(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Trịnh Thái đang có triển lãm tranh Gặp lại Sài Gòn tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Thật ngạc nhiên, triển lãm này xuất hiện rất nhiều tài tử, giai nhân lừng danh một thời của giới điện ảnh đến dự.
- Từ 2017, phí tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 10.000 đồng/lượt
- Bảo tàng Mỹ thuật VN đến gần hơn với công chúng
1.Các NSND Thế Anh, NSND Đoàn Dũng, NSND Trà Giang… và rất nhiều nghệ sĩ lừng danh trên màn ảnh rộng đã đến chúc mừng họa sĩ Trịnh Thái. Với tư cách họa sĩ, đây là triển lãm cá nhân lần thứ 17 của Trịnh Thái được trưng bày trong và ngoài nước.
Ít người biết Trịnh Thái gắn bó với phim ảnh Việt Nam hơn 30 năm và ông được phong danh hiệu NSƯT dù không hề diễn một vai nào.
Gặp lại Sài Gòn bày khoảng 40 bức tranh vẽ phong cảnh Hà Nội, Tây Bắc bằng sơn dầu và sơn mài. Tranh của ông được nhiều nhà sưu tập tư nhân ưa thích và được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Phương Đông (Nga) lưu giữ.
Gặp Trịnh Thái ngoài đời với chiếc mũ vải rộng vành luôn thường trực trên đầu khiến cho gương mặt đã gầy của ông càng như nhỏ thêm, nhiều người dễ lầm tưởng ông với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trịnh Thái cho biết: “Tôi qua Pháp triển lãm, nhiều người cũng lầm tôi với Trịnh Công Sơn. Tôi nói tôi là em của nhạc sĩ họ Trịnh, tên là Trịnh Công Cốc”.
Việc có ngoại hình giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của Trịnh Thái từng khiến đạo diễn Lê Dân sững sờ. Lê Dân ấp ủ làm một bộ phim về Trịnh Công Sơn, khi kịch bản chưa hoàn thành, Lê Dân đã tìm Trịnh Thái “đặt hàng” là vai nhạc sĩ họ Trịnh nhất định phải do Trịnh Thái thủ diễn.
Trong giới điện ảnh, Trịnh Thái là gương mặt quen thuộc khi ông tham gia hơn 40 bộ phim, trong đó có những phim trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam, như: Rừng O Thắm, Vỹ tuyến 17 ngày và đêm, Ngày lễ thánh, Trở về Sam Sao, Biệt động Sài Gòn, Săn bắt cướp… Trịnh Thái tham gia góp phần làm nên thành công của các phim này trên tư cách họa sĩ thiết kế.
Ông là một trong những họa sĩ đầu tiên tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Điện ảnh khóa 1 vào năm 1964 và là 3 họa sĩ đầu tiên gây dựng nền móng thiết kế phim của Hãng phim truyện Việt Nam.
2.Thế nhưng vào năm 1995, Trịnh Thái xin về hưu để làm một họa sĩ tự do lang thang với cảnh đẹp và thế giới sắc màu của riêng ông. Trịnh Thái nói vui: “Tôi xem điện ảnh là người tình còn hội họa là vợ. Sau hơn 30 năm bỏ vợ đi theo người tình, đã đến lúc tôi dành phần thời gian còn lại cho vợ”.
Ấy là Trịnh Thái nói vui, chứ ngoài đời thật ông vẫn là một chàng trai lớn tuổi ham chơi chưa một lần bước lên xe hoa để mà có… vợ. Giới nghệ sĩ Hà thành quen mặt Trịnh Thái và quý mến sự lãng tử này của ông.
Hoa sĩ Lưu Quốc Bình, cho biết: “Cả đời Trịnh Thái gần như gắn với chữ không: không vợ con, không nhà cửa vì chỉ thấy ông đi ở trọ khắp nơi. Trịnh Thái có chăng là có điện ảnh, có hội họa, có bạn bè và có những người tình đến rồi đi. Sự nhẹ nhàng, thâm trầm của Trịnh Thái khiến bạn bè yêu quý ông và có lẽ đây là tài sản lớn nhất của người họa sĩ này”.
Nói về khả năng hội họa của mình, Trịnh Thái kể vui: “Khi nhỏ đi học, thầy giáo thường than phiền về tôi vì hay xé giấy vẽ tầm bậy tầm bạ. Lớn lên, cái sự vẽ này theo tôi qua nhiều vùng đất. Ơn trời là tôi đã sống được với niềm yêu thích của mình. Tôi nghĩ mình là một chàng trai lớn tuổi luôn ham chơi”.
Vài nét về họa sĩ Trịnh Thái Họa sĩ Trịnh Thái tên thật là Nguyễn Trịnh Thái, ông sinh năm 1941 ở Phnom Penh (Campuchia) khi cha ông qua làm việc tại đây rồi về Sài Gòn sinh sống một thời gian. Sau đó gia đình ông chuyển về Hải Phòng, năm 18 tuổi Trịnh Thái lên Hà Nội học và định cư cho đến bây giờ. Từ năm 1988, Trịnh Thái đã có cuộc triển lãm đầu tiên tại Sài Gòn. Sau đó, các năm 1993, 1996, 1997, 1999, 2013 ông đều bày tranh tại Sài Gòn, nên lần triển lãm này xem như là “gặp lại”. Một số năm khác, Trịnh Thái triển lãm tại Hà Nội và hai lần bày tranh tại Pháp vào năm 1991 và 1995. Triển lãm Gặp lại Sài Gòn của họa sĩ, NSƯT Trịnh Thái kéo dài đến hết ngày 17/7. |
Thanh Kiều
Thể thao & Văn hóa
Tags