(Thethaovanhoa.vn) - Với hơn 50 năm cầm cọ, Trương Bé đã vẽ hàng ngàn tác phẩm, kinh qua nhiều chất liệu, vật liệu và ngôn ngữ, nhưng sau này nổi trội hơn là sơn mài trừu tượng. Tại triển lãm cá nhân cuối cùng Nhịp điệu vũ trụ hồi tháng 9 năm ngoái tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, ông đã bày nhiều tác phẩm sơn mài trừu tượng, hướng đến chủ đề thiên hà và vũ trụ… Và rồi, hôm 9/4 vừa qua, ông đã ra đi theo "thiên hà vẫy gọi".
Tranh của Trương Bé được sưu tập bởi rất nhiều bảo tàng như: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật Singapore. Tranh cũng thuộc nhiều bộ sưu tập tư nhân tại Việt Nam, Pháp, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore, Canada, Mỹ... Nhà đấu giá danh tiếng Christie's từng đưa tác phẩm của ông lên sàn quốc tế.
“Hội họa biểu hiện trên mặt phẳng bằng hình tượng nghệ thuật. Vì vậy, người họa sĩ phải làm sao để diễn tả được điều tâm tưởng mình nhìn thấy, cảm thấy bằng hình thức cụ thể và theo cấu trúc tác phẩm có nhịp điệu, sự thay đổi, tổng thể của nó để nói lên chủ đề rất trừu tượng”- lời của họa sĩ Trương Bé lúc sinh thời.
Như tằm nhả tơ
Với nhiều thế hệ sinh viên dưới thời giảng dạy của họa sĩ Trương Bé, ông không những là người thầy, mà như người anh, người cha, vì ngoài sự tận tụy của nhà sư phạm, ông còn là một họa sĩ bậc thầy, giản dị, gần gũi. Tôi được nghe nhiều câu chuyện mà học trò ông kể lại, thường rất ngưỡng mộ về vị thầy của mình. Cho nên khi nghe tin ông ra đi thì ai cũng sửng sốt và bất ngờ, dù nhiều người đã biết bệnh tật đã vào giai đoạn cuối. Những năm tháng cuối đời, ông vẫn không ngừng lao động sáng tác, mỗi khi thấy khỏe một chút. Trên cộng đồng mạng mấy ngày qua, thêm một lần nữa, cho chúng ta thấy rõ sự ngưỡng mộ và nuối tiếc khi nghe tin ông ra đi.
Trong những lần trà dư tửu luận, ông say sưa nói với các học trò của mình, về những kỹ thuật, những kinh nghiệm, những thủ chấp trong nghề mà không hề giấu giếm cho riêng mình. Đó là một cốt cách xứng đáng của một nhà sư phạm có tâm, của một bậc thức giả có tầm. Như lời họa sĩ Nguyễn Lương Sáng, một cựu sinh viên của ông: “Vẫn biết đó là quy luật, nhưng thật sự buồn. Thầy rất thân tình với các thế hệ sinh viên. Đặc biệt là sinh viên cũ, họa sĩ trẻ mới vào nghề. Thầy luôn tâm sự rằng, để có một Trương Bé thì tôi phải làm việc rất nhiều. Nên các bạn phải làm việc nhiều, nhiều hơn nữa. Và thầy luôn cười đầy động viên sau mỗi câu nói như vậy”.
Hiếm có một nhà sư phạm, một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục nào làm việc cật lực như ông. Có thể nói ông làm việc đúng theo tinh thần “sống như ngày mai mình chết”, nên luôn tranh thủ làm, việc công việc tư gì cũng phải hoàn tất sớm nhất có thể. Như con tằm nhả tơ, bao nhiêu tinh hoa là bấy nhiêu tác phẩm ông đã để lại cho đời, không chỉ là một gia tài bề nổi, mà là một tuyên ngôn về nghệ thuật đã được Trương Bé nhắn nhủ lại, một đề cương lớn cho nhiều thế hệ học trò ứng dụng, để ngẫm nghĩ, để nhìn lại về sơn mài, về trừu tượng Đông Á.
