(Thethaovanhoa.vn) - Công tác trọng tài trở thành điểm đen suốt thời gian dài. Thế nhưng, không có nghĩa, chúng ta cứ chấp nhận phó mặc. Một học viện trọng tài là gợi mở để tìm ánh sáng cho giới “cầm cân nảy mực” ở sân cỏ Việt Nam.
Trước đây, cựu giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn đề xuất chủ trương mở học viện trọng tài. Đây được xem là ý tưởng táo bạo khi trên thế giới, không nhiều quốc gia mở học viện dành riêng cho ông “vua sân cỏ”.
Nhưng, không vì thế mà chúng ta không nghĩ đến một ngày đi theo cách riêng này, nhất là trong bối cảnh, trọng tài ở Việt Nam đang vừa kém chất lượng, vừa phát sinh nhiều vấn đề. Thực tế, trọng tài chưa được xem là nghề để các trọng tài theo đuổi làm nghiệp chính.
Theo thống kê, có khoảng 80 - 90% trọng tài bắt các giải chuyên nghiệp Việt Nam làm công việc này là phụ. Họ chủ yếu là các công chức nhà nước, giáo viên thể dục… Số lượng trọng tài theo chính danh nghề nghiệp khá ít ỏi. Điều này không quá bất ngờ bởi sự bấp bênh về mặt danh dự khiến họ khó theo đuổi nghiệp chính.
Tuy vậy, công bằng để nhìn nhận, trọng tài ở Việt Nam có thể sống khỏe nếu có chuyên môn tốt. Mỗi trận đấu ở V-League, các trọng tài chính được trả thù lao 8 triệu/trận, các trợ lý, trọng bài bàn 6 triệu/trận/người. Nhẩm tính một tháng, các trọng tài điều hành 3 - 4 trận bao gồm bắt chính và làm trọng tài thứ 4, con số thu nhập dao động khoảng 20 triệu đồng.
Đó là con số không hề nhỏ. Chưa kể, bóng đá phong trào ở Việt Nam đang phát triển như "nấm sau mưa". Ở đó, mức thù lao với các trọng tài cũng không hề nhỏ. Nói thế để thấy, các trọng tài có thể tự nuôi sống bản thân, gia đình bằng chính nghề nghiệp này.
Và khi có thể tự nuôi, tại sao chúng ta không nghĩ đến sự quy củ khi mở học viện trọng tài. Ở đó, đội ngũ cầm cân nảy mực sẽ được đào tạo chính quy, học hỏi các bậc tiền bối giàu kinh nghiệm và hơn hết có sự chính danh trong nghề nghiệp.
Việc dành trọn 100% thời gian cho công việc sẽ giúp người đó toàn tâm toàn ý, biết cách sửa sai, tìm lỗi sai để sửa chữa. Quan trọng hơn hết, họ có quá nhiều điều kiện nâng cao tay nghề, học hỏi nhiều hơn các đàn anh để tránh đi những cám dỗ không cần thiết.
Rõ ràng, lợi ích quá thiết thực khi chúng ta theo đuổi hướng này. Nhưng, cần nhìn nhận khách quan, để mở một học viện không hề dễ dàng nhưng không phải bất khả thi. Ở đó, vai trò của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, Ban trọng tài VFF là tối quan trọng.
Họ cần đổi mới tư duy, tạo sự công bằng trong cạnh tranh, tránh tình trạng “dây mơ, rễ má” và quan trọng hơn là tạo bệ đỡ cho đội ngũ trọng tài trẻ phát triển. Không vì các mối quan hệ cá nhân mà “dìm” các trọng tài tốt cả về chuyên môn lẫn đạo đức.
Hơn hết, họ cần có các mối quan hệ nhằm xã hội hóa một học viện trọng tài. Thật khó để đòi hỏi VFF, Ban trọng tài VFF có đủ kinh phí mở học viện. Tuy vậy, bắt tay với các doanh nghiệp, cùng nhau nâng chất lượng đội ngũ trọng tài là phương án khả dĩ.
Phải vun đắp niềm tin với các doanh nghiệp, khiến họ “rút hầu bao” với sự tin tưởng cao, tất yếu, chất lượng trọng tài buộc phải nâng cao cả về chất lẫn lượng. Khi tất cả nhìn vào đội ngũ trọng tài với sự trong sáng, công tâm, cùng vì sự phát triển của bóng đá nước nhà, tin rằng, một học viện trọng tài với sự xã hội hóa là điều không quá viển vông.
Đón đọc bài 3: Khúc tâm tình” của lãnh đạo Ban trọng tài VFF
Gia Bình
Tags