(TT&VH) - Dân Hà Nội cũ không ít người biết đến đào Thất Thốn, thứ hoa vương giả nhất trong các loại hoa đào. Lê Hàm – một nghệ nhân trồng đào trẻ tuổi- đã thành công trong việc buộc loại đào quý này nở… trước thềm xuân, một việc chưa có trong tiền lệ.
1. Đào bích của làng cổ Nhật
Tân là một giống hoa quý. Không ai biết rõ đích xác nguồn gốc của loại hoa này.
Báo Hà Nội mới số tết 1981 có đăng
một bài nói về lai lịch đào bích Nhật Tân: “Khoảng đầu thế kỷ 20 có một người
khách phương xa đem đến lễ ở Quán Trấn Vũ một cành đào bích. Cụ thủ từ là Đồng
Khuê thấy đẹp bèn đem ghép vào gốc đào ta để giữ giống và truyền giống đó cho
hai người làng Nhật Tân là Đường Nguyên và Hương Việt”. Đào bích được nhân lên
và phổ biến rộng rãi thành thứ hoa tết quý giá từ ngày ấy.
Cố học giả Nguyễn Văn Uẩn cho
rằng, nghề chính của dân làng Nhật Tân là làm ruộng. Họ cấy lúa làm mầu, trồng
dâu nuôi tằm. Ruộng đất không nhiều, họ trồng trọt ở đất bãi là chính: làng ở
giáp sông có nhiều đất bãi, mỗi khẩu phần được chia từ 4 – 5 sào đất để trồng
mầu. Cải cách ruộng đất 1955 – 1956, cả xã Nhật Tân chỉ có ba địa chủ và trong
đó chỉ có một người là “cường hào ác bá”. Và Nhật Tân được nổi tiếng là nhờ
nghề trồng “đào bích”, nghề này mới có từ những năm thập niên 10 của thế kỷ 20.
Nghệ nhân Lê Hàm bên gốc đào Thất Thốn hơn 30 năm tuổi
Trong tập "Chuyện cũ Hà Nội", nhà văn Tô Hoài viết: "Không ai ngắm hoa trong nhà cả tháng cả năm, phong tục cành đào tết cũng không phải là lối chơi cổ. Bàn thờ, án thư, bàn nước, cành hoa không có chỗ”. Thế mà giờ đây bích đào Nhật Tân đã có mặt trên bàn thờ tổ tiên và trên các lễ đài quốc gia mỗi dịp xuân về, tết đến.
2. Đào Thất Thốn còn quý giá
nhiều hơn thế. Cũng không ai biết rõ loài hoa này vì sao lại có mặt ở Nhật Tân,
và có tự bao giờ? Nhiều người yêu loài hoa này đến nỗi đã đặt cho nó thêm những
cái tên như đào thờ, đào bói, đào tiến vua... Trước đây, gần như nhà nào ở Nhật
Tân cũng có đào Thất Thốn. Thất Thốn thường chỉ ra hoa sau rằm tháng giêng,
được coi là loài hoa riêng của mùa lễ hội. Nhưng cũng chính vì thế mà không
kinh doanh được, các thủ thuật với đào thường như khoanh, tuốt lá… để ép ra hoa
đúng cữ xuân, hay ghép mắt đào thường vào gốc không có tác dụng gì với loại đào
này. Thế nên người trồng Thất Thốn ở Nhật Tân cứ nản lòng dần. Nhiều nhà ở Nhật Tân đầu tư vào loại đào này mất tiền,
mất thời gian vô kể mà chưa ai thành công, nên gọi nó là “đào Thất Thoát” và để
mặc Thất Thốn đứng khòng khoèo đơn độc ở góc vườn, góc ao nào đó.
Hoa đào là loài có một đặc
điểm riêng mà không một loại cây nào có được: dù bị cắt lìa cành vẫn trổ hoa,
kết quả. Đất càng cằn cỗi hoa càng đẹp. Thất Thốn còn có sức sống mãnh liệt hơn
thế nữa, có thể sống được trong chậu, trong khi đào thường chỉ khoảng 3 năm là
chết. Thất Thốn thân ngắn, gốc sùi phồng xù xì, lá to và dài xanh đậm, vỏ cây
nếu bóc ra thì tím mầu mận chín chứ không có mầu gỗ như các loại đào thường. Giống
đào xù xì, rêu mốc này có sức hút kỳ lạ, mỗi thốn cành cây, tức là độ dài bằng
đốt ngón tay, có thể trổ tới 7 bông hoa, nên gọi là Thất Thốn. Có người có cách
giải thích khác, Thất là mất, Thốn là thiếu thốn, Thất Thốn là mất đi thiếu
thốn để có no đủ. Thất Thốn đỏ từ rễ đỏ lên tới búp, mầm nhọn và cứng cáp như
lưỡi kiếm. Hoa đỏ vô cùng, tựa như hoa hồng nhung vậy, có thể nở từ gốc, và đã
có người yêu Thất Thốn đếm được hoa nở tới 3 tuần, sở hữu một vẻ đẹp không một
loại đào nào sánh được. Sáng nở một bông, trưa nở tiếp một bông, có người sợ
cây nở hết mà không được ngắm nên không dám ngủ. Cây nhiều bông thì chóng tàn
hơn đào thường, nhưng cây ít bông thì bền đến lạ lùng. Gia đình thầy Phương ở
chùa Tự Khoát – Ngọc Hồi đã 3 đời mê loại đào này, không năm nào không đi tìm
kiếm. Nhiều người Hà Nội cũ, Hà Nội gốc ở nước ngoài về thăm quê, biết tiếng
đào Thất Thốn mà giờ chẳng biết tìm đâu.
