Hoạ sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện - Kế thừa sáng tạo tranh khắc gỗ

Thứ Tư, 12/01/2022 19:24 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sách Mĩ thuật 6 bộ Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam, 2021) bắt đầu dùng trong nhà trường từ năm học 2021- 2022 này. Trong sách, bức khắc gỗ màu Liền chị quan họ của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện được đưa vào bài số 2 trong chuỗi 4 bài thuộc một chủ đề Lễ hội quê hương.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bút Ngữ - 'Chẳng mưa từ chín tầng mây…'

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Bút Ngữ - 'Chẳng mưa từ chín tầng mây…'

Trong tuyển tập "Giải nhất văn chương" (NXB Hội Nhà văn, 1998) ở trang ghi danh sách những người được giải cuộc “Thi ca dao 1961 tuần báo Văn học” có tên Bút Ngữ. Bài ca dao được giải của Bút Ngữ được tuyển vào sách Tiếng Việt 2 (tập 2, NXB Giáo dục, 1996).

Ở bài 1, mỗi em tự làm ra một nhân vật 3D bằng dây thép; tới bài 2, lớp chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm may phục trang cho nhân vật 3D của nhóm, gắn với đặc điểm một lễ hội nào đấy do các em tự chọn; tới bài 3, mỗi nhóm sắp đặt các nhân vật 3D thành một hoạt cảnh lễ hội kiểu như dựng phim búp bê; bài 4 kết thúc chuỗi công việc học hỏi và thực hành bằng cách, mỗi em vẽ bức tranh của mình theo chủ đề Lễ hội quê hương mà nhóm đã tìm hiểu.

Cái đẹp kết hợp giữa thực và ảo, mô tả với trang trí

Bức tranh Liền chị quan họ của họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện, tham gia thật đắc địa vào việc dạy và học chủ để này, vừa cung cấp hình mẫu trang phục lễ hội Quan họ Bắc Ninh, với các chi tiết xống áo, nón khăn, mà học sinh cần biết, vừa gợi hứng khởi sáng tạo mỹ thuật cho học sinh bằng cái đẹp toát ra từ bức tranh.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện. Ảnh: Trịnh Văn Bộ/ Báo ảnh Việt Nam

Cái đẹp của 5 liền chị vùng Quan họ Bắc Ninh duyên dáng trong trang phục áo dài mớ ba mớ bảy, hòa sắc nền nã bên nhau với nâu, đen, cánh gián, phủ lên áo cánh bên trong với tông màu tươi sáng hơn: hồng cánh sen, tím khoai mật.

Dải yếm to buông ngoài cùng được cuốn vòng quanh eo và thắt hoa ở phía trước tạo một điểm nhấn duyên dáng. Thắt lưng bao và dải yếm điểm thêm các nét màu mềm mại trên nền đen của “Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng” (Hoàng Cầm) chấm gót, càng tôn thêm vẻ đẹp chân quê kín đáo của các liền chị.

5 vành nón quai thao màu vàng chanh tròn xoe, người cầm, người đội, vừa đưa vào tranh tiết tấu luân chuyển trong tĩnh tại, vừa tạo cơ hội để các liền chị khoe ra khăn mỏ quạ, tóc đuôi gà…

Kế thừa có sáng tạo tranh khắc gỗ truyền thống với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực và ảo, mô tả và trang trí, 5 “Liền chị quan họ” của Nguyễn Nghĩa Duyện, hiện lên giữa một đầm sen trước nền trời màu khói tỏa mơ màng, các liền chị cùng rồng chầu, phượng múa, các liền chị đẹp như tiên nữ!

Toàn cảnh tranh gọi nhớ câu thơ ngợi ca trời đất giao hòa, thiên nhiên và con người quấn quýt nơi miền Kinh Bắc: “Sông Cầu làm bao xanh/ Ngang lưng làng Quan họ/ Những cánh buồm nhớ thương/ Câu ca đầu ngọn gió” (Nguyễn Phan Hách).

Với cách biên soạn một bài học như thế, người làm sách muốn người dùng sách “khám phá, cảm nhận vẻ đẹp của thế giới tự nhiên và xã hội thông qua một số hình thức của nghệ thuật tạo hình cơ bản được nâng cao dần qua các chủ đề bài học…” nhằm phát triển 3 năng lực được chương trình tổng thể quy định, tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, để sáng tạo. Chính vì những mục đích này mà trong những bài học của chủ đề Lễ hội quê hương bên các danh tác hội họa nổi tiếng thuộc đằng cấp quốc gia và quốc tế, còn tác phẩm “tươi sống” của 7 em học sinh với bút hiệu rõ ràng.

Chú thích ảnh
Tranh khắc gỗ “Liền chị quan họ” của Nguyễn Nghĩa Duyện trong sách “Mĩ thuật 6”

Giữ lại thời khắc oanh liệt của cuộc chiến giữ nước

Thời đại và quê hương là đề tài làm nên nét riêng trong sự nghiệp hội họa của Nguyễn Nghĩa Duyện. Năm 1961, chàng thanh niên 18 tuổi gốc nông dân Nguyễn Nghĩa Duyện nhập ngũ thành anh lính công binh. Bình nhì Duyện có hoa tay, lại từng học một lớp vẽ tư nhân ngoài thị xã Bắc Ninh nên khi đơn vị ra báo tường thì vẽ bức Ra sức rèn luyện đưa đồng đội và chính mình lên báo.

