(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp xúc với World Cup từ thời Espana 82, đến nay họa sĩ NOP đã gắn bó với 9 mùa giải vô địch thế giới liên tục. Anh cũng đã vẽ không biết bao nhiêu họa phẩm về bàn thắng đẹp, cũng như rất nhiều tranh biếm họa về bóng đá.
- Phạt người hút thuốc - Tranh của họa sĩ NOP
- Bí kíp chằng buộc gỗ lậu trên xe tải - Tranh của họa sĩ NOP
- Nâng cao thành tích - Tranh của họa sĩ NOP
Vì đặc thù nghề nghiệp, tôi thường tiếp cận với World Cup ở khía cạnh mỹ thuật và công nghệ. Bởi thế, anh nói rằng mình nhận ra nhiều điều thú vị.
* Chúng ta sẽ bắt đầu ngay với World Cup 2018. Với cách xem của anh, điều gì là nổi trội và gây ấn tượng nhất?
- Đó là công nghệ VAR (Video Assistant Referees: trợ lý trọng tài qua ghi hình), một thể thức rất thú vị, dù còn những tranh cãi quyết liệt. Điều này có thể nhận thấy rõ nhất qua các tình huống mà VAR đã can thiệp để có phạt đền. Việc FIFA áp dụng VAR cho thấy họ có nỗ lực để bóng đá được minh bạch, công bằng hơn, nên yếu tố con người bị lu mờ đi chút ít.
Kế đến là dấu ấn của huấn luyện viên. Nhiều đội bóng nhỏ thắng được đội bóng lớn là nhờ ở đấu pháp, chứ không bằng các tướng tá thiện chiến. Như 4 đội vào bán kết, nếu nói Anh và Pháp là tượng trưng cho chủ nghĩa lãng mạn, nơi các cá nhân làm nên hồn cốt trận đấu, thì Croatia và Bỉ lại là đấu pháp thực dụng. Họ cũng có cầu thủ ngôi sao, nhưng điều đó không quan trọng bằng huấn luyện viên, “công nghệ” điều phối trận đấu đã giúp họ vào sâu nhất có thể. Mùa bóng này đa số đầu óc đã thắng tay chân.
* Thời nào có công nghệ của thời đó, dấu ấn công nghệ theo góc nhìn của anh thời World Cup 1982, rồi 1986, 1990 là gì?
- Tôi nhớ mùa Espana '82, gần như chủ đạo là tivi trắng đen 14 inche, mà cũng rất ít nhà có. Tín hiệu thì rất chập chờn, lúc được lúc mất, đôi khi tụ tập lại xem, nhưng suốt trận đấu chẳng thấy hình đâu, chỉ có ăn nhậu. Vậy mà vẫn “ngồi xem” rất hào hứng, bàn luận rôm rả, còn kết quả cuối cùng thì mai đọc báo.
Mùa 1986 có đỡ hơn chút xíu, nhưng tỷ lệ xem được các trận trọn vẹn chỉ là 6/4, mà 6 là không xem được, đành nghe thêm đài phát thanh và đọc báo. Đến 1990 thì bắt đầu có khác biệt về công nghệ, đã có nhiều tivi màu nội địa xuất hiện, sóng cũng ổn định hơn chút xíu, dù điện thì cúp thường xuyên. Lúc này tự mình đã biết đội nào mặc áo màu nào, chứ trước đó, nhiều khi nghe bình luận viên nói cũng không chính xác, do có đội thay đổi trang phục vào phút chót.
* Bằng ngòi bút biếm họa, cơ duyên để anh tham gia cùng World Cup bắt đầu như thế nào?
- Vẽ liên quan tới bóng đá thì có lẽ mọi thứ bắt đầu từ đầu thập niên 1980. Dần dà tôi vẽ nhiều hơn, do nhiều nơi cần tranh. Cao điểm nhất là thập niên cuối thế kỷ 20 và thập niên đầu thế kỷ 21, đến mùa World Cup 2010, tôi vẫn còn vẽ bàn thắng đẹp cho báo Tuổi trẻ. Lúc ấy công nghệ mạng vẫn chưa như bây giờ nên báo lấy một đầu thu gắn vào tivi để ghi lại hình trận đấu. Xem xong trận chừng 30 phút là phải có tranh để báo đi in, đoạn nào quên thì “tua băng” xem lại.
Năm 2014, báo Thể thao và Văn hóa cũng đặt tôi vẽ kết quả trận đấu, nên trận nào tôi cũng phải chuẩn bị trước 3 tình huống: A thắng B, B thắng A, và hòa. Làm như thế này thì ít cảm xúc lắm, nhưng nếu không làm như vậy thì sẽ không kịp tiến độ in. Vẽ kết quả trận đấu luôn luôn áp lực, còn vẽ những gì mình có ý tưởng châm biếm thì cảm xúc hơn, thoải mái hơn.
Đến World Cup 2018 thì gần như không còn nơi nào đặt vẽ kết quả trận đấu nữa, vì hình chế trên mạng quá nhanh và tài tình. Nếu bạn nhìn một chiếc xe gắn máy cà tàng chở các danh thủ như Messi, Ronaldo, Neymar… thì sẽ rất thú vị, hiếm có họa sĩ biếm nào cạnh tranh kịp. Càng ngày người ta xem bóng đá càng rộng hơn một trận đấu, đôi khi tò mò quá đáng, nên tranh biếm họa cũng ít được chú ý.
* Anh có thể nói rõ hơn về điều này?
- Bây giờ, bên cạnh xem trận đấu, người ta còn xem cả khía cạnh đời sống bóng đá, nên những chuyện hậu trường, đời tư… được khai thác triệt để hơn. Từ đó, bóng đá tác động đến người xem không còn là chuyện kỹ thuật, mà cả cảm hứng đời sống. Chẳng hạn, qua chia sẻ trên mạng, nhiều phụ nữ vốn thờ ơ với bóng đá đã viết rằng họ quan tâm đến U23 Việt Nam vì nhiều cầu thủ dễ thương, đặc biệt thủ môn Bùi Tiến Dũng. Rồi, trong bóng đá, việt vị là một lỗi rất khó nhận ra, vậy mà qua các pha việt vị “điển hình” của Neymar, Ronaldo…, nhiều phụ nữ đã khá rành lỗi này.
* Trân trọng cảm ơn anh.
NOP tên đầy đủ là Hà Xuân Nồng, nổi danh về biếm họa trên báo Tuổi trẻ, Pháp luật TP.HCM, Tuổi trẻ cười, Làng cười, Thể thao và Văn hóa (TTXVN)… mấy chục năm nay. Năm 1992, anh từng làm triển lãm cá nhân về biếm họa tại Hội Mỹ thuật TP.HCM. NOP cũng từng được trao giải nhất về biếm họa - Cúp Rồng tre 2010, cùng nhiều giải thưởng biếm họa khác. |
Như Hà (thực hiện)
Tags