(Thethaovanhoa.vn) - 1. Trong quá trình tìm hiểu về công việc sáng tạo và tái tạo của các họa sĩ Việt Nam thời Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, thấy nhiều người khá xuề xòa trong quan niệm về độc bản hoặc phiên bản. Gần như tất cả các họa sĩ thời kỳ đầu ở miền Bắc đều có làm các phiên bản cho một vài tác phẩm mà bản thân ưng ý, hoặc do bạn bè, giới sưu tập, thưởng lãm yêu cầu.
- Ông Lương Xuân Đoàn: Tranh Việt đương đại bị 'dìm giá'
- Giấc mơ 'triệu đô' của tranh Việt (bài 1): Lê Phổ vẫn là 'vua' giá tranh
- Nghiêm - Liên - Sáng - Phái đều đã ra đi, nỗi buồn ở lại với tranh Việt
Trên đây là vài ví dụ mang tính lịch sử, vì có vẻ như trước khi mỹ thuật Việt Nam thật sự bước ra thị trường quốc tế (đầu thập niên 1990), thì việc làm phiên bản để tặng khá phổ biến. Thế nhưng, hậu quả của việc này thì thật khó lường, vì nhiều người lợi dụng điều đó để làm tranh giả, tranh nhái. Mặt khác, một tác phẩm có phiên bản và một tác phẩm độc bản có sự định giá rất khác nhau.
2. Một ví dụ gần đây. Ngày 29/5/2016, nhà đấu giá Christie's tại Hong Kong đưa bức “Thuyền trên sông Hương” (sơn dầu trên bố, 50 x 65 cm, 1935) của Tô Ngọc Vân lên sàn với giá dự kiến từ 51.728 đến 71.126 USD. Trong lúc đó, có một phiên bản khác của bức này rất nổi tiếng tại Việt Nam, được in trong nhiều sách. Nếu bức này mà độc bản, nhiều dự đoán nói rằng giá dự kiến của nó sẽ cao hơn 120 ngàn USD.
Tác phẩm Thuyền trên sông Hương. Bức trên in trong các sách tại Việt Nam. Bức dưới xuất hiện tại nhà đấu giá Christie's Hong Kong ngày 29/5/2016.
Một ví dụ khác. Tại phiên đấu của nhà Christie’s vào cuối tháng 5/2013 ở Hong Kong, bức “Người bán gạo” bị thẩm định nhầm thành tranh phiên bản của Trung Quốc nên có giá dự kiến chỉ hơn 70 USD. Nhưng vào phiên đấu, có mấy người phát hiện tranh này là bản gốc của Nguyễn Phan Chánh, nó nhanh chóng tăng giá, bán tương đương 392.200 USD, trở thành tác phẩm đắt giá nhất của Việt Nam thời bấy giờ.
Chính tình hình phức tạp như vậy mà khi xuất hiện một tác phẩm, giữa người mua và người bán khó xác định đâu là độc bản, đâu là phiên bản do chính tác giả làm, đâu là giả, là nhái. Sự làm giả làm nhái lại ngày một tinh vi, họ không chỉ tạo ra một tác phẩm càng gần với nguyên bản càng tốt, mà còn tạo ra một lý lịch tác phẩm thật ly kỳ để thu hút. Nếu xác định được tính độc bản của một tác phẩm nào đó thì khi xuất hiện một phiên bản khác, có thể khẳng định ngay bản kia là tranh giả.
Sống ở Pháp nhiều thập niên nhưng Vũ Cao Đàm cũng làm phiên bản và cả tranh in, nhưng có đánh số cùng chứng nhận rõ ràng. Hôm 12/5/2016 tại Paris, bức “Thiếu nữ uống trà” được cho là của Vũ Cao Đàm lên phiên đấu tại nhà Auction.fr và được bán thành công. Sau khi Thể thao & Văn hóa chứng minh bức này giả, bài được dịch sang tiếng Anh, rồi đại diện của gia đình Vũ Cao Đàm xác định đó là giả, nhà đấu giá Auction.fr buộc phải trả tiền lại cho người mua. Theo luật pháp nước này, nếu người mua kiện, nhà đấu giá kia phải hầu tòa và đền bù rất nhiều tiền.
Hiền Hòa
Thể thao & Văn hóa
Tags