Họa sĩ Phạm Huy Thông: Nên thừa nhận xăm hình

Chủ nhật, 03/07/2016 16:24 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều người coi Đại hội Xăm hình Quốc tế Hà Nội diễn ra trong tuần qua là bước ngoặt thay đổi hoàn toàn định kiến về việc xăm hình. Song, họa sĩ Phạm Huy Thông không nghĩ thế. Anh cho rằng, để thay đổi định kiến xã hội, chuyện xăm hình ở Việt Nam còn nhiều điều đáng nói và làm hơn ngoài một sự kiện…

Xăm hình là mỹ thuật ứng dụng

* Theo anh, xăm hình có phải nghệ thuật như người ta đang gọi hay không?

- Câu trả lời của tôi là có. Bởi, xăm mình xuất phát từ nhu cầu làm đẹp. Tất nhiên, quan điểm thế nào là đẹp của từng người có khác nhau nhưng nhu cầu làm đẹp, trang trí cơ thể là nhu cầu nghệ thuật chính đáng của bất cứ ai.

Và, để đáp ứng nhu cầu ấy, những người thợ xăm (mà chúng tôi gọi là những nghệ sĩ) đã phải lao động sáng tạo, nghĩ ra những hình hài, hòa trộn màu sắc hợp lý. Đó không còn là chuyện kỹ thuật xăm hình lên cơ thể một cách cơ học mà là tư duy nghệ thuật để thiết kế ra những tác phẩm hợp với các cơ thể khác nhau.

Tức là, những nghệ sĩ xăm cần rất nhiều năng lực thẩm mỹ để sáng tác ra những tác phẩm cho đối tượng của mình. Nó đòi hỏi khả năng mỹ thuật chứ không đơn giản là “bôi mực” như một số người nghĩ.


Họa sĩ Phạm Huy Thông

* Vậy theo anh, tính mỹ thuật quan trọng đến mức nào trong xăm hình?

- Tôi nghĩ xăm hình là một  dạng của mỹ thuật ứng dụng. Cụ thể, ngoài kỹ thuật, những nghệ sĩ xăm buộc phải có đầu óc tạo hình. Tôi có dạy thiết kế đồ họa. Cứ mỗi năm, tôi mất từ 2-4 học trò bỏ nghề đi làm xăm. Những người đã qua đào tạo bài bản về mỹ thuật đi làm xăm thường khá thuận lợi và  thành công.

Nói vậy để thấy, xăm hình là một phần của mỹ thuật. Nghệ sĩ xăm hình cũng là những nghệ sĩ mỹ thuật. Để thành công trong công việc này, họ cũng cần hội tụ đầy đủ tài năng thiên bẩm và sự khổ luyện, như bao nghệ sĩ khác.

* Còn những người đi xăm, anh có nghĩ họ coi đấy là nghệ thuật không? Bởi định kiến xã hội vẫn đánh giá một số người xăm để thể hiện mình…

- Đó là do quá trình lịch sử để lại. Xưa, ngoài chức năng thẩm mỹ, hình xăm luôn đi kèm các chức năng khác.  Các bộ tộc xưa xăm mình vì yếu tố tâm linh. Ở Việt Nam, có thời, người Việt xăm hình thuồng luồng, da cá sấu với niềm tin rằng những hình xăm này bảo vệ họ khỏi những hiểm nguy. Thời Trần, nhiều người xăm hình chữ “Sát Thát” để hiện quyết tâm giết giặc, bảo vệ đất nước…


Theo họa sĩ Phạm Huy Thông, để khỏi định kiến, xăm hình cần nhiều hơn những kỳ cuộc như Đại hội Xăm hình Quốc tế Hà Nội

Trên thế giới, hình xăm cũng mang nhiều chức năng khác nhau. Ví như ở Nhật Bản, giới xã hội đen phân biệt đẳng cấp bằng số lượng hình xăm và diện tích hình xăm…

Nhìn vào bức tranh rộng lớn để thấy, từ lâu, vấn đề xăm hình đã kiêm nhiệm nhiều chức năng khác nhau. Điều này đã tạo những định kiến xã hội về xăm hình nghệ thuật. Và tới tận bây giờ, vẫn có một bộ phận xăm mình để thể hiện “đẳng cấp”. Song, ở Việt Nam, bộ phận này đang ít dần, và nhu cầu làm đẹp nghệ thuật đang dần trở thành nhu cầu chính khi người ta đi xăm.  

