Trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023, sáng 19/3, Đoàn Thanh niên Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đoàn thanh niên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Tọa đàm "Thanh niên sáng tạo, chủ động trong công cuộc chuyển đổi số". Sự kiện hướng đến nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số, cũng như trách nhiệm của tuổi trẻ trong vấn đề này.
Phát biểu tham luận tại Tọa đàm, ông Lê Quốc Minh, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Những năm trước câu chuyện chuyển đổi số nổi lên như một trào lưu nhưng nhiều người, nhiều tòa soạn vẫn loanh quanh với câu hỏi: Chuyển đổi số là gì? Tòa soạn chuyển đổi số bắt đầu từ đâu. Tuy nhiên, sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, công cuộc chuyển đổi số được thúc đẩy một cách tự nhiên, nhanh chóng.
"Chuyển đổi số là thay đổi cách vận hành của doanh nghiệp, trong một số trường hợp tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn mới. Khi thực hiện chuyển đổi số, các công ty có cơ hội rà soát lại mọi điều, từ các hệ thống nội bộ cho đến các tương tác với khách hàng, cả trực tiếp và trực tuyến. Tại các cơ quan báo chí, nếu không thay đổi quy trình làm việc, văn hóa công sở, cách trao đổi với nhau, cách xây dựng bộ máy và hệ thống phân cấp trong tòa soạn, thì mọi thay đổi tạo ra cũng chỉ nằm ở bên rìa mà thôi" - ông Lê Quốc Minh dẫn chứng.
Báo cáo xu hướng báo chí thế giới 2020-2021 (WAN- IFRA) cho thấy doanh thu nội dung digital tăng 23% mỗi năm. Tuy chỉ chiếm 6% tổng nguồn thu báo chí toàn cầu, nó có đầy đủ "mọi thành phần chủ chốt của một chiến lược tạo doanh thu từ độc giả". Tương tác với độc giả, tập hợp nhiều dữ liệu và áp dụng biện pháp phân tích các chỉ số đo lường (analytics), phát triển sản phẩm và hợp tác giữa các phòng, ban - đó chính là "những trụ cột của một chiến lược chuyển đổi số". Chuyển đổi số là một chiến lược tổng thể, còn kế hoạch cụ thể là đẩy mạnh các kế hoạch coi độc giả là trung tâm, tăng doanh thu từ độc giả, phát triển sản phẩm và chú trọng dữ liệu.
Chuyển đổi số vô cùng khó khăn. chuyển đổi số là nói đến con người chứ không phải công nghệ. Tương lai của báo chí tùy thuộc và việc xây dựng mối tương tác chặt chẽ hơn với độc giả. Ông Lê Quốc Minh cho biết chỉ trong 6 năm qua doanh thu quảng cáo báo in giảm 1 nửa, nếu không các tòa soạn, tờ báo không đa dạng nguồn thu, chỉ loay hoay dựa vào doanh thu quảng cáo thì sẽ sớm bị thất bại. Một chiến lược chuyển đổi số lấy độc giả là trung tâm có thể giúp thúc đẩy cả doanh thu từ độc giả cũng như doanh thu quảng cáo. Các cơ quan báo chí cần điều chỉnh kế hoạch dựa trên quan điểm độc giả là trên hết và thu thập dữ liệu độc giả trực tiếp. Đặc biệt, cần chuẩn bị cho một "thế giới không cookie" thời gian tới, trong khi cân nhắc cơ chế giá và kết hợp các ấn phẩm in/digital.
"Sự đổi mới tuyệt vời nhất sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu chúng ta không có đủ kỹ năng để sử dụng nó, kể cả những bộ óc xuất chúng nhất của con người sẽ dần trở nên vô dụng nếu không bắt tay với công nghệ. Cách tốt nhất để làm cho tổ chức đi theo con đường digital và lấy dữ liệu làm trung tâm là đầu tư một cách có chọn lọc vào những người có khả năng thích nghi cao nhất, ham học hỏi và linh hoạt. Chẳng ai biết trong tương lai sẽ cần những kỹ năng gì, nên hãy đầu tư vào chính những người có khả năng phát triển chúng. Năng lực công nghệ chỉ mang tính tạm thời, sự ham muốn kiến thức mới là vĩnh viễn" - ông Lê Quốc Minh nói.
Bên cạnh đó, sự thay đổi cần đến từ cấp cao nhất. Chắc chắn một ban lãnh đạo - dù tài giỏi hay yếu kém - đều có ảnh hưởng tới từng bộ phận, từng lĩnh vực của một đơn vị; các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ít nhất 50% hiệu quả hoạt động của các đơn vị đó phụ thuộc vào cá nhân người lãnh đạo. Trong bối cảnh chuyển đổi số, không thể nào trông đợi những thay đổi lớn nếu không bắt đầu bằng việc lựa chọn và phát triển các lãnh đạo cấp cao nhất. Lợi thế cạnh tranh nằm ở khai thác các dữ liệu có giá trị, có kỹ năng cần thiết để biến các dữ liệu thô thành insights có ý nghĩa, quan trọng hơn nữa là có thể dẫn đến hành động dựa trên các insights đó. Dữ liệu thô mà không biến thành insights thì chẳng có nhiều giá trị và insights mà không dẫn đến hành động thì cũng vô ích.
Các yếu tố để chuyển đổi số thành công là: Có những lãnh đạo am hiểu về công nghệ; xây dựng năng lực cho đội ngũ nhân viên của tương lai; tạo điều kiện để nhân viên làm việc theo cách thức mới; tăng cường sử dụng các công cụ digital; thường xuyên trao đổi thông qua các biện pháp truyền thống và digital - ông Lê Quốc Minh chia sẻ.
Cũng tại Tọa đàm, các chuyên gia, đại biểu đến từ Hội Nhà báo Việt Nam, Học viện Bưu chính Viễn thông, các cơ quan báo chí đã trao đổi với thanh niên các nội dung liên quan đến nội dung: làm thế nào để tìm chỗ đứng và không bị bỏ lại trong làn sóng AI; phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong chuyển đổi số; chuyển đổi số trong công tác thanh niên tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay; an ninh, an toàn trên không gian mạng cho thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số; chuyển đổi số từ góc nhìn báo mạng điện tử; chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên...
Tags