Học viện HAGL Arsenal JMG: Mô hình lý tưởng nhưng vẫn còn nhược điểm

Thứ Hai, 07/11/2016 05:53 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Dưới lăng kính của HLV Phan Thanh Hùng, một chuyên gia cự phách về đào tạo trẻ, Học viện HAGL Arsenal JMG ra đời là một bước đột phá, mang nhiều tính ưu việt song vấn đề mà họ gặp phải chính là việc xác định chiến lược tương lai thiếu chắc chắn.

Mô hình nhiều ưu việt

HLV Phan Thanh Hùng nhận xét: “Sự ra đời của Học viện HAGL Arsenal JMG là bước đột phát trong đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam. Hướng xây dựng và phát triển của họ thì quá tốt rồi. Có nhiều lò HAGL Arsenal JMG như vậy sẽ rất tốt cho bóng đá Việt Nam. Đó là mô hình đào tạo ra nhiều cầu thủ chất lượng cao, phong cách phù hợp với tố chất con người Việt Nam. Đó là điều rất đáng ghi nhận.

Tôi ấn tượng nhất ở cách đào tạo kỹ thuật, tư duy và cách giáo dục, quản lý cầu thủ. Đó là mặt mạnh của HAGL và các trung tâm khác cần phải nhìn vào để tham khảo. Những gì làm được khi cho ra đời những cầu thủ chất lượng, hiện đang nhận được sự quan tâm và kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà đã nói lên điều đó.

Tất nhiên, khi nhìn vào một lò đào tạo, luôn có 2 mặt của nó. Những gì tốt, làm được thì chúng ta tham khảo rồi gạn lọc để áp dụng cho mình còn những hạn chế thì nhìn vào để phân tích, tránh bị mắc phải.

Mỗi trung tâm có cách làm khác nhau, riêng mô hình của Học viện HAGL Arsenal JMG là một mô hình có nhiều ưu việt để các trung tâm khác tham khảo”.

Nhưng thiếu tính chiến lược chắc chắn

Từng rất thành công khi xây dựng lứa cầu thủ SHB Đà Nẵng giàu tài năng và để lại một di sản lớn cho Hà Nội T&T, HLV của Than Quảng Ninh đã chỉ ra những hạn chế đang tồn tại ở Học viện HAGL Arsenal JMG. “Xu hướng phát triển trong tương lai thì họ vẫn còn nhiều điều cần phải hoàn thiện hơn nữa. Chẳng hạn đó là bước trưởng thành của cầu thủ qua từng giai đoạn. Năm 2015 vừa qua, các em chỉ mới 19, 20 tuổi nhưng lại được ồ ạt đôn lên đá V-League mà không có tính kế thừa.

Học viện HAGL Arsenal JMG: Bầu Đức vẫn cần thêm thời gian

Học viện HAGL Arsenal JMG: Bầu Đức vẫn cần thêm thời gian

Mặc dù sản sinh ra những tài năng cho bóng đá Việt Nam như Xuân Trường, Tuấn Anh hay Công Phượng, song Học viện HAGL Arsenal JMG vẫn còn những việc để cải thiện ở lứa sau này...

Hà Nội T&T thì lại khác. Họ có đội 1 chất lượng nên cứ mỗi năm đôn lên một vài cầu thủ. Bây giờ lực lượng cầu thủ trẻ của Hà Nội T&T quá mạnh. Cho dù trong đội bóng có nhiều cầu thủ trẻ song thành tích của Hà Nội T&T lại tốt hơn rất nhiều so với HAGL. Đó là nhờ phương pháp gối đầu, tạo nên sự khác biệt.

Có thể giáo án, cách đào tạo không bằng HAGL song chiến lược xây dựng thì Hà Nội T&T hơn nhiều. Hà Nội T&T có tính kế thừa, được tuân thủ lớp này bổ sung lên 2, 3 cầu thủ. Trong 6 năm tôi làm ở đó, một năm tôi chỉ đưa lên 2 hay 3 cầu thủ và đến nay, số lượng đó nhân lên chiếm hơn 2/3 cầu thủ. Họ không thay một loạt như HAGL.

Chiến lược sử dụng cầu thủ của HAGL không phải đốt cháy giai đoạn, bởi lẽ vẫn có một số cầu thủ vẫn đủ sức đá V-League song để đưa lên nhiều quá như thế dẫn đến hệ quả là thành tích không đảm bảo còn một số cầu thủ đi ra nước ngoài thì cũng là cách song có người thành công, người không thành công. Tất cả đó không thể hiện sự hiệu quả của tính chiến lược. Còn về thể hình thì đó là hạn chế chung của bóng đá Việt Nam rồi”, ông Hùng phân tích.

Đừng tự mãn…

Nói về việc thành công gần đây của bóng đá trẻ Việt Nam, HLV Phan Thanh Hùng cho rằng đó là tín hiệu mừng, có thể nhìn thấy tương lai tươi sáng cho bóng đá nước nhà song sẽ là sai lầm nếu tự mãn về điều này mà con đường để hoàn thiện từ một cầu thủ trẻ lên chuyên nghiệp, phục vụ CLB cũng như ĐTQG vẫn còn rất dài.

“Để một cầu thủ trẻ trở thành một người chuyên nghiệp, phục vụ ĐTQG là một chặng đường không hề đơn giản và vẫn do chính cầu thủ cũng như cách quản lý cầu thủ làm mấu chốt. Tất cả cùng nỗ lực xây dựng chứ không thể nghĩ đến như thế là được rồi. Điển hình nhất là lứa U19 Myanmar giành vé dự U20 World Cup 2014, đến nay, lứa cầu thủ này vẫn chưa cho thấy sự phát triển tương xứng”, chiến lược gia gốc Đà Nẵng chia sẻ.


Nam Giao
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›