Xăm là đẹp và xăm “lấy số”

* Ranh giới giữa xăm làm đẹp và xăm “lấy số” kiểu xã hội đen, thưa anh?

- Ranh giới nằm ở tư duy người đi xăm. Và tư duy này phụ thuộc định kiến xã hội.

Trong xã hội có định kiến với hình xăm, giới xã hội đen đã sử dụng chính định kiến này để thể hiện mình, làm mọi người sợ. Nhưng, nếu hình xăm càng ngày càng phổ biến, mọi người có cái nhìn cởi mở hơn thì việc xăm để “lấy số” ít đi và người ta sẽ hướng về xăm làm đẹp.

* Thực tế, nhiều người đã hối hận vì phút bồng bột xăm hình tuổi trẻ. Vậy nên chăng, chúng ta cần giới hạn tuổi xăm hình?

- Để chọn được một hình xăm tốt, người đi xăm phải có kiến thức, vốn sống nhất định. Bởi, xăm một hình lên cơ thể không giống như mua một bức tranh trang trí. Nếu mua một bức tranh, sau này thấy xấu, không hợp thì ta có thể mua lại tranh khác. Nhưng hình xăm sẽ lưu dấu lâu dài trên cơ thể chúng ta.

Những phút bồng bột của tuổi trẻ rất dễ khiến ta hối hận với hình xăm. Theo tôi, chúng ta cũng nên có những khuyến cáo nhất định cho những người trẻ trước khi xăm. Tuy nhiên, trước tiên, xăm hình cần phải chính thống hóa như một loại hình nghệ thuật. Bởi, chừng nào xăm được xã hội ghi nhận như một môn nghệ thuật thì những thông điệp phát đi tới công cộng mới được chú tâm và đủ sức nặng.

* Quay lại với Đại hội Xăm hình Quốc tế Hà Nội vừa diễn ra, qua quan sát của anh, anh có nghĩ sự kiện sẽ thay đổi được định kiến xã hội về xăm hình?

- Tôi nghĩ, việc thay đổi suy nghĩ  của xã hội là một quá trình dài. Chúng ta không mong một sự kiện có thể thay đổi hoàn toàn định kiến của số đông. Và cũng sẽ không thật tốt nếu quan điểm thẩm mỹ của toàn xã hội dễ dàng quay ngoắt 180 độ một sớm một chiều.

Xăm hình nói riêng và các môn nghệ thuật chịu định kiến nói chung cần thời gian. Đó cũng là động lực để những người nghệ sĩ tổ chức thêm nhiều kỳ cuộc tương tự để tác động thẩm mỹ tới xã hội dần dần. Tất nhiên, theo tôi, sự kiện vừa diễn ra cũng tác động phần nào tới ý thức xã hội về vấn đề xăm hình.

* Trong Đại hội Xăm hình Quốc tế Hà Nội, anh thấy xu thế xăm hình của người Việt đang diễn ra như nào? Người ta có chọn hình xăm theo ý nghĩa nhất định không hay chỉ đơn giản là làm đẹp?

- Với người nước ngoài, họ thường chọn hình xăm theo kỷ niệm họ trải qua. Ví như họ đến một đất nước, họ có trải nghiệm nào đó, họ đặt hình xăm theo nội dung ấy. Và họ sẽ mang theo những kỷ niệm đó tới hết đời.

