Cuộc chia tay hoàng hôn
Bài hát Chia tay hoàng hôn được nhạc sĩ Thuận Yến cho ra đời vào năm 1991 nhưng bối cảnh gợi nên câu chuyện, dù là theo ý thơ của Hoài Vũ, bắt nguồn từ những năm chống Mỹ mà đỉnh cao là sau trận Mậu Thân 1968. Đó là lần chia tay bịn rịn nhất giữa nhạc sĩ Thuận Yến và người vợ yêu của mình, nghệ sĩ Hồ Thị Thanh Hương khi một người về Bắc, người ở lại miền Nam mà cuộc chiến thì đang đến hồi tàn khốc nhất.
Cuộc tình của họ bắt đầu nảy nở từ những năm đầu thập niên 1960 khi cả hai còn học ở Nhạc viện Hà Nội (khóa VI) bên bờ đê La Thành. Khi đó, nhạc sĩ Thuận Yến thường giúp cô nữ sinh Thanh Hương hòa thanh nên dần dà giữa họ nảy sinh tình cảm. Năm 1963, kết thúc khóa học, cô gái quê Nghệ An Hồ Thị Thanh Hương được giữ lại trường, còn Thuận Yến nhận giấy công tác vào Đoàn văn công Quân giải phóng Trị Thiên-Huế. Vì muốn được ở bên cạnh người yêu, nghệ sĩ Thanh Hương đã viết đơn tình nguyện xin đi vào phục vụ chiến trường. Lúc đó chưa có chủ trương cho văn công nữ đi phục vụ chiến trường nên Thanh Hương cùng với 5 nữ nghệ sĩ khác đi chiến trường lần ấy là đợt đầu tiên. Và tình yêu của họ lớn dần lên trong khói lửa. Những cuộc gặp đôi chút rồi chia tay và hiếm khi nào họ được cùng ở bên nhau lâu dài.
Nhạc sĩ Thuận Yến nhớ lại: “Sắp vào trận Mậu Thân, cấp trên giao tôi đi theo cánh quân phía Bắc Huế lối huyện Hương Trà, cô ấy theo cánh quân phía Nam Huế, lối Hương Thủy để rồi trong đắm say của thời trận mạc là đan xen cái đắm say của nỗi thương nhớ, của yêu đương, của cái thèm một nụ hôn xao xuyến”.
Sau Mậu Thân, nghệ sĩ Hồ Thị Thanh Hương, cô gái văn công quê Quỳnh Lưu xứ Nghệ bị viêm khớp nặng (cũng có thông tin nói rằng thời điểm đó bà bị phù nề, van tim bị hẹp). Thanh Hương nhận lệnh ngược ra Bắc chữa bệnh. Thuận Yến ở lại chiến trường.
Lại thêm một lần chia tay, lần này là khoảnh khắc khi hoàng hôn buông xuống. Một cuộc chia tay trong hoàng hôn ở ngay ngã ba đường 9 Quảng Trị. Nhạc sĩ Thuận Yến nhớ lại: “Nhà thơ Simonov của Liên Xô lúc chia tay người vợ để gia nhập Hồng quân đã viết “Đợi anh về, đợi anh hoài em nhé!”… Tôi không đủ sức nghĩ như các thiên tài đó mà chỉ tràn ngập nỗi nhớ thương. Các anh chị ở Bộ Tư lệnh mặt trận vì thương chúng tôi mà làm gấp lễ cưới trước lúc cô ấy ra Bắc. Một đám cưới chỉ có vài gói lương khô, ấm chè mà thấm đượm tình đồng chí, tình đồng đội”.
Và rồi cuộc chia ly cũng đến. Hôm ấy, Mặt trời vừa xuống núi, hoàng hôn chập chờn là lúc nghệ sĩ Thanh Hương lên đường về Bắc, trên vai là ba lô và cõi lòng nặng trĩu. Nhạc sĩ Thuận Yến nhớ lại: “Cô ấy đi xa rồi mà tôi thì đứng mãi ở bìa rừng cứ thế mà gọi, mà van em hoài cho đến khi khản tiếng, còn cô ấy đã ở bên kia dải rừng cũng trong tâm trạng như tôi”.