3. Lê Hàm sinh năm 1963, là con
nhà nòi của làng đào, từ hồi bé đã biết tòn ten luồn đào qua sào đi bán. Anh có
vẻ ngoài vừa giống người cấy lúa làm mầu, trồng dâu nuôi tằm, vừa giống người
thu lợi về sen quỳ hoặc chim sâm cầm, vừa giống người vớt củi, vớt gỗ trên sông
Hồng mùa nước lớn - dáng vóc cần cù, chất phác của một người Nhật Tân “cổ
điển”. Bà ngoại anh trước đây trồng đào ở Dinh Đào, một vùng gò cuối thôn Tây
dọc đường cái gần hồ Tây, nơi mà nếu trồng đào ở đấy thì hoa nở đẹp vô cùng,
hơn hẳn cả độ bền lẫn độ thắm, dù vẫn chỉ là cây đào ấy mà thôi. Tương truyền
Dinh Đào có cây đào cổ trước đây dân làng vẫn cắt dâng vua, và tới tận bây giờ vào
ngày rằm, mồng một, dân vẫn thắp hương thờ thần gò. Một phần của cánh đồng
trồng đào đã bị cắm đất để xây dựng một số cơ quan của Bộ NN làm khu An dưỡng
và Trạm Vật tư, còn dân đã sống quây xung quanh, và chỉ vài ba dự án nữa là
Dinh Đào biến mất. Ngày tiếp quản Hà Nội 1954 – 1955, người ta đã nghĩ sai rằng
đào là thú chơi của tầng lớp có của nên biến cánh đồng trồng đào thành nơi nuôi
vịt đàn; Dinh Đào thành tên là Trại Vịt. Lê Hàm trồng đào ở Dinh Đào, bị thu
hồi lại chạy lên đồng dùng đất lúa trồng đào, rồi thuê đất làng sau quận ủy Tây
Hồ tiếp tục trồng đào, rồi bây giờ mới khoanh đất ở hẳn ngoài đê, tất nhiên vẫn
để trồng đào.
Đào Thất Thốn trong vườn nhà Lê Hàm nở đón xuân 2010 - ảnh Nguyễn Quang Tuấn
Năm 1989, Lê Hàm phục viên về
quê, có 720 ngàn tiền xuất ngũ anh lên Sapa mua tất hạt đào về trồng. Người ta
gieo thì mọc, anh gieo không mọc, chỉ một năm ấy đã không còn vốn liếng. Cũng
từ năm ấy anh theo đào Thất Thốn. Anh chỉ nghĩ cách làm sao để Thất Thốn nở
trúng Tết, đón xuân, bởi “hoa đẹp như thế mà nở tuột mất Tết thì vô cùng tiếc”.
Người làng, rồi cả người nhà không ai ủng hộ: “Chăm bón làm gì loại đào này,
trồng có bao giờ được”. Nhật Tân cũng có một người trồng Thất Thốn tới 17 – 18
năm, nhưng mệt mỏi không theo được nên đành thay giống. Lê Hàm vẫn làm. Anh nhờ
chuyên gia nông nghiệp so sánh vi chất trong đất ở Dinh Đào với đất bãi sông,
sáng tinh mơ đã có mặt ở vườn, tối nhọ mặt người mới rời khỏi vườn. Sâu đục
thân rất thích ăn loại đào này, cây lên chậm nên đã bị ăn thì rất khó phục hồi.
Trong vườn nhà, anh nhớ rõ từng cái hoa, cái nụ.
4. Trồng đào phải đầu tư lớn,
phấp phỏng đủ thứ thời tiết, lũ lụt, đất bị thu hồi… Năm 1994, không hiểu vì
sao Thất Thốn đồng loạt ra hoa, tất cả những nhà ở Nhật Tân có Thất Thốn đều
trúng. Như là trời thương. Bẵng đi 13 năm sau, đến 2007, một cây Thất Thốn trong
vườn nhà anh lại ra hoa lần nữa. Tưởng đã vô vọng rồi, khi nhìn thấy bông đào
hé nở, anh như muốn rơi nước mắt – “Chắc là do mình chờ đợi quá” – Lê Hàm nói.
2008 không nở, lại căng thẳng. 2009, khoảng 30 cây Thất Thốn của Lê Hàm nở, anh
trúng từ 22 Tết. 2010 trúng đều cả vườn từ 26 Tết, Thất Thốn nở chưa từng thấy
trong hơn 20 năm anh tận tụy với đào. Khoảng 80 cây Thất Thốn trong vườn nhà
anh đồng loạt nở. Mỗi cây anh bán được từ 4 – 14 triệu, riêng cây đắt nhất 50
triệu thì không. Bởi người mua muốn đưa về tận Sài Gòn, quá xa anh không đi
theo được.
Lê Hàm đã biết bí mật của
loài hoa lạ lùng này. Một bí mật mà từ trước đến nay chưa ai tỏ tường về nó. Lê
Hàm nói, rồi người trồng đào Nhật Tân trước sau gì cũng biết cả thôi, nhưng
phải dăm ba năm nữa.
Lê Hàm hiện có cả bốn loại
đào Thất Thốn: thân đỏ hoa đỏ, thân trắng hoa nhạt hơn một chút, thân trắng hoa
5 cánh đơn, thân trắng hoa 5 cánh kép. Anh vẫn đang tìm cách nhân giống và quan
sát chúng hàng ngày. Khoảng 4 – 5 năm nay, đào từ Trung Quốc có tràn về, nhưng
Lê Hàm để ý, trồng không có mắt, không ra hoa được, và không hề có Thất Thốn.
Lê Hàm có một suy nghĩ: Nhật
Bản có quốc hoa là Anh Đào. Người Việt mình mộ đào như thế, quốc hoa tại sao
lại không phải là đào Thất Thốn?