Họa sĩ Trần Quang Huy "tái xuất" sau già nửa thập kỷ không vẽ tranh với triển lãm hội họa cá nhân mang tên Mộng du.
Vài năm gần đây, Hà Nội liên tiếp có những triển lãm cá nhân gây chú ý về hội họa trừu tượng, mà phần lớn đều là triển lãm của những nghệ sĩ tuổi 60. Đa số họ có xuất phát điểm từ phong cách biểu hình hiện thực, bẵng đi 5-7 năm vắng tiếng rồi bất ngờ "tái xuất" bằng những triển lãm cá nhân mang đủ dáng vẻ, từ trừu tượng cấu trúc, trừu tượng hình học, tới trừu tượng biểu hiện, trừu tượng phi hình thể...
Dường như với họ, sau trên dưới 40 năm học tập tìm tòi từ các định kiến hình mẫu thẩm mỹ đã đủ bình thản quay (lại) vào trong và mặc nhiên để từng phút giây hiện hữu tinh thần chi phối các lớp màu sắc, tốc độ đường nét, số lượng mảng khối; tạo ra tác phẩm mà chẳng so đo tên gọi phân lớp lý thuyết khuôn sáo.
Họa sĩ Trần Quang Huy là trường hợp điển hình như thế. Ông tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) từ 1988, từng tham gia nhiều triển lãm nhóm trong nước, quốc tế cùng nhóm Five new Faces (5 gương mặt mới): Trần Quang Huy, Trần Tuấn, Nguyễn Quốc Hội, Phạm Ngọc Minh, Đinh Quân, có 3 triển lãm cá nhân vào cuối thập niên 1990 và có tác phẩm trong nhiều sưu tập tư nhân.
Sau già nửa thập kỷ không vẽ tranh, 3 năm trở lại đây Trần Quang Huy lặng lẽ tự vấn đáp với khoảng 90 tác phẩm mới, chọn lấy 40 bức trưng bày trong triển lãm hội họa cá nhân mang tên Mộng du tại Art Space, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội từ 4/6 đến 11/6.
Tự gọi các sáng tác hội họa mới nhất của mình là mộng du, dường như Trần Quang Huy muốn ám chỉ hành trình nghệ thuật thực chất chỉ là những ảo ảnh đẹp đẽ cùng đau đớn trong đời nghệ sĩ hay "ngộ đạo" hơn, nhận ra đó chỉ là một chuyến đi trong muôn vàn dịch chuyển vô thường của tạo vật?
Bắt đầu với khoảng trắng của vải vẽ, bắt đầu từ "không", phương pháp sáng tác của ông chẳng có chuẩn bị phác thảo, chẳng có tìm hình, tìm bố cục, tìm ý tưởng mà đơn giản kiên nhẫn, ông chờ tâm thức dẫn dắt những quệt bút vu vơ nhiều khi từ chính palette màu vẽ dở hôm trước.
Chỉ có hai đối cực: hoặc tuyệt đối tĩnh lặng, hoặc ngất ngây cảm xúc người ta mới có thể rơi vào trạng thái mộng du nửa tỉnh nửa mê mặc lối cho tiềm thức hoàn thành nhu cầu tạo tác hình/màu trên mặt phẳng hai chiều và dấu vết ẩn hiện của chính nó là chiều thứ ba - chiều hấp dẫn nhất dành cho nhãn thức đồng điệu của khán giả.
Như họa sĩ tự nói về loạt tranh mới của mình, cảm giác "lửng lơ" của không gian các mảng màu là cảm giác mới mẻ, tâm đắc của ông, nó có được không nhờ chủ tâm của lý trí kỹ thuật kinh nghiệm, nó là "quả" nhận được từ lắng nghe tâm thức, nó là thời điểm sóng nước, sóng âm vừa dừng chuyển động, bước vào trạng thái âm sâu, mộng du, tự tại.
Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm Mộng du từ 4/6 đến 11/6:
Bảo Anh. Ảnh: H.A
Tags