(Thethaovanhoa.vn) - Truyền hình Thanh niên phải nhận sơ suất về khâu biên tập với hình ảnh “học sinh cầm sách ngược” trong trong phóng sự "Vinh danh các thầy cô giáo cắm bản" phát sóng trên VTV1 vào ngày 18/11. Vụ việc lẽ ra đã không đến mức như thế.
"Đây là sơ suất của chúng tôi khi biên tập đã dẫn đến những hiểu nhầm, thậm chí bức xúc của khán giả". Ban đầu, cách giải thích của ông Nguyễn Nam Sơn - Giám đốc Trung tâm truyền hình Thanh niên (TƯ Đoàn TNCSHCM) đơn vị thực hiện phóng sự này có thể chưa thể thỏa mãn một số người, nhất là những người vốn đã rất hoài nghi về bệnh thành tích trong giáo dục. Cụ thể ông Nam cho biết: “Qua kiểm tra kĩ lưỡng toàn bộ hình ảnh buổi quay hôm đoàn thực hiện về có thể khẳng định em học sinh biết đọc, biết viết bình thường. Do sách giáo khoa này là sách cũ, từ nguồn quyên góp ủng hộ nên phần bìa dán ngược, học trò phải quay như vậy mới đọc được” (theo Dân trí).
Nhưng kèm với lời giải thích, một clip nữa đã được chia sẻ và minh chứng thuyết phục cho những phát biểu của ông Nam. Clip mới cho thấy bìa cuốn sách bị dán ngược thật. Người thầy sau khi giở sách ra, phát hiện bìa dán ngược, đã phải xoay lại cuốn sách ngay trước ống kính truyền hình trước khi chuyển cho em học sinh đọc.
Như vậy, những người sản xuất chương trình đã không chỉ thanh minh được cho chính mình (về việc không dàn dựng trong phóng sự này) mà còn bảo vệ được danh dự cho em học sinh đó cùng bạn bè và các thầy cô các em. Hai ngày qua, cả nước đã biết gương mặt em, bàn tán về lớp học của em, cả cộng đồng mạng đã share, comment về các em với nhiều lo lắng, hoài nghi... Giờ là lúc mọi người cần xóa tan những ngoài nghi ấy.
Màn kết của câu chuyện “học sinh cầm sách ngược” cho thấy, lẽ ra đây phải là câu chuyện hay và giàu ý nghĩa. Nếu những người sản xuất chương trình biên tập hình ảnh chặt hơn, dẫn dắt câu chuyện đầy đủ hơn, thì không những không gây ra những sự hiểu nhầm đáng tiếc vừa qua, mà còn có thể thông tin ngay trong chương trình về điều kiện học tập vô cùng khó khăn của trẻ em vùng cao. Các em không có sách mới, phải sử dụng sách giáo khoa cũ, từ nguồn quyên góp, những cuốn sách bị rách, long bìa, phải dán lại. Vậy mà các em vẫn đọc thông viết thạo như những gì thể hiện trước ống kính.
Nếu được thông tin đầy đủ như vậy, kèm theo các hình ảnh trong clip thì người xem sẽ càng cảm thấy khâm phục các em hơn. Thậm chí sự khâm phục đó có thể biến ngay thành hành động: phát động quyên góp SGK mới (hoặc SGK cũ có chất lượng tốt hơn) để giúp đỡ các em học sinh khó khăn đang phải dùng sách cũ phải dán lại bìa.
Câu chuyện về ngày 20/11 này hy vọng sẽ “tiền hung, hậu kiết” (trước dữ, sau lành) như thế.
Trang Kim
Tags