Khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào chiều 25/7, triển lãm "Cái đầu" giới thiệu 19 tác phẩm mới nhất của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương, với những cách diễn giải riêng trên các chất liệu mới.
Khá thú vị, tất cả 19 bức tranh trong triển lãm đều cùng mang tên "Cái đầu" với những nét vẽ xoay quanh khái niệm này. Không phải chân dung mà là "cái đầu". Như nhận xét từ các đồng nghiệp, Phương muốn nhấn mạnh đến tư tưởng, đến não trạng, đến cái bên trong, hơn là diện mạo bên ngoài.
Tại đó, mỗi "cái đầu" là một cuốn sách đời người, ẩn hiện tất cả những thông hiểu - ngu tối, cao cả - tầm thường, hạnh phúc - đau khổ...
Để rồi, lao động nghệ thuật mới của Nguyễn Ngọc Phương đã kết nối chúng lại thành một chuỗi suy tư về bản thể con người. Như chia sẻ của họa sĩ Lý Trực Sơn, khác với cấu trúc thường thấy trên tranh của Nguyễn Ngọc Phương, những tác phẩm lần này là nơi anh lao vào những bùng nổ, những hỗn loạn của các yếu tố tạo hình rồi tìm cách xác định cho chúng một trật tự động.
"Điều lớn nhất tôi thấy trên tranh của anh là năng lượng của cái được che giấu quá mãnh liệt, đến nỗi chúng làm biến dạng hình hài của cái che giấu nó" - họa sĩ Sơn nói.
Còn Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ ngắn gọn về đề tài mà mình đã theo đuổi từ hơn 10 năm nay: "Loạt tranh tái hiện sự ám ảm trong tâm trí tôi về nhân tính con người".
Ở loạt tranh này, Nguyễn Ngọc Phương thực hành nghệ thuật trên vóc/ gỗ. Việc sử dụng trường màu tối dày đặc như nghệ thuật đắp nổi được áp dụng trong các khâu sáng tạo khiến đường nét trở nên mạnh mẽ. Các đường viền tuyến tính hoặc phi tuyến tính được xóa nhòa, bóng dáng con người cũng được làm mờ trên nền màu xám. Còn lại duy nhất những cái đầu như đang trôi nổi một cách bất ngờ và đầy căng thẳng.
Đặc biệt, họa sĩ rất thành thạo trong việc sử dụng nhiều vật liệu ngẫu nhiên khác nhau từ các sắc tố tự nhiên như: rỉ sét, vật liệu mạ, các loại sa khoáng, các loại đá đất, cát, sỏi, rễ cây khô… Nguyên vật liệu được vò ép, ném và đập xuống để thể hiện thôi thúc mãnh liệt bên trong người sáng tạo, từ đó tạo nên sự độc nhất cho tác phẩm.
Như nhận xét từ đồng nghiệp - họa sĩ Yến Năng, có hai điểm mới nổi bật ở triển lãm của Phượng. Nét mới đầu tiên là về chất liệu - khi xuyên suốt quá trình học tập và sáng tác của Phương hơn 20 năm qua, anh luôn cho thấy ý thức rõ ràng về việc phải làm chủ chất liệu trong từng giai đoạn sáng tạo của mình qua những cách thức sử dụng mới, kể từ sơn mài truyền thống, đến acrylic và sau này là tổng hợp. Lần này, bằng sự phối hợp các vật liệu sơn ta, keo, đất, đá, bạc và vàng, trên nền gỗ, Phương đã chế ra một loại chất liệu mới với khả năng sáng tạo và những thủ pháp kỹ thuật riên của mình.
Và, đó cũng là lợi thế cho cái mới thứ hai - mới về tạo hình – khi bút pháp và thôi thúc nội tại của Phượng đã hòa làm một trên mặt tranh, tạo ra một cảm nhận về xúc giác mạnh mẽ.
Nguyễn Ngọc Phương sinh năm 1975 tại Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và sau đó lấy bằng Thạc sĩ Nghệ thuật tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Trước đây, Nguyễn Ngọc Phương tập trung vào các tác phẩm bán trừu tượng, sau đó dần chuyển sang các tác phẩm trừu tượng.
Nguyễn Ngọc Phương từng có các triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam với chủ đề "Ngày thứ 49" - Phần 1 và 2 (2018), và "Niệm" (2021). Nhiều tác phẩm của anh được chọn trưng bày tại các phòng tranh và bảo tàng ở Đông Nam Á như Yogia Gallery (Yogyakarta, Indonesia), Penang State Art Gallery (Penang, Malaysia)…
"Nguyễn Ngọc Phương luôn khát khao làm mới chính mình, cũng như ý thức được việc làm chủ các kỹ thuật sử dụng chất liệu biểu đạt nghệ thuật. Loạt tác phẩm lần này của anh là một sáng tạo đột phá khi chúng ta không còn thấy ảnh hưởng của bất kỳ nghệ sĩ tiền bối nào. Đây là thách thức không hề nhỏ mà hiếm họa sĩ vượt qua được. Triển lãm lần này là thành quả đặc biệt của 20 năm tìm tòi và sáng tạo của anh" - bà Tuyết Nguyễn, sáng lập Tongla Art (đơn vị tổ chức triển lãm) chia sẻ.
Tags