Ở Việt Nam, tôi thấy các bạn trẻ chủ yếu chọn hình theo gu mỹ thuật. Ít người kiến tạo hình xăm theo lý do, ý nghĩa cụ thể. Có chăng, một vài người hiện tại vẫn giữ được truyền thống xăm hình với ý nghĩa tâm linh, chủ yếu là phong thủy. Ví như người mệnh thủy sẽ xăm hình sóng nước, đại dương…

Bản sắc Việt” trong hình săm

* Trong Đại hội, tôi thấy hình xăm mang biểu tượng nước ngoài khá nhiều. Phải chăng chúng ta đang vắng bóng những hình xăm mang hoa văn, biểu tượng thuần Việt?

- Đó cũng là điều tôi quan tâm và thấy rất tiếc. Nhiều quốc gia đã làm được bản sắc riêng từ những hình xăm mà chúng ta vẫn chưa làm được. Ví dụ ở Thái Lan, họ có những tạo hình rất đặc thù. Thái Lan là đất nước du lịch, người nước ngoài đặt kiểu gì họ cũng làm được. Nhưng họ vẫn luôn ưu tiên những mẫu xăm, cách tạo hình “đặc sản” Thái cho du khách. Hay Nhật Bản cũng là một nước mang nhiều bản sắc trong tạo hình xăm. Hoặc hình xăm Trung Quốc cũng mang những vẻ đẹp riêng có.

Mặc dù chúng ta cũng ở trong nhóm văn hóa “đồng văn” với Trung Quốc, Nhật Bản song hoa văn và các tạo hình cổ truyền của Việt Nam cũng mang nhiều nét riêng. Nhưng, các nghệ sĩ xăm của Việt Nam chưa làm được điều đó. Đây cũng là điểm cần khắc phục.

* Việc “vắng bóng” bản sắc Việt trong hình xăm theo anh là do khách đi xăm hay các nghệ sĩ xăm?

- Kiến thức về tạo hình tôi nghĩ là do nghệ sĩ. Khách hàng đến thường nhờ các nghệ sĩ  tư vấn. Ở Việt Nam, cơ sở dữ liệu về hoa văn cổ chưa nhiều. Điều này cũng gây trở ngại trong quá trình sáng tạo hoa văn thuần Việt của các nghệ sĩ.

Giá kể, chúng ta có một bộ cơ sở dữ liêu về hoa văn: hoa văn miền núi, hoa văn đồng bằng, hoa văn các thời đại… do cơ quan chức năng thực hiện như cách chúng ta làm với nghê, sư tử đá thì câu chuyện sẽ khác.

Bộ cơ sở dữ liệu này không chỉ giúp ích với ngành xăm mà còn tạo điều kiện rất nhiều để sáng tác các tạo hình thuần Việt trong các ngành mỹ thuật ứng dụng.

* Ở các quốc gia khác, các nghệ sĩ xăm có hội nghề nghiệp riêng không, thưa anh?

- Ở bên Trung Quốc, họ có hội nghề nghiệp xăm hình. Những người thợ xăm được coi là một nghề được pháp luật bảo vệ. Họ có những buổi thi tay nghề, phân cấp tay nghề, đào tạo nghệ sĩ,…. Bên cạnh đó, những người nghệ sĩ cũng phải đảm bảo an toàn về vệ sinh dịch tễ khi hành nghề.

* Vậy anh có nghĩ Việt Nam nên thành lập một hội xăm hình để đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của nghệ sĩ?

- Tốt nhất là nên như thế! Xã hội có nhu cầu chính đáng về việc xăm hình. Chúng ta không thể lờ đi mãi được. Chúng ta càng thờ ơ thì càng khó quản lý lĩnh vực này. Chúng ta nên thừa nhận nghề xăm và nhu cầu xăm. Như thế, mọi thứ sẽ đi đúng lộ trình.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!

Phạm Mỹ (Thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›