Hoạt động trọng điểm văn hóa, VHNT, báo chí quân đội: Tập trung đầu tư có chiều sâu

Thứ Tư, 16/04/2025 06:16 GMT+7

Google News

Hoạt động trọng điểm văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2021 - 2025 đã được triển khai đồng bộ, đúng định hướng, đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra và đạt được kết quả tốt; lan tỏa, tạo dấu ấn đậm nét trong đời sống xã hội và đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội.

Đây là đánh giá được khẳng định tại Hội nghị Tổng kết hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2021 - 2025 do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức sáng 15/4 tại Hà Nội.

Nhiều bước phát triển cả về lượng và chất

Trung tướng Nguyễn Văn Đức (Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) cho rằng, trong giai đoạn 2021 - 2025 các hoạt động văn hóa văn nghệ có nhiều đổi mới, phong phú, sáng tạo; sáng tác, quảng bá được số lượng lớn tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí có chất lượng về nội dung, tư tưởng nghệ thuật; các thiết chế văn hóa ở các cấp được triển khai công năng tốt và phát huy hiệu quả.

Trước hết, về kết quả vận động sáng tác và quảng bá về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, tác phẩm thu về tăng cả số lượng và chất lượng trên tất cả các lĩnh vực chuyên ngành như văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh…

Hoạt động trọng điểm văn hóa, VHNT, báo chí quân đội: Tập trung đầu tư có chiều sâu - Ảnh 1.

Một số tác phẩm văn học nổi bật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021 - 2025

Các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí được sáng tác, quảng bá trong các cuộc vận động đều có giá trị nội dung, tư tưởng, mang tính nhân văn sâu sắc; phục vụ đắc lực cho công tác giáo dục truyền thống, giáo dục chính trị, tuyên truyền về nhiệm vụ chính trị của quân đội; góp phần tích cực xây dựng và quảng bá hình ảnh cao đẹp của bộ đội Cụ Hồ qua các thời kỳ, đặc biệt là thời kỳ mới...

Đơn cử, ở hoạt động văn học, trong 5 năm qua, chuyên ngành văn học quân đội ghi nhận số lượng lớn tác phẩm về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Các tác phẩm được sáng tác, đầu tư, quảng bá đều tập trung ca ngợi truyền thống vẻ vang của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh, xây dựng, bảo vệ tổ quốc, khắc họa đậm nét hình tượng bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới. Qua đó, khẳng định vị thế, vai trò của văn học quân đội trong nền văn học.

Hoạt động trọng điểm văn hóa, VHNT, báo chí quân đội: Tập trung đầu tư có chiều sâu - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết hoạt động trọng điểm về văn hóa, văn học nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2021 - 2025

Cũng trong hoạt động văn học, các trại sáng tác chuyên sâu, trại viết văn học toàn quân được tổ chức chặt chẽ, linh hoạt phù hợp từng nội dung, đối tượng, cung cấp, định hướng tư tưởng, thông tin kịp thời cho các tác giả. Tổ chức sáng tác, quảng bá hàng trăm truyện ngắn, hàng nghìn bài thơ có giá trị về đề tài chiến tranh, cũng như đề tài về người chiến sĩ hôm nay; tuyển chọn, in, quảng bá số lượng lớn tác phẩm trường ca, truyện ngắn, bút ký, trong đó có nhiều cuốn sách đã giành giải thưởng cao của Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam…

Hoặc, hoạt động điện ảnh trong quân đội, trong 5 năm qua, đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tác phẩm đoạt giải vàng, bạc tại các liên hoan phim chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Hoạt động chiếu phim điện ảnh phục vụ nhân dân, bộ đội diễn ra thường xuyên theo hình thức tuần phim vào những thời điểm diễn ra các sự kiện đất nước, quân đội.

Đặc biệt, từ năm 2023 đến 2025, liên tiếp các phim điện ảnh, phim truyền hình đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng được đầu tư với quy mô lớn. Năm 2024, Điện ảnh quân đội nhân dân đã triển khai dự án phim Mưa đỏ, bộ phim chiến tranh có quy mô lớn nhất của đơn vị trong 10 năm trở lại đây.

Các thiết chế văn hóa trong toàn quân được đầu tư, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Cụ thể, trọng điểm năm 2023 và 2024, Bộ Quốc phòng đầu tư hơn 300 tỷ đồng trang bị mới, bổ sung hệ thống âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân; đầu tư phòng thu, sửa chữa doanh trại của một số nhà hát và đoàn văn công.