Loạt tranh sơn mài trừu tượng ở giai đoạn cuối đời của ông là cả một cuốn sách lớn mà trước đó ít người làm được, vẽ trừu tượng đã khó, nay ông lại vẽ trừu tượng trên sơn mài khổ lớn càng khó hơn, nhất là với một họa sĩ lớn tuổi. Ông đã không ngừng nghỉ, dám chơi dám chịu, cố làm việc hết mình trong những ngày đau ốm, mà thay vì như người khác thì cần nằm để dưỡng bệnh. Nhưng không, ông là một nghệ sĩ tận tâm, với tuổi gần 80 mà năng lượng còn chảy xuyên suốt trong huyết mạch, ông vẽ như sợ rằng không còn được vẽ.
Chính vì vậy, những tác phẩm cuối đời của ông cũng xứng đáng là những tuyệt tác trong nghệ thuật sơn mài Việt Nam, mà chắc rằng sau này cũng khó gặp được nữa. Được vẽ, được thăng hoa, được duy trì cái cảm xúc miên tận là không dễ chút nào, nhưng Trương Bé đã làm được điều đó đến giây phút cuối đời, quả là được tổ nghề thương, quả là xưa nay hiếm.
Đã nghe nhắn gọi từ lâu
Tại triển lãm cá nhân năm 2019, ông tâm sự: “Đây có lẽ là cuộc trưng bày cuối cùng, vì không còn thời gian nữa. Mình đã nghe tiếng nhắn gọi ở phía bên kia từ lâu, cũng đã hình dung về giây phút sẽ chia tay, không sợ hãi, không nuối tiếc, nên chỉ biết tranh thủ hoàn tất những việc còn dang dở mà thôi”.
Xưa nay, dù là vẽ trừu tượng hoặc hiện thực, thì suy cho cùng cái cốt lõi, cái vấn đề cần được toát lên là làm sao đến gần với công chúng nghệ thuật. Và hội họa sơn mài trừu tượng của Trương Bé đã làm được điều đó, sự yêu thích của giới chuyên môn và giới sưu tập tại triển lãm Nhịp điệu vũ trụ là một ví dụ dễ thấy.
Với bản lĩnh nghề nghiệp dày dặn, sự thấu rõ về triết lý Á Đông, về Phật giáo, về kinh dịch, về kinh nghiệm sống... tác phẩm của ông là tổng thể hài hòa, cho cảm giác nhẹ nhõm, nhưng vẫn đầy đủ trọng lượng, “nội công” về hình và ý. Những tác phẩm của ông về thiên hà, về trăng sao vạn vật, về sự vận hành của vũ trụ, của thinh không… là kết quả của sự chiêm nghiệm, chắt lọc và buông xả trong cả đời.
Bố cục về thiên hà, về trăng sao vạn vật đã được ông đưa vào tranh một cách cẩn trọng bằng những chi tiết tỉ mỉ, công phu, tinh tế. Những then, những vàng, những đỏ, trứng, quỳ… đã được dịp tôn lên một bậc khi xuất hiện trên mặt vóc của ông. Sâu và trong càng được lắng đọng, như được chảy xuyên suốt trên dòng sông bất tận của sơn mài. Chính ông, họa sĩ Trương Bé, đã đưa sơn mài lên một tầm khác. Không còn là một Trương Bé của Việt Nam, mà là một Trương Bé của quốc tế, trong phạm trù sơn mài và trừu tượng.
Với những khắc khoải, những tận hiến trong nghệ thuật, thì hôm nay nghe thiên hà vẫy gọi, chắc ông cũng tạm hài lòng, đủ thanh thản. Vĩnh biệt họa sĩ Trương Bé!
Yên nghỉ chốn quê nhà Họa sĩ Trương Bé sinh ngày 28/9/1942 tại tỉnh Quảng Trị, ông trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở số 27A Trần Văn Kỷ, phường Tây Lộc, thành phố Huế lúc 12h05 ngày 9/4/2020, ở tuổi 79 (theo lịch ta). Lễ tang diễn ra tại tư gia, lễ di quan diễn ra lúc 6h ngày 13/4/2020, sau đó an tang tại nghĩa trang quê nhà ở thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. |
Trần Vĩnh Thịnh
Tags