Vừa qua, trong chuỗi các hoạt động của sự kiện Tết Việt - Tết phố 2024 của Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, nghi thức dựng cây nêu đón Tết được tái hiện tại đình Kim Ngân (42 Mã Mây, quận Hoàn Kiếm) thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách. Qua nghi thức dựng cây nêu, ta có thể thấy sự đa dạng, sự biến chuyển về văn hóa theo không gian và thời gian.
Cho đến thế kỷ 19, người ta vẫn còn ghi nhận nghi lễ dựng nêu hoặc còn gọi lễ Thượng tiêu được tiến hành vào ngày cuối cùng của năm cũ. Cụ thể, năm 1876, Khâm Thiên Giám dâng lên vua Tự Đức bản tấu rằng giờ Thân ngày 30 tháng Chạp dựng nêu, mùng 7 giờ Thìn hạ nêu. Tuy nhiên, cũng từ năm đó, vua chuẩn định việc lấy giờ Thìn làm giờ nhất định.
Từ ngày ông Công, ông Táo đến 30 tháng Chạp
Ông Nguyễn Thanh Thuận, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Đồng Tháp cho biết, vào thời Minh Mạng, trong cuốn Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức đã ghi chép, ngày trừ tịch (tức 30 tháng Chạp - PV), trước cửa mỗi nhà đều dựng nêu. Có thể thấy, dân gian Nam bộ từ xưa cũng tuân theo lịch của triều đình mà dựng nêu vào ngày này. Hiện nay, trong Nam bộ vẫn còn lưu giữ tục dựng nêu vào ngày 29, 30 Tết.
Trong khi đó, tục dựng nêu ở Bắc bộ từ nhiều năm trước đã được tiến hành sớm hơn. Cụ thể, TS Trần Đoàn Lâm, Chủ tịch Hội đồng biên tập Chuyên khảo nghiên cứu Việt Nam (NXB Thế giới) cho hay, lễ dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch và tới mùng 7 tháng Giêng sẽ làm lễ hạ cây nêu. Bởi dân gian xưa quan niệm, những ngày này là lúc ông Công, ông Táo về chầu trời. Trong khoảng thời gian này, những vị thần bảo hộ gia cư vắng mặt dưới trần gian, cũng là lúc những thế lực tà ma lăm le xâm nhập vào nhà, quấy nhiễu gia chủ. Chính vì vậy, sự xuất hiện của cây nêu giống như tấm khiên bảo vệ ngôi nhà trước lũ quỷ ma.
PGS-TS Bùi Xuân Đính, nguyên cán bộ Viện Dân tộc học, cũng đồng quan điểm trên. Ông Đính ghi nhận ở nhiều địa phương bây giờ bắt đầu từ ngày 23, cũng có nhà ngày 30 mới dựng nêu, không nhất thiết là phải đồng loạt dựng vào ngày 23 hoặc 30. Nhưng nhìn chung, nghi thức dựng nêu ở miền Bắc đều thực hiện vào ngày ông Công, ông Táo về trời.
Những năm trở lại đây, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tái hiện nghi thức dựng nêu trong đại nội xưa vào ngày 23 tháng Chạp theo như quan niệm phổ biến ở miền Bắc hiện nay. Hoặc gần đây, tại đình Kim Ngân, nghi thức dựng nêu vừa qua được tổ chức vào gần dịp cúng ông Táo.
Cùng là tộc người chung nhóm ngôn ngữ với người Việt, người Mường cũng dựng nêu vào ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, ông Đính cho biết, lịch của người Mường chậm hơn lịch của người Việt 1 ngày. Vì thế, cây nêu sẽ được dựng vào ngày 24 âm lịch nếu đối chiếu vào lịch của người Việt.
Có thể thấy, điểm chung của nghi lễ này ở các địa phương là đều có ý nghĩa mở đầu, báo hiệu cho chuỗi các nghi lễ sắp diễn ra trong dịp Tết Nguyên đán. Nhưng theo ông Đính, ở mỗi địa phương lại bảo lưu những quan niệm về thời gian dựng nêu khác nhau. Và chỉ qua một nghi thức, ta đã thấy được sự phong phú trong tư duy, nhận thức của các cộng đồng dân cư tại Việt Nam.
Nếu ở trong giỏ tre treo trên cây nêu ở miền Bắc đựng chút muối, vôi, thì ở cung đình Huế xưa kia, giỏ tre đựng ấn triện của lục bộ.
Dáng vẻ cây nêu thay đổi qua thời gian và không gian
Cây nêu được khắc họa chi tiết trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt của GS Nguyễn Văn Huyên. Ông viết: "Đấy là một cây tre dài 5 - 6 mét, được tước hết các cành, nhưng có để lại ở ngọn những cụm lá hoặc buộc vào đó một túm lông gà trống, một mớ lá đa hay lá cây vạn niên thanh. Gần đỉnh treo một cái vòng tre, có buộc những con cá nhỏ, những chiếc chuông con và khánh bằng đất sét nung phát ra âm thanh nhẹ và êm khi gió thổi. Dưới cái vòng này có buộc một cái mũ thần, những thoi vàng bằng giấy, những miếng trầu, lá dứa hoặc cành xương rồng gai".
