(Thethaovanhoa.vn) - Trước chỉ đạo giảm quy mô tổ chức từ 32 xuống 16 trâu kể từ mùa lễ hội 2020, lãnh đạo UBND huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cho rằng, như thế sẽ khiến cho công tác kêu gọi xã hội hóa cũng như kinh phí chi tiêu cho các hoạt động tổ chức lễ hội bị thiếu thốn, bó hẹp. Vì vậy đề nghị vẫn giữ nguyên như cũ.
Còn lãnh đạo Sở VHTTDL Vĩnh Phúc lại thẳng thắn, lâu nay dư luận vẫn cảnh báo hiện tượng thương mại hóa lễ hội, hội chọi trâu Hải Lựu cũng như nhiều lễ hội khác, nếu cứ đặt nặng vấn đề kinh phí thì sẽ dễ dàng bị thương mại hóa.
“Chỉ có 320 triệu để chi tiêu”
Tại buổi làm việc với lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) và Sở VHTTDL Vĩnh Phúc vào ngày 29.3, ông Nguyễn Bá Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô cho biết, công tác tổ chức và quản lý đối với lễ hội chọi trâu Hải Lựu trong năm qua đã được thực hiện nghiêm túc, theo đúng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL và Sở VHTTDL Vĩnh Phúc. Theo đó, BTC không bán vé vào lễ hội, dành một khu vực riêng cho khách mời nhằm tránh tình trạng lộn xộn, ra vào tự do như năm trước. Bên cạnh đó, các chủ trâu chọi phải thực hiện nghiêm quy định cho trâu chọi vào khu vực giết mổ riêng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tránh tạo những hình ảnh phản cảm; đồng thời khắc phục hiện tượng đưa thịt trâu thường vào trà trộn trong khu vực bán thịt trâu chọi. Mức giá bán thịt trâu chọi cũng thường xuyên được giám sát.
Tại lễ hội năm 2019 có 32 ông trâu tham gia thi đấu, chia thành 16 cặp. Đây cũng là vấn đề đã được đề cập tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở và địa phương từ trước Tết Nguyên đán về công tác chuẩn bị cho mùa lễ hội 2019. Trước đềnghị của UBND huyện Sông Lô xin được giữ nguyên quy mô tổ chức lễ hội với số lượng trâu ổn định lâu dài là 16 cặp, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương đã khẳng định: “Mùa lễ hội 2019 đồng ý để Hải Lựu tiếp tục duy trì số lượng trâu tham gia lễ hội là 16 cặp vì địa phương đã triển khai công tác tổ chức theo quy mô này ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, quy mô lễ hội theo truyền thống không phải như vậy. Đềnghị từ mùa lễ hội 2020, xã Hải Lựu triển khai công tác tổ chức với quy mô thu gọn, chỉ gồm 20 trâu (10 cặp), bao gồm 19 thôn trong xãmỗi thôn có 1 trâu tham gia và thêm 1 trâu của đơn vị vô địch mùa trước”.
Thế nhưng tại buổi làm việc ngày 29.3, ông Nguyễn Bá Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô lại đề cập đến câu chuyện quy mô lễ hội. Ông nói: “Mười mấy năm qua Hải Lựu vẫn tổ chức hội chọi trâu với quy mô 16 cặp thi đấu. Đây là lễ hội liên quan đến vấn đề xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo nhân dân mà không có tiền ngân sách. Tất cả mọi khoản đều trông chờ vào kinh phí đóng góp của 32 chủ trâu, chúng tôi có tổng thể 320 triệu đồng chắt bóp để chi tiêu cho mọi khoản như đảm bảo an ninh trật tự, hệ thống sân bãi, công tác tổ chức... Phải nói là BTC và chính quyền địa phương đã rất cố gắng”.
Chuyện kinh phí sẽ thành thương mại hóa!
Ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Nếp sống văn hóa (Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL) nhấn mạnh, mùa lễ hội 2019 Hải Lựu vẫn giữ quy mô 32 trâu vì địa phương đã triển khai công tác chuẩn bị từ đầu năm. Nhưng nay thì khác, để tránh sự bị động, đề nghị xã Hải Lựu rà soát và giảm số lượng trâu chọi, đưa quy mô trở về truyền thống. Mùa tới đề nghị giảm chỉ còn 20 trâu, gồm 19 trâu của 19 thôn trong xã và một trâu của đơn vị vô địch lễ hội năm trước.