Anh phải về thôi…
Cuối năm 1990, đầu 1991, nhà thơ Hoài Vũ, bạn cùng quê với nhạc sĩ Thuận Yến cho ra đời bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ đã làm sống lại những kỷ niệm trong lòng nhạc sĩ. Và thế là Chia tay hoàng hôn ra đời trên ý thơ Hoài Vũ. Nhạc sĩ cho biết: “Tôi đã chọn 6 câu thơ của Hoài Vũ để viết nên bản tình ca Chia tay hoàng hôn. Với mỗi câu thơ mà tôi biến đổi như: Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi thành hoàng hôn yên lặng cũng theo về, hay xa vườn xưa chim chiền chiện tha mồi thành xa hàng cây đêm hò hẹn ta ngồi... đều gắn với một kỷ niệm thực của vợ chồng chúng tôi. Nhất là khi điệp khúc chia tay anh chia tay hoàng hôn được cất lên, tôi như được nghe lại tiếng gọi tha thiết của Thanh Hương khi tôi cất bước vào chiến trường. Thanh Hương đã gọi tên tôi kéo dài mãi trong không gian cho đến khi tôi không còn nghe thấy gì nữa”.
Những ai đã thưởng thức sáng tác này của Thuận Yến cũng sẽ đầy rung cảm khi những nốt nhạc của điệp khúc dâng cao “Chia tay em, chia tay hoàng hôn/Anh mang theo về tình yêu và nỗi nhớ/Anh mang theo về con tim cô đơn” hay đoạn kết bùi ngùi nhưng đam mê mãnh liệt và sự thủy chung tuyệt đối “Gửi lại cho em trái tim thắp lửa/Gửi lại cho em một nửa vầng trăng”. Khi Thanh Lam hát đến đoạn này nghe như thể thấy lại tiếng gọi của cha mẹ cô giữa chiến trường…
Thanh Lam chính là sản phẩm của chia tay hoàng hôn. Năm 1968, khi chia tay thì nhạc sĩ Thuận Yến không biết rằng vợ mình đã bắt đầu mang thai đứa con gái đầu lòng. Thư đi tin lại ông mới hay và vô cùng vui sướng. Trong những bức thư gửi về từ chiến trường khốc liệt lúc nào ông cũng động viên Thanh Hương. Có những lúc bà chỉ nhận được một bức thư ngắn gọn với độc dòng chữ “Anh vẫn còn sống” như thể chiến tranh dù khốc liệt đến đâu ông cũng sẽ trở về. Ca sĩ Thanh Lam sinh năm 1969 và đến năm 1971 nhạc sĩ Thuận Yến mới về Bắc đoàn tụ cùng vợ con. Lần đầu được ôm con gái trong lòng, ông rưng rưng lệ.
Năm 1991, Thanh Lam là người đầu tiên đã hát bài hát cuộc đời của cha mẹ cô và trong giọng hát ấy gần như thổn thức cả tiếng lòng của riêng cô. Sau này nhiều người lầm tưởng đó là bài Thuận Yến viết riêng cho Thanh Lam khi cô gặp những trắc trở trong tình duyên nhưng nhạc sĩ nói rằng bài hát này là viết cho cuộc tình của ông và Thanh Lam đã hát bằng nỗi lòng của riêng cô.
Năm 1989, Thanh Lam đoạt giải Ca sĩ được yêu thích nhất tại Festival Âm nhạc La Havana (Cuba). Nhưng ca khúc đưa cô ra ánh sáng và trở thành nấc thang quan trọng nhất để đưa cô trở thành “Nữ hoàng nhạc nhẹ” chính là Chia tay hoàng hôn. Năm 1991, Thanh Lam thành công tuyệt đối với Chia tay hoàng hôn khi cô chiến thắng tại cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần đầu tiên. Đáp lại thành công của con gái, nhạc sĩ Thuận Yến đã khóc. Và từ đó đến nay, bài hát này như thể của riêng Thanh Lam và chưa ai có thể thay cô thể hiện được cảm xúc dạt dào hơn thế.
Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags