyền - con thứ 9 trong gia đình có 10 người con của quan Tổng đốc Hà Đông, Thái Bình - Vi Văn Định (1878 - 1975).

Ngọc Linh thuộc thế hệ họa sĩ kháng chiến, đã được nuôi dưỡng trong gia đình nhân sĩ giàu truyền thống yêu nước, cách mạng, gắn bó máu thịt với đất nước và nhân dân. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 16 tuổi, Vi Văn Bích đã theo ông và cha lên ATK (Thái Nguyên).

Họa sĩ Ngọc Linh - Vời vợi một tình yêu Hà Nội - Ảnh 1.

Hoạ sĩ Ngọc Linh thời trẻ

Trước khi gắn bó với mỹ thuật, ông đã từng trải nghiệm nhiều nghề phục vụ sự nghiệp cách mạng: Y tá đoàn giải phẫu lưu động của bác sĩ Tôn Thất Tùng và Hoàng Đình Cầu phục vụ kháng chiến (1946); học viên khóa V, trường lục quân ở Trừu Khúc - Thái Nguyên (1949)... Tên bí danh Ngọc Linh đã theo Vi Văn Bích từ đó và sau này đã trở thành nghệ danh gắn bó với sự nghiệp mỹ thuật.

Họa sĩ Ngọc Linh - Vời vợi một tình yêu Hà Nội - Ảnh 2.

Họa sĩ Ngọc Linh (ngồi) trong buổi ra sách

Con đường mỹ thuật như đã được lập trình từ trước, khi Ngọc Linh gặp danh họa Trần Văn Cẩn và biết Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam đang tuyển sinh khóa học đặc biệt - khóa mỹ thuật kháng chiến (1950 - 1954). Vốn có năng khiếu hội họa, cơ duyên đã đưa ông đến với lớp mỹ thuật kháng chiến và được đào tạo bài bản tại chiến khu Việt Bắc do các danh họa nổi tiếng như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Văn Tỵ, Sĩ Ngọc, Nguyễn Khang, Bùi Trang Chước… trực tiếp giảng dạy. Đây là khóa học đầu tiên đánh dấu sự trở lại nền nếp, quy củ của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (tiền thân là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương), do Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng và trực tiếp giảng dạy.

Họa sĩ Ngọc Linh - Vời vợi một tình yêu Hà Nội - Ảnh 3.

Ngọc Linh (trái) và họa sĩ - dịch giả Trịnh Lữ tại buổi ra sáchx

Ngọc Linh là 1 trong 22 sinh viên của khóa học đặc biệt này, cùng những người bạn sau này thành họa sĩ tên tuổi như Trần Lưu Hậu, Mai Long, Ngô Mạnh Lân, Lê Lam, Thục Phi, Trọng Kiệm, Lê Huy Hòa, Lưu Công Nhân, Linh Chi... Trước khi tốt nghiệp, ngay sau ngày 15/3/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc, Ngọc Linh đã được về công tác tại Điện ảnh Đồi cọ ATK Việt Bắc; tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và từ năm 1955 gắn bó với Xưởng phim Truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) cho đến khi nghỉ hưu.

Họa sĩ Ngọc Linh - Vời vợi một tình yêu Hà Nội - Ảnh 4.

Sách “Hà Nội tôi yêu” do Ngọc Linh và cháu nội Vi Huyền Linh biên soạn

"Họa sĩ cho biết vẽ bộ tiểu họa này không phải vì thiếu thốn họa phẩm, mà vì tự đặt ra cho mình sự thể nghiệm: thực hành vẽ trực họa bằng sơn dầu trên khuôn khổ nhỏ, mà vẫn đảm bảo được yêu cầu cho từng chi tiết của chủ thể" - PGS-TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng.

140 bức tranh tiểu họa

Sách Hà Nội tôi yêu gồm gần 140 bức tranh tiểu họa về phong cảnh, phố phường Hà Nội, được họa sĩ vẽ từ năm 1991 và có 16 bưu thiếp độc đáo. Sự đặc biệt của bộ tiểu họa là Ngọc Linh trực họa bằng chất liệu sơn dầu trên bề mặt nhỏ của những tờ xổ số tiết kiệm, in trên giấy lụa, còn lại cuối ngày. Với 2 kích thước là 7cm x 10cm và 10cm x 14cm (2 tờ ghép lại), Ngọc Linh đóng thành một quyển ký họa nhỏ, vừa lòng bàn tay, để có một Hà Nội thu nhỏ, tiện bỏ túi.

Họa sĩ Ngọc Linh - Vời vợi một tình yêu Hà Nội - Ảnh 6.

Trang sách “Hà Nội tôi yêu”

Có dịp đến thăm tư gia, mới thấy họa sĩ có lối sống khoa học, chỉn chu, gọn gàng. Ông hồ hởi kể cho tôi nghe hành trình sáng tạo theo cách riêng của mình. Thần thái họa sĩ luôn toát lên sự thân thiện, gần gũi, lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống; tâm hồn bay bổng, trong trẻo hồn nhiên, khoáng đạt, đôn hậu, đầy bao dung, nhân ái; song ông là người thẳng thắn, bộc trực, có tư duy độc lập. Cùng chiếc xe đạp mini và bộ đồ vẽ, ông thường rong ruổi trên ngả đường, góc phố để ghi lại bằng cọ những khoảnh khắc thân quen của phố phường Hà Nội.

Họa sĩ Ngọc Linh - Vời vợi một tình yêu Hà Nội - Ảnh 7.

Bộ tranh tiểu họa được kết tập

Tôi thực sự bị thôi miên, dẫn dụ, mê đắm bởi một Hà Nội trong trẻo, nên thơ, hồn hậu, phóng khoáng, tươi trẻ từ góc nhìn của ông. Đó là hình ảnh Ô Quan Chưởng còn nếp rêu phong ký ức; chùa Một Cột như một gương sen trên đài sen; nhà thờ Cửa Bắc thâm nghiêm mà gần gũi; cầu Long Biên trong ráng chiều đỏ rực; cột cờ Hà Nội sừng sững, uy nghiêm; Văn Miếu - Quốc Tử Giám sắc vàng tráng lệ như trở về thời hoàng kim; phố cổ với mái ngói lô xô; đền Ngọc Sơn, tháp Bút, cầu Thê Húc, tháp Rùa; Bắc bộ phủ giàu trầm tích của "những buổi ngày xưa vọng nói về" (Nguyễn Đình Thi)...

Họa sĩ Ngọc Linh - Vời vợi một tình yêu Hà Nội - Ảnh 8.

Một bức tranh của Ngọc Linh

Họa sĩ cho biết vẽ bộ tiểu họa này không phải vì thiếu thốn họa phẩm, mà vì tự đặt ra cho mình sự thể nghiệm: Thực hành vẽ trực họa bằng sơn dầu trên khuôn khổ nhỏ, mà vẫn đảm bảo được yêu cầu cho từng chi tiết của chủ thể. Tranh siêu nhỏ, nhưng không vì thế mà lược cắt, luôn đảm bảo tính bố cục. Chất liệu đơn giản, kích thước nhỏ vẫn không mất đi sự tài hoa độc đáo, hồn cốt phóng khoáng, tự do, tung tẩy, tươi tắn... đã dần hình thành phong cách đặc trưng của Ngọc Linh. Tranh như con người của ông vậy: Mộc mạc, giản dị, tươi tắn, hồn hậu, cần mẫn, nhiệt tình, đắm đuối, bền bỉ, nhiệt tâm, an nhiên, tự tại....

Họa sĩ Ngọc Linh - Vời vợi một tình yêu Hà Nội - Ảnh 9.

Các bức tranh tiểu họa (mini) của Ngọc Linh

Bộ tiểu họa để lại bao cảm xúc trong giới chuyên môn và công chúng về lối tư duy sắc nét; bố cục phóng khoáng; đường nét tung tẩy, sắc màu tươi mới, không gian tươi tắn, rạng rỡ...

Theo họa sĩ Trịnh Lữ, bộ tranh là tiêu biểu nhất cho bản chất mà ông gọi là "dân gian đương đại" của Ngọc Linh. Hà Nội đã có "phố Phái" - liêu xiêu như những vần thơ u uẩn. Hà Nội giờ lại có "phố Linh" - tung tăng như những khúc hát đồng dao.

Họa sĩ Ngọc Linh - Vời vợi một tình yêu Hà Nội - Ảnh 11.

Tác giả và họa sĩ Ngọc Linh (trái) tại triển lãm “90 mùa xuân”, tháng 11/2020

Với tinh thần để có một Hà Nội thường trực, đồng hành đi cùng muôn nơi, Ngọc Linh đã sáng tạo ấn phẩm sách tranh "Hà Nội thu nhỏ bỏ túi" nhỏ nhắn, dễ thương với niềm mong có một "cẩm nang" vời vợi, thiết tha, bền chặt cho mỗi người bày tỏ tình yêu với phố phường.

Người nghệ sĩ gần chạm tuổi bách niên vẫn không ngừng sáng tạo và cuốn sách Hà Nội tôi yêu là minh chứng đầy sức thuyết phục về tình yêu với Thủ đô ngàn năm văn hiến; cho thấy sự tận hiến cho nghệ thuật hội họa ở ông là không có giới hạn tuổi tác.    

Vài nét về họa sĩ Ngọc Linh


Họa sĩ Ngọc Linh là hội viên của: Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội (1969), Hội Điện ảnh Việt Nam (1970), Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam (1980), Hội Điện ảnh Đồi Cọ (1990).


Ông đã tổ chức 11 triển lãm mỹ thuật cá nhân.


Triển lãm Quê hương tại Hà Nội (1960); Triển lãm tại chiến khu Việt Bắc; Triển lãm tại tỉnh Cao Bằng (1963); Triển lãm tại tỉnh Quảng Ninh (1969); Triển lãm Vùng mỏ tôi yêu tại Hà Nội (1970); Triển lãm Tất cả cho mùa Xuân tại Hà Nội (1981); Triển lãm Rực lửa tình yêu tại Hà Nội (1988); Triển lãm Mùa Xuân vĩnh cửu tại Hà Nội (1990); Triển lãm Hà Nội tôi yêu tại Hà Nội (1995); Triển lãm Chân dung những người cùng thời tôi yêu tại Hà Nội (2000); Triển lãm 90 mùa Xuân tại Hà Nội (2020).


Ông là họa sĩ thiết kế mỹ thuật cho 16 phim điện ảnh, như Chung một dòng sông (đạo diễn Hồng Nghi, 1957), Vợ chồng A Phủ (đạo diễn Mai Lộc, 1960), Câu chuyện quê hương (đạo diễn Hoàng Thái, 1962), Kim Đồng (đạo diễn Nông Ích Đạt, 1963), Lửa rừng (đạo diễn Phạm Văn Khoa, 1965), Luống khoai xanh (đạo diễn Bắc Xuyên, 1970), Độ dốc (đạo diễn Lê Đăng Thực, 1971), Quan Âm Thị Kính (đạo diễn Bắc Xuyên, 1972), Sao tháng Tám (màn ảnh rộng, 2 tập, đạo diễn Trần Đắc, 1975), Bức tường không xây (đạo diễn Khắc Lợi, 1976), Chị Nhàn (2 tập, đạo diễn Huy Thành, 1977), Ngày mưa cuối năm (màn ảnh rộng, 2 phần, đạo diễn Đặng Nhật Minh, 1978), Người chưa biết nói (đạo diễn Bạch Diệp, 1979), Tội và tình (đạo diễn Châu Huế, 1980), Vụ án Hồ con rùa (màn ảnh rộng, 2 tập, đạo diễn Trần Phương, 1983), Ông Tiên trong tù (đạo diễn Bùi Thị Hiền, 1986)…


Giải thưởng: Giải Hội họa cho bộ tranh tứ bình Xuân - Hạ - Thu - Đông tại Liên hoan phim quốc tế Moscow năm 1957; giải Nhì tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1993 với bức tranh lụa Những nẻo đường nai đi; giải Họa sĩ xuất sắc nhất cho phim Sao tháng Tám (đạo diễn Phạm Kỳ Nam) và Bức tường không xây (đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi)...


Với những đóng góp cho nền điện ảnh nước nhà, năm 1993, họa sĩ Ngọc Linh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›