Theo ông Nguyễn Bá Hiến, nếu theo chỉ đạo trên, lễ hội chọi trâu Hải Lựu phải giảm quy mô xuống còn 20 trâu thì sẽ rất khó khăn cho vấn đề kinh phí tổ chức. “Thời gian tổ chức lễ hội diễn ra trong hai ngày, sân bãi, an ninh... vẫn cần đảm bảo như vậy, trong khi số tiền xã hội hóa từ các chủ trâu bị giảm xuống bằng 2/3 năm cũ sẽ khiến địa phương gặp nhiều áp lực. Đề nghị Cục Văn hóa cơ sở, Sở VHTTDL tỉnh quan tâm tạo điều kiện để địa phương thực hiện tốt hơn công tác xã hội hóa”, ông Hiến nói.
Ông Vũ Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết, lễ hội chọi trâu Hải Lựu năm 2019 ông đãtrực tiếp tham dự và giám sát công tác tổ chức. Cơ bản lễ hội đã được quản lý tốt, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế. “Đối với những lễ hội có yếu tố mang tính bạo lực, quan điểm của Bộ không khuyến khích, BTC lễ hội luôn luôn cần quan tâm yếu tố đảm bảo an toàn, an ninh trật tự trong lễ hội. Về số lượng trâu tham gia chọi, địa phương cần làm việc với Cục Văn hóa cơ sở để thống nhất, trước khi chốt số lượng trâu chọi tham gia, đề nghị chưa triển khai đến các chủ trâu...”, theo ông Vũ Việt Dũng. Phó Cục trưởng cũng lưu ý một số nội dung nhằm đảm bảo vấn đề văn minh cho lễ hội như giết mổ trâu, địa điểm bày bán thịt trâu... Đồng thời, đề nghị địa phương nghiên cứu về thời gian tổ chức chọi trâu chỉ trong một ngày, không tổ chức trong hai ngày.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo từ lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở, ông Dương Quang Ứng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Vĩnh Phúc cho biết, Sở sẽ quyết liệt yêu cầu địa phương tiếp tục đổi mới công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Đối với lãnh đạo huyện Sông Lô, ông Dương Quang Ứng lưu ý: “Nếu không có đề án đổi mới thì yêu cầu dừng theo đúng nội dung Nghị định 110 của Chính phủ. Lâu nay dư luận vẫn cảnh báo hiện tượng thương mại hóa lễ hội. Hội chọi trâu Hải Lựu cũng như nhiều lễ hội khác, nếu cứ đặt nặng vấn đề kinh phí thì cũng sẽ dễ dàng bị thương mại hóa thôi!”.
Mười mấy năm qua Hải Lựu vẫn tổ chức hội chọi trâu với quy mô 16 cặp thi đấu. Đây là lễ hội liên quan đến vấn đề xã hội hóa, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo nhân dân mà không có tiền ngân sách. Tất cả mọi khoản đều trông chờ vào kinh phí đóng góp của 32 chủ trâu, chúng tôi có tổng thể 320 triệu đồng chắt bóp để chi tiêu cho mọi khoản như đảm bảo an ninh trật tự, hệ thống sân bãi, công tác tổ chức... Phải nói là BTC và chính quyền địa phương đã rất cố gắng. (Ông Nguyễn Bá Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Lô) |
Lễ hội chọi trâu Hải Lựu khi xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không thể sai lệch so với những giá trị nguyên gốc. Theo quy định tại Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội, nếu lễ hội tổ chức sai lệch truyền thống sẽ phải tạm ngừng tổ chức. Do vậy, huyện Sông Lô và trực tiếp là xã Hải Lựu và BTC lễ hội tiếp tục rà soát, tuân thủ chặt chẽ hệ thống văn bản pháp luật để xây dựng và hoàn thiện đề án đổi mới công tác tổ chức, không thể cứ tổ chức như quy mô hiện nay. |
Theo Bảo Ngân/Báo Văn hóa
Tags