Bàn chân được xem như một bản đồ cơ thể thu nhỏ, trong đó mỗi vùng cơ quan nội tạng có những điểm phản xạ riêng. Thông qua ngâm chân xoa bóp các điểm này có thể điều chỉnh các rối loạn khắp cơ thể.
Dân gian có câu nói "Giàu có thì uống thuốc bổ, nghèo khó thì ngâm chân". Điều này hàm ý việc ngâm chân có tác dụng không khác gì uống thuốc bổ. Khoa học hiện đại đã chứng minh lòng bàn chân là khu vực phản ánh tình trạng sức khỏe của các cơ quan trong cơ thể. Do đó, ngâm chân có thể kích thích vùng phản ứng tương ứng, thúc đẩy tuần hoàn máu, điều chỉnh nội tiết, tăng chức năng các cơ quan nội tạng.
Vua Càn Long (Trung Quốc) là một trong những người áp dụng ngâm chân bằng nước ấm và mát-xa như là một trong những biện pháp dưỡng sinh giúp tinh thần minh mẫn và sống lâu.
Ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, chúng ta dường như đã quên việc chăm sóc bàn chân. Rất ít người quan tâm tới việc ngâm chân nước ấm trước giờ ngủ.
Thạc sĩ – Bác sĩ Trần Hoàng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết ngâm chân trị liệu, mát-xa bấm huyệt bàn chân là những liệu pháp có từ hàng ngàn năm trước, một phần để chăm sóc đôi chân do phải lao động, đi lại bằng chân trần có nguy cơ trầy xước, phồng rộp..., mặt khác là để điều chỉnh các rối loạn của cơ thể theo lý luận y học cổ truyền (YHCT).
Ngày nay, khi bạn phải đứng cả ngày, phải mang giày cao gót, hoặc mắc các bệnh mạn tính như: đái tháo đường, suy tĩnh mạch mạn tính, xơ vữa mạch máu, bệnh xương khớp, mất ngủ và suy nhược thần kinh..., chăm sóc đôi bàn chân càng cần được chú ý để góp phần cải thiện sức khỏe.
Theo y học cổ truyền quan niệm có 12 đường kinh chính là những con đường dẫn khí huyết lưu thông khắp cơ thể, trong đó 6 đường kinh khởi đầu/kết thúc ở bàn chân là: Kinh Tỳ, Vị: liên quan chủ yếu đến chức năng tiêu hóa; Kinh Thận, Bàng quang: liên quan chức năng sinh dục, bệnh lý xương khớp, ù tai...; Kinh Can, Đởm: liên quan đến một số vấn đề nội tiết, giấc ngủ, đau nửa đầu, đau hông sườn, rối loạn kinh nguyệt....
Các huyệt vùng bàn chân hay được dùng bao gồm: Dũng tuyền: có tác dụng nâng cao và phục hồi chính khí. Phối với Côn lôn trị đau lưng, vai gáy; Bát phong: trị tê bì bàn chân; Hành gian - Thái xung: giảm đau đỉnh đầu, đau bụng kinh, tăng huyết áp....
Bác sĩ Trần Hoàng cho hay: "Theo hệ thống lý luận Phản xạ học (Reflexology), bàn chân được xem như một bản đồ cơ thể thu nhỏ, trong đó mỗi vùng/ cơ quan nội tạng có những điểm phản xạ riêng, thông qua xoa bóp các điểm này có thể điều chỉnh các rối loạn khắp cơ thể".
Chăm sóc bàn chân đúng cách
Theo bác sĩ Trần Hoàng, các liệu pháp mát-xa với tinh dầu, hoặc ngâm chân thảo dược giúp cải thiện lưu thông tuần hoàn tại chỗ, tác dụng rõ rệt nhất đến các bệnh thoái hóa khớp bàn ngón chân, viêm gân gót, viêm cân gan chân, bệnh thần kinh ngoại biên....
Còn với mát-xa chân giúp cải thiện giấc ngủ, có ý nghĩa đặc biệt là ở người bệnh nặng, Parkinson, trẻ em bị tăng bài tiết 6-sulphatoxymelatonin - một đồng sản phẩm của quá trình chế tiết hormon melatonin.
Bác sĩ Trần Hoàng tư vấn để chăm sóc bàn chân đúng cách cần vệ sinh chân hằng ngày như: cắt móng chân gọn gàng, không khóe móng, giữ khô ráo bàn chân, đặc biệt là kẽ ngón; Nếu da khô, nứt nẻ cần bôi kem dưỡng ẩm; Đi giày vừa chân, vớ thoáng khí; Hạn chế mang giày cao gót.
Nếu muốn ngâm chân, cần được hướng dẫn kĩ bởi nhân viên y tế, đặc biệt là người có bệnh đái tháo đường. Các nguyên tắc cơ bản khi ngâm chân như sau:
- Không ngâm nước quá nóng hoặc quá lạnh, do đó nếu được cần chọn bồn ngâm có chỉ báo nhiệt độ nước.
- Không ngâm với quá nhiều gừng, tỏi, muối... do có thể làm khô da hoặc bỏng.
- Không ngâm quá lâu, trung bình 10-15 phút/ ngày hoặc cách ngày.
- Chống chỉ định: viêm nhiễm, lở loét vùng bàn chân, phù nề bàn chân.
- Thời gian ngâm chân, mát-xa tốt nhất được các chuyên gia tư vấn là trước giờ đi ngủ. Ngâm chân vào giờ này sẽ giúp tăng thân nhiệt, huyết quản sẽ nở ra, có lợi cho việc lưu thông khí huyết, tăng tuần hoàn máu.
Đối với việc mát- xa bàn chân để đạt được hiệu quả cần lưu ý:
- Vuốt xuôi từ bắp chân đến các ngón để tăng cường lưu thông máu.
- Vuốt ngược từ các ngón về mắt cá, bụng chân để tăng cường hồi lưu máu tĩnh mạch.
- Mát-xa theo vòng tròn tại lòng bàn chân, bụng chân để cải thiện vi tuần hoàn tại chỗ, giãn gân cơ.
Lưu ý, nếu muốn tự bấm huyệt trị bệnh, cần được hướng dẫn cụ thể từ nhân viên y tế để chọn huyệt phù hợp với cơ địa và bệnh lý.
Tags