“Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” của Việt Nam chính thức được ghi danh vào Danh mục Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO. Như vậy, nước ta đã có 10 di sản tư liệu (gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 7 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương) đã được UNESCO ghi danh.
Điều này cũng là sự thúc đẩy cho việc hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu của Việt Nam; đánh dấu bước triển khai hiệu quả quá trình nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng đây không chỉ là niềm vui riêng với Thừa Thiên - Huế, còn là niềm vinh dự và tự hào của người dân Việt Nam. Hồ sơ lần này được ghi danh đã nâng tổng số các danh hiệu, di sản UNESCO mà Việt Nam sở hữu lên 68 danh hiệu, góp phần thực hiện vượt mục tiêu “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030”. Đây cũng là sự ghi nhận, tin tưởng các nước khu vực và bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tư liệu. Thừa Thiên - Huế sẽ tiếp tục tham gia và mở rộng sự kết nối, trao đổi các kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng bảo tồn và tiếp cận di sản tư liệu trong khu vực.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới (Memory of the World - MOW) của Việt Nam, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá: Đây là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản tư liệu. Thừa Thiên - Huế có thêm một di sản tư liệu được UNESCO ghi danh sẽ là một nguồn lực mới, góp phần quảng bá tiềm năng, thu hút du lịch, hợp tác quốc tế, từ đó, đóng góp cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền chia sẻ, đến nay Việt Nam có 10 di sản tư liệu được UNESCO ghi danh. Đây chính là cơ sở thực tiễn để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu trở thành một Chương mới trong Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua vào cuối năm 2024.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương 29 điều so vói Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều). Trong đó, có riêng một chương về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm 11 điều (từ Điều 50 đến Điều 60).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Việc xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm kiến tạo hành lang pháp lý để gìn giữ, phát huy các giá trị của di sản trở thành tài sản, coi đây là nguồn tài nguyên, nguồn lực để phát triển bền vững đất nước.
Riêng về di sản tư liệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thông tin: Khi Việt Nam tham gia vào các điều ước quốc tế, di sản tư liệu được UNESCO công nhận, xác định là một loại hình di sản độc lập với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, được thể hiện thông qua Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản được công bố năm 1992 và hướng dẫn thực hiện năm 2002. Thời điểm đó, Việt Nam đã là thành viên của chương trình này và thống nhất cam kết thực hiện điều ước. Do đó, phải có một điều khoản riêng, xây dựng riêng một chương về di sản tư liệu trong Luật để phù hợp với quốc tế.
Việc ban hành Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về văn hóa, di sản văn hóa; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về di sản văn hóa hiện hành, khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; đảm bảo tính kế thừa, thống nhất, đồng bộ giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác có liên quan. Đồng thời, Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hoạt động dịch vụ, hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
Tags