Tranh lọt mắt chính ủy trung đoàn, anh lính Duyện liền được bố trí công tác tại cơ quan tuyên huấn Cục Công binh làm các việc trang trí mỹ thuật, sắp đặt cờ đèn kèn trống. Đầu năm 1964, ông được cử đi học lớp vẽ 4 tháng ở Trường Nghệ thuật Quân đội, rồi được chọn vào học lớp Đồ họa 18 tháng cùng 12 học viên chiến sĩ do Trường Nghệ thuật Quân đội và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức để bổ sung chiến sĩ văn hóa cho chiến trường.

Tháng 12/1965 chiến sĩ - họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện cùng các bạn lớp Đồ họa lên đường vào Nam chiến đấu. Anh lính Nguyễn Nghĩa Duyện được phân công trình bày báo Quyết thắng của Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1974, chuyển quân về Quân khu Tả Ngạn, chiến sĩ Duyện thi đỗ hệ chính quy Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, quân đội cho ông chuyển ngành theo học.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Chợ quê” (Giải thưởng Nhà nước năm 2011). Ảnh: Trịnh Văn Bộ/ Báo ảnh Việt Nam

Năm 1979, tốt nghiệp đại học, Nguyễn Nghĩa Duyện được giữ lại trường giảng dạy tại khoa Đồ họa. Từ giảng viên thường, thầy Duyện được bổ nhiệm chức Phó khoa năm 1984, chức Trưởng khoa năm 1987. Tại đây ông vừa sáng tác vừa giảng dạy tới lúc nghỉ hưu.

Chính quân đội đã mở đường để họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện đến với mỹ thuật chuyên nghiệp, và sáng tác trong không khí chiến trận của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tạo ra các họa phẩm mang tính sử thi, giữ lại mãi mãi trong khung tranh của mình, những thời khắc oanh liệt của cuộc chiến giữ nước Việt Nam tính từ 1945.

Đó là bức khắc gỗ Hà Nội 1946 với 3 người lính quắc thước, ken vai nâng đỡ tháp Rùa trên vai mình, sau tháp Rùa là núi sông hùng vĩ. Tấm áo trấn thủ của chiến binh đứng đầu, với những nét khắc dọc, kết nối với sóng hồ Gươm nét ngang, như ken chiến lũy bảo vệ non sông.

Đó là khắc gỗ Đêm nay Bác không ngủ. Bức tranh như vẽ được tiếng lửa hồng reo, soi sáng đường chữ đang viết về vận nước!

Đó là bức sơn khắc Bác Hồ trên đường ra trận cuồn cuộn sóng quân hành. Ở trung tâm bức tranh, Bác Hồ bận quân phục đang chỉ bản đồ. Theo tay Bác, đoàn quân tiến vào khoảng sáng cao trào, trên góc cao nhất bức tranh. Chính đoàn quân nhân vật hội họa như đưa cảm hứng mỹ thuật của tác giả thoát khỏi giới hạn của khung tranh.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hội làng”. Ảnh: Trịnh Văn Bộ/ Báo ảnh Việt Nam

Quê hương Kinh Bắc và mái ấm gia đình hội họa

Bên cạnh mảng tranh sử thi, Nguyễn Nghĩa Duyện còn tập trung phản ánh về con người và phong cảnh quê hương đất nước nói chung, vùng Kinh Bắc quê ông nói riêng, với những lễ hội vui tươi, đậm chấtdân gian. Có thể kể các bức tranh đẹp như: Chợ làng, Chợ quê, Miền quê Kinh Bắc, Ca trù, Hội làng, Chợ cầu quê xưa Liền chị quan họ đã nói trên kia.

Đặc biệt bức sơn khắc Hồ Gươm ngày hội hòa bình của Nguyễn Nghĩa Duyện mô tả một ngày vui ở trung tâm Thủ đô, nhưng hồn quê Bắc Ninh của ông vẫn hiển hiện khi ông “thả” trong tranh những con chim câu như đem vào tranh không khí lễ hội thả chim quê mình. Những cánh chim nối đất với trời. Từ đền Ngọc Sơn, chim nối hàng bay lên, khiến chim như nét “tả thiên thanh” vẽ bằng tháp bút từ mấy trăm năm đứng chờ nơi đây!

Cụ thân sinh họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện là một lương y, trọng chữ nghĩa luôn lấy sự học làm nếp nhà, cả mấy anh em họ Nguyễn nên nghiệp nhờ học hành. Cho đến hôm nay nhà này có tới một “chi hội” họa sĩ con, cháu. Con gái họa sĩ - thạc sĩ Nguyễn May - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Sư phạm Mỹ thuật, Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương. Con trai, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Dậu - giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, người đại diện cho nhóm “Sơn ta” đưa các sáng tác sơn mài Việt Nam đi triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Pháp, Nga, Italy, Thái Lan...

Cháu ruột làPGS-TS Nguyễn Nghĩa Phương lấy bằng tiến sĩ tại Viện Hàn lâm Mỹ thuật và Kiến trúc Quốc gia Kiev (Ukraine). Hiện là Trưởng khoa Đồ họa, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ngành Đồ họa…

Bằng tài nghệ và lao động nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện có 12 tác phẩm bày trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với những cống hiến của của một công dân nghệ sĩ cho sự nghiệp văn hóa dân tộc, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện đã nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba… Năm 2012, ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Vài nét về họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện

Họa sĩ Nguyễn Nghĩa Duyện sinh ngày 11/10/1943 tại xã An Bình, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Ông từng là bộ đội công binh, nhà báo, nhà giáo. Năm 1998, ông đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú và Huy chương vì sự nghiệp văn hóa. Hiện ông sống và sáng tác tại quê nhà Bắc Ninh.

(Còn tiếp)

Trần Quốc Toàn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›