(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi muốn tranh dân gian không chỉ là di sản cần được bảo tồnmà còn hòa nhập vào đời sống đương đại, xuất hiện trên những vật dụng hàng ngày mà ai cũng có thể sử dụng. Theo tôi, đó mới là cách thức bảo tồn thiết thực, hiệu quả mà chúng ta nên hướng tới”.
Đó là tâm sự của họa sĩ trẻ Xuân Lam tại triển lãm Cuộc gặp gỡ xưa -nay được tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam mới đây. Trước đó vào năm 2017, Xuân Lam đã từng rất thành công với triển lãm Vẽ lại tranh dân gian và triển lãm lần này chính là sự nối dài những câu chuyện dang dở về nghệ thuật với nhiều tác phẩm cách tân độc đáo dành riêng cho 2020 như Đám cưới chuột hay Chuột múa rồng.
Phiên bản đặc biệt
“Với mỗi gia đình tại Hà Nội xưa, khi mùa Xuân tràn vào từng con phố cũng là lúc nhà nhà rạo rực sắm tranh để trang hoàng nhà cửa. Ngày nay thú chơi tranh Tết không còn rộn ràng như trước song nét đẹp văn hóa ấy đã ăn sâu vào đời sống tinh thần nhiều thế hệ. Năm nay, tôi đặc biệt làm riêng một phiên bản Chuột múa rồng và Đám cưới chuột chào Xuân”-anh chia sẻ.
Nguyên gốc 2 bức tranh xuất phát từ dòng tranh Đông Hồ nổi tiếng, khi được tái sinh qua cách vẽ, cách trình bày của Xuân Lam, chúng lại mang nhiều nét riêng.
“Bóc tách từng lớp lang văn hóa hiện trên mỗi bức tranh Đông Hồ cũng đủ để chúng ta thấy vốn liếng văn hóa Việt thuần khiết và đa dạng vô cùng. Bức Chuột múa rồng với hình ảnh đàn chuột trống giong cờ mở, thổi kèn, đốt pháo khiến ta liên tưởng rằng, chúng cũng rộn ràng, náo nhiệt đón Xuân như con người. Mùa Xuân là mùa phát triển của muôn loài, đó là ước vọng của cha ông về một năm mới rộn ràng, ấm no hạnh phúc và mọi sự tốt lành đều sinh sôi”.
“Với phiên bản Chuột múa rồng lần này, tôi giữ nguyên ý tưởng, kết cấu của bức tranh. Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất chính là việc sử dụng màu sắc tươi sáng và có sự thay đổi trong bố cục, cách tạo hình và đường nét.
Thay vì tranh được lồng kính treo lên, tôi sử dụng phương pháp cắt nối, tác phẩm dạng 3D tạo chiều sâu và làm nguyên mẫu trở nên mới mẻ. Khi tới không gian của triển lãm, người xem có thể cảm nhận được không khí Tết tràn về”.
Hành trình làm mới tranh dân gian Việt
Ý tưởng vẽ lại tranh dân gian của Nguyễn Xuân Lam xuất phát từ một câu chuyện hết sức bình thường. Đó là vào tháng 5/2016, khi Xuân Lam đến bảo tàng mỹ thuật để tìm kiếm ý tưởng cho bài tập tốt nghiệp, anh vô tình đi vào khu trưng bày tranh dân gian và lập tức bị thu hút bởi khối lượng tranh đồ sộ.
“Tôi đến bảo tàng rất nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi đi vào khu đó, ngoài những bức tranh ai cũng biết như Đám cưới chuột, Lợn âm dương…thì còn rất nhiều các bức tranh đẹp khác, tôi thực sự choáng ngợp và nghĩ rằng tại sao mình lại bỏ quên một góc đặc biệt đến nhường này.
Mọi thứ bắt đầu từ đó, ban đầu tôi không có ý nghĩ lớn lao gì cả, chỉ đơn giản là muốn thỏa mãn, làm một phiên bản tranh dân gian của chính mình. Vào buổi tối sau những giờ học ở trường, tôi tìm hiểu, lựa chọn tác phẩm và thể hiện bằng một kỹ thuật riêng của bản thân, may mắn sao những thử nghiệm đó nhận được phản hồi tốt của mọi người từ thầy giáo cho tới bạn bè, tôi tiến hành làm một serie…hình thành nên các cuộc triển lãm”.
Ban đầu, Xuân Lam vẽ tay bằng chì trên giấy, sau đó xử lý màu bằng máy tính để tạo hiệu quả thị giác mới đan xen giữa thô ráp và mềm mại. “Tôi rất thích vẽ nên thay vì sử dụng kỹ thuật in - ép ván ngày xưa, tôi vẽ lại tranh bằng chì và tạo một kiểu phối màu lạ hơn. Cũng là đỏ nhưng sẽ thành đỏ cam, vàng đất thành vàng chanh, về cơ bản vẫn là những màu sắc cũ nhưng có sự khác biệt về sắc độ”.
Thành công đó là động lực to lớn để Nguyễn Xuân Lam tự tin hơn khi lựa chọn yếu tố dân gian làm khuynh hướng sáng tạo chính của mình. Sáng tạo trên nền tảng truyền thống vừa là lợi thế, nhưng đôi khi cũng là hạn chế buộc chúng ta phải suy xét và có định hướng phù hợp.
Họa sĩ chia sẻ: “Tranh dân gian rất phổ biến, lại quen thuộc, gần gũi với mọi người nên ai cũng có thể hiểu và cảm nhận. Nhưng chính bởi chúng đã quá quen thuộc, thậm chí là bất hủ mà vì thế, nhiều người cho rằng tại sao phải vẽ lại, phải cách tân làm gì khi ban đầu tranh đã rất đẹp, lại là nét đặc sắc riêng của mỗi làng nghề. Và hơn hết, biến tấu như thế nào, vẽ như thế nào để vừa giữ cái hồn dân gian, vừa thể hiện được cái tôi sáng tạo, là vẽ lại chứ không phải sao chép”.
“Đem tranh dân gian gần hơn với đời sống”
Cuộc gặp gỡ xưa -nay đưa những bức tranh xưa vượt qua khỏi khuôn khổ của những chiếc khung, bước gần đến công chúng thông qua hình thức thể hiện mới lạ, khẳng định sức sống của mình trong dòng chảy văn hóa đương đại. Đó còn là cuộc đối thoại giữa giá trị truyền thống và hiện đại, sự tư vấn của Xuân Lam với chính mình về việc đem tranh dân gian gần hơn với đời sống.
“Tôi muốn tranh dân gian không chỉ là văn hóa, không chỉ trong giới hạn cần được bảo tồn, hãy đem tranh hòa nhập vào đời sống sinh hoạt, trên đồ dùng mà ai cũng có thể sử dụng như túi, sổ, quần áo, bookmark…”.
Chia sẻ một số dự định trong tương lai, Xuân Lam hy vọng anh có thể tiếp tục làm thêm những serie hội họa dựa trên văn hóa Việt Nam như họa tiết thời Lý - Trần, các biểu tượng, linh vật trong lịch sử…
Từ Vẽ lại tranh dân gian (2017) đến Cuộc gặp gỡ xưa -nay (2019), cho thấy có nghệ sĩ trẻ tài năng biết lấy văn hóa truyền thống làm “gốc rễ” để thăng hoa cho những sáng tạo của mình, sống và cống hiến trọn vẹn!
Hiền Lương
Tags