(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Bảy tỷ năm ánh sáng của họa sĩ Trương Tân đang diễn ra tại Galerie Quỳnh (TP.HCM), kéo dài đến hết ngày 15/1/2020, rất đáng xem. Đây không chỉ là cuộc trải nghiệm với sơn mài truyền thống, với nghệ thuật sắp đặt, mà còn là hành trình truy vấn về nguồn cội của con người, của các hành tinh, các thiên hà.
Cũng gần 10 năm rồi, Trương Tân mới làm triển lãm cá nhân, cái gần nhất diễn ra năm 2010 tại Thái Lan. Thế nhưng Trương Tân là nghệ sĩ của lao lực, anh luôn làm việc chăm chỉ như một “công nhân nghệ thuật”, nhiều ngày làm đến 13-14 tiếng. Để chuẩn bị cho Bảy tỷ năm ánh sáng, anh và cộng sự mất 2 năm cho phần sơn mài, gần 1 năm cho phần sắp đặt.
24 hành tinh và 7 tỷ năm ánh sáng
Từ 24 bức sơn mài tương đương cho 24 hành tinh, nhiều cái nằm ngoài, vô hình và vi hình trong hệ mặt trời, Trương Tân như muốn truy vấn về nguồn cội trái đất và con người. Liệu trái đất không có con người thì có sao không? Liệu khái niệm sự sống trên trái đất có giống khái niệm sự sống trên các hành tinh khác?
Cụm từ 7 tỷ năm ánh sáng có lẽ là cách phiếm chỉ về sự cô lẻ của loài người trong vũ trụ. Một năm ánh sáng tương đương với 9,5 ngàn tỷ km.
Chính các đặc trưng về bóng, về lớp, về chiều sâu, về độ sậm… của nghệ thuật sơn mài đã cho Trương Tân thêm cơ hội diễn đạt được sự cô lẻ, cộng sinh của các hành tinh. Các tác phẩm có kích thước lớn vừa phải, dù được xếp gần nhau khi trưng bày, nhưng cái cảm giác cô lẻ vẫn được diễn đạt trọn vẹn.
Trước các hành tinh tưởng tượng này, người xem có thể tự vấn về ý nghĩa của đời mình, của chính sự sống. Liệu các hỷ - nộ - ái - ố, các tham - sân - si có thật sự cần thiết không, khi mà trong không gian hàng tỷ năm ánh sáng, ta vẫn cô lẻ trong hệ mặt trời, trong thiên hà, trong vũ trụ, đến mức “Không có chi bè bạn nối cùng ta”. Để rồi phải: “… Nghìn thế kỷ đã theo nghìn thế kỷ/ Ta đứng đây nhìn thấy triệu mặt trời/ Tắt và nhen và phân phát cho đời/ Những thời tiết tái tê hay ấm áp” - Xuân Diệu.
Triển lãm còn có hai tác phẩm sắp đặt quy mô, một cái nằm ngay cửa chính ra vào, một cái ở tầng trên, nằm giữa là 24 bức sơn mài và các vật liệu tạo tác nên 3 tác phẩm này, chúng có tính đường dẫn để người xem dễ nắm bắt ý niệm.
Tác phẩm sắp đặt ngay cổng chính có tên Gia đình gồm 42 con sứa bằng lụa và vải polyester màu trắng kem, tạo cảm giác nhẹ nhàng, quyến rũ, đẹp mắt. Thế nhưng, đây chính là loài sứa có độc tố chết người, chúng thường sống cộng sinh - như các hành tinh bay cộng sinh gần nhau, có thể tông nhau, hủy diệt nhau - chứ không quan trọng chuyện máu mủ ruột thịt. Đặt tên là Gia đình, hẳn Trương Tân có những ẩn dụ hoặc giễu nhại về nhân thế, nơi mà cái câu “anh em có cửa có nhà anh em” đang được hiểu một cách lệch lạc, vô cảm.
Tác phẩm sắp đặt Hành trình giống như một nhịp cầu tuần hoàn, với 10 ngàn mẩu giấy cuộn, tạo hình cho các đơn bào của sự sống. Trong tự nhiên, hầu hết các sinh vật nguyên sinh đều là đơn bào; và con người cũng được sinh ra từ sự kết hợp của những tế bào đơn bội. Chính vì vậy có thể nói sắp đặt Hành trình là cách mà Trương Tân biểu trưng cho nguồn cội của sự sống, của loài người.
Gần 30 năm tiên phong
Trương Tân là một trong vài nghệ sĩ đương đại, tiền phong rất quan trọng của Việt Nam. Nếu nghệ sĩ Nguyễn Minh Thành được xem là người đầu tiên làm sắp đặt (installation art) tại Hà Nội năm 1996, thì Trương Tân là người đầu tiên làm trình diễn (performance art) năm 1995, cũng tại Hà Nội.
Không những vậy, Trương Tân còn tiền phong về nghệ thuật ý niệm (conceptual art) và là nghệ sĩ tranh đấu cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT. Từ năm 1992, bức tranh Rạp xiếc trưng bày tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam đã khắc họa rõ nội dung đồng tính. Lúc ấy Trương Tân đang là giảng viên tại đây. Cũng từ năm 1992, Trương Tân đã cho thêm dầu mỡ, kim, tóc, gương… lên tranh của mình, biến tranh thành một dạng sắp đặt.
Từ 1993 đến nay, khi mà nhiều nghệ sĩ đã dừng lại với trình diễn và sắp đặt, thì Trương Tân vẫn bền bỉ với hai hình thái này, liên tục tạo ra những tác phẩm ấn tượng, thường xuyên kết hợp chúng với tranh vẽ. Bộ ba tác phẩm tại Bảy tỷ năm ánh sáng là một ví dụ, chúng có thể đứng độc lập, nhưng khi kết hợp trưng bày như một sắp đặt, thì tạo ra một liên nối giữa nguồn gốc sự sống với con người, với hành tinh và với nội tại của từng cá thể.
Trong cuộc cuộc trò chuyện năm 2010, Trương Tân nói: “Ngay từ khi còn là sinh viên trường mỹ thuật thì tôi đã luôn muốn làm khác đi, sáng tạo ra những cái mới. Thực ra, tôi học hành rất nhợt nhạt, vẽ chẳng mấy khi giống phong cách của trường. Đa phần tôi học theo các cuốn vựng tập của nước ngoài, đọc sách đến trừu tượng là hết”.
Sinh năm 1963 tại Hà Nội, từng sống nhiều năm tại Pháp, tác phẩm của Trương Tân đã được trưng bày ở nhiều địa chỉ danh giá về nghệ thuật như Haus der Kulturen der Welt (Đức), Solomon R. Guggenheim Museum (Mỹ), Gallery 4A (Australia), Fukuoka Asian Art Museum (Nhật Bản), Stenersen Museum (Na Uy), Singapore Art Museum (Singapore)… Tác phẩm thuộc các bộ sưu tập quan trọng như Queensland Art Gallery (Úc), Solomon R. Guggenheim Museum (Mỹ), Singapore Art Museum (Singapore), Post-Vi Dai (Việt Nam - Thụy Sĩ)…
Quan điểm về vật liệu và ngôn ngữ nghệ thuật của Trương Tân: “Khi sáng tác, tôi không phụ thuộc vào chất liệu hay vật chất. Nghệ sĩ Việt Nam làm ra các sản phẩm giống nhau chính vì phụ thuộc quá nhiều vào chất liệu. Cảm nhận nghệ thuật của tôi thông qua cả sáu giác quan, đó chính là chất liệu”.
Văn Bảy
Tags