Hoạt động trọng điểm văn hóa, VHNT, báo chí quân đội: Tập trung đầu tư có chiều sâu - Ảnh 3.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà văn, nhà thơ tham gia Trại sáng tác văn học về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 2023

Hệ thống bảo tàng phần lớn đã được đầu tư xây dựng trụ sở, nhà trưng bày, ngày càng đổi mới, hoàn thiện về công tác nghiệp vụ. Trong đó, 26/27 bảo tàng đã được đầu tư về trụ sở. Đáng chú ý, trọng điểm giai đoạn qua là dự án xây dựng mới Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, giai đoạn 1 là 2.500 tỷ đồng; sau khi khánh thành đã thu hút liên tục lượng khách tham quan rất lớn…

Ngoài ra, các mặt công tác khác như tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn; xét trao thưởng; đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác giao lưu quốc tế;… cũng đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

"Có thể khẳng định hoạt động trọng điểm văn hóa, văn học nghệ thuật và báo chí quân đội giai đoạn 2021 - 2025 đã trở thành chuỗi sự kiện văn hóa lớn của toàn quân, để lại những bài học quý về định hướng hoạt động, tổ chức phong trào, phát huy hiệu quả xã hội" - Trung tướng Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh - "Các hoạt động này góp phần quan trọng vào hoàn thành nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị của các cơ quan, đơn vị và của toàn quân; là mục tiêu, động lực góp phần xây dựng văn hóa, quân sự, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị".

Tác phẩm xuất sắc, đỉnh cao… vẫn hạn chế

Cùng với việc ghi nhận những kết quả đạt được, hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế đối với từng mặt công tác.

Hoạt động trọng điểm văn hóa, VHNT, báo chí quân đội: Tập trung đầu tư có chiều sâu - Ảnh 4.

Hộp phim một số tác phẩm điện ảnh do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất giai đoạn 2021 - 2025

Đối với vận động sáng tác, quảng bá, Cục trưởng Cục Tuyên huấn Nguyễn Văn Đức nêu thực tế: Một số đơn vị thường trực chuyên ngành triển khai thiếu kịp thời, tổ chức tạo nguồn tác phẩm và đầu tư trọng điểm chưa tập trung, còn dàn đều cho nhiều tác giả hoặc tác phẩm; tổ chức phát động, chế độ báo cáo, kiểm tra đôn đốc và các khâu thẩm định, có thời điểm chưa chặt chẽ dẫn đến chất lượng tác phẩm chưa đạt được như mong muốn. "Còn có chuyên ngành chưa tổ chức thâm nhập thực tế để sáng tác, hoặc chưa có hình thức mới trong vận động sáng tác. Một số đơn vị chưa nghiên cứu tập hợp được lực lượng nghệ sĩ thuộc chuyên ngành để tổ chức hoạt động nghề nghiệp một cách chính quy như chuyên ngành múa, mỹ thuật…" - ông Đức dẫn chứng - "Số lượng tác phẩm, công trình xuất sắc, đỉnh cao về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, về bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới vẫn hạn chế. Vẫn còn có tác phẩm nội dung tư tưởng và nghệ thuật chưa đáp ứng được mong muốn".

Cùng với đó, việc phát hiện lực lượng cây viết trẻ, tác giả trẻ tạo nguồn cho đơn vị và toàn quân chưa nhiều, thiếu biện pháp tích cực và chưa có cơ chế chính sách phù hợp để phát huy, nuôi dưỡng, phát triển.

Công tác tuyên truyền, quảng bá có thời điểm chưa được quan tâm đầu tư tương xứng và kịp thời như việc in, xuất bản, phát hành một số ấn phẩm từ các trại viết, trại sáng tác, kết quả giải thưởng 5 năm về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí (tác phẩm âm nhạc, múa, mỹ thuật, sân khấu)… Công tác nghiên cứu khoa học, phê bình lý luận trong lĩnh vực văn học nghệ thuật chưa được quan tâm đầu tư đúng mức.

Mặt khác, cơ sở vật chất của các thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đúng mức; hình thức tổ chức hoạt động ở một số đơn vị còn đơn giản, chưa đổi mới; biên chế tổ chức, công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên, hạt nhân văn hóa, nghệ thuật còn nhiều bất cập…

Từ những hạn chế này, Cục trưởng Cục Tuyên huấn Nguyễn Văn Đức cho rằng, để có tác phẩm tốt cần chặt chẽ trong lựa chọn tác giả, tập trung đầu tư có chiều sâu thay cho việc vận động sáng tác dàn trải. Cần có chính sách phù hợp nhằm nuôi dưỡng, thu hút nhân tài, nguồn lực trong toàn quân, toàn xã hội tham gia vào các hoạt động trọng điểm.

Công Bắc

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›