Với những chiếc lá có gai nhọn được buộc trên cành cây nêu, đây là vũ khí mang tính biểu tượng, khiến cho đám ma quỷ khiếp sợ. Dưới gốc cây, người ta cũng vẽ cung nỏ hướng ra phía ngoài cửa, như thể chĩa thẳng vào thế lực xấu xa đang ngấp ngó phía bên ngoài. Cây nêu còn là ngọn đuốc soi đường cho tổ tiên về ăn Tết với con cháu, bởi như ghi chép của GS Nguyễn Văn Huyên, "ở đỉnh còn treo một cái đèn thắp ban đêm".
Dù nhiều hoặc ít vật treo trên cây, cây nêu vẫn là thứ hàm chứa ước mong của người dân trong năm mới. Nên qua từng năm, người ta có thể sáng tạo thêm những vật phẩm mang tính biểu tượng mới chuyên chở bao ước nguyện, để treo lên cành cây nêu. Và đây cũng là lý do để qua mỗi năm thực hiện chương trình Tết Việt - Tết phố, cây nêu dựng tại đình Kim Ngân lại được trang hoàng bằng nhiều vật phẩm bắt mắt, mới lạ hơn. Cũng có cá gỗ như trong mô tả của Nguyễn Văn Huyên, nhưng số lượng cá treo trên cây được ấn định là 5 con với 5 màu sắc khác nhau. Cá vốn là biểu trưng cho sự dư giả, giàu có, nay còn đại diện cho yếu tố ngũ hành trong vũ trụ luận phương Đông.
Hoặc nếu như trước đây, người ta thường treo một dải lụa điều lên trên cây nêu, tượng trưng cho sự may mắn, điềm lành. Thì nay, dải lụa ấy đã được viết lên đó những nét chữ thư pháp "Giáp Thìn niên thịnh vượng" để cây nêu thêm sinh động… Vì lẽ đó, cây nêu được dựng ở ngay giữa trung tâm Thủ đô lại ăm ắp thêm biết bao ước vọng về một năm mới hanh thông, nhiều tài lộc.
Điểm đặc biệt còn nằm ở lá cờ ngũ sắc trên cây nêu. Trước kia, gia đình nào cũng đều dựng nêu tại tư gia. Thế nhưng chỉ ở đình - nơi tụ họp của cộng đồng cư dân của một thôn làng - cây nêu mới được treo thêm cờ ngũ sắc.
Khắp mọi miền đất nước đều có nghi lễ dựng nêu, nhưng ở mỗi địa phương lại có những nét độc đáo riêng biệt. Nếu ở trong giỏ tre treo trên cây nêu ở miền Bắc đựng chút muối, vôi, thì ở cung đình Huế xưa kia, theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, giỏ tre đựng ấn triện của lục bộ. Việc làm này mang ý nghĩa biểu tượng cho việc Tết đến, các bộ trong triều đình cũng tạm ngưng công việc. Đến ngày mùng 7, hạ cây nêu xuống, mở giỏ tre ra, việc triều chính lại được tiến hành.
Hoặc ở trong Nam, theo ông Nguyễn Thanh Thuận, người ta treo lên cây lá bùa màu đỏ, bên trên vẽ phù chú tứ tung ngũ hoành hoặc bùa Khương Thái Công (một nhân vật trong Đạo giáo).
Ngày nay, các nghi lễ trong dịp Tết Nguyên đán cũng có phần giản lược để phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại. Từ đó, nhiều lễ thức không còn hiện diện trước mắt thế hệ trẻ. Lễ Thượng nêu cũng không may trở thành một trong số đó. Tuy vậy, nhờ những hoạt động văn hóa như thế này, ông Phan Thanh Hải khẳng định, ta càng có niềm tin mạnh mẽ, văn hóa Việt Nam vẫn có sức sống trường tồn, dù bước vào bất kỳ thời kỳ nào.
Cây tre làm thân cây nêu
Chọn cây tre dài làm thân cây nêu, là bởi trước tiên, tre hiện diện rất phổ biến trong đời của người Việt Nam. Nó được dùng trong xây nhà, dựng cửa, chế tạo công cụ lao động, sản xuất… Thân cây tre vừa dẻo dai, vừa cứng rắn, đại diện cho đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam vừa mềm dẻo, cũng vừa cứng rắn, và cũng thật bất khuất, kiên cường.
Thân cây tre gồm nhiều đốt, từ Hán - Việt gọi là "tiết". Chữ "tiết" này nằm trong chữ "Xuân tiết", người Việt đã tiếp thu và đã đọc chệch là "Tết" - theo ông Trần Đoàn Lâm.
Phải chăng, đây là nguyên do dù cho các vật phẩm trang trí trên cây nêu ít nhiều có sự thay đổi theo thời gian, nhưng chất liệu quan trọng nhất là cây tre vẫn giữ nguyên?
Tags