(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn hồi ký Becoming của cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama đã xuất hiện trên các kệ sách từ ngày 13/11 với 30 thứ tiếng.
Trong cuốn hồi ký này, bà Michelle kể về rất nhiều câu chuyện của mình: cuộc sống thời thơ ấu, cuộc hôn nhân với Barack Obama, việc sinh hai con gái nhờ phương pháp thụ tinh, quãng thời gian trong Nhà Trắng và cả những cảm hứng cho tương lai.
Chưa bao giờ hào hứng với chính trường
“Viết hồi ký Becoming là một trải nghiệm cá nhân cực kỳ sâu sắc. Tôi viết về nguồn gốc của mình, về việc một cô gái đến từ South Side (một khu vực của thành phố Chicago) đã tìm thấy vị trí của bản thân như thế nào” - trên trang Twitter cá nhân, bà Michelle bày tỏ - “Tôi hy vọng hành trình của mình sẽ truyền cảm hứng cho độc giả, để họ có đủ can đảm trở thành bất cứ mẫu hình nào mà mình mong muốn. Tôi đã rất nóng lòng được chia sẻ câu chuyện của mình với các bạn”.
Trong cuốn hồi ký, Michelle cũng tuyên bố: “Tôi chưa từng mặn mà với chính trị . Trải nghiệm của tôi trong hơn 10 năm qua cũng không làm thay đổi được nhiều về điều đó”.
Điều này nghe có vẻ giống như một tuyên bố bất thường từ cựu Đệ nhất phu nhân của nước Mỹ, người đã cùng chồng trải qua 2.923 ngày trong Nhà Trắng để hoàn thành 2 nhiệm kỳ Tổng thống. Tuy nhiên, trên thực tế, Michelle, một luật sư có xuất thân từ tầng lớp lao động, lớn lên trong một khu phố chủ yếu là người da đen ở South Side, đã gạt “thành kiến” về chính trị của mình sang một bên khi bà đảm nhiệm vai trò Đệ nhất phu nhân.
Trong thời gian là Đệ nhất phu nhân Mỹ, bà Michelle đã đưa ra những sáng kiến để ủng hộ các cựu chiến binh, cũng như chiến dịch chống béo phì ở trẻ em. Bà còn sử dụng vai trò của mình để nâng cao nhận thức về những vấn đề mà nhiều người Mỹ đang phải đối diện: đói nghèo, vô gia cư, thiếu dinh dưỡng, không được hưởng đầy đủ các quyền công dân. Ngoài ra, Michelle cũng lên tiếng ủng hộ quyền lợi của cộng đồng LGBTQ (người đồng tính, song tính, chuyển giới).
Bà Michelle còn sử dụng vai trò của mình để quảng bá cho các chuyên gia nghệ thuật của Mỹ. Chẳng hạn, bà mặc các bộ váy do Prabal Gurung thiết kế, đồng thời ủng hộ các nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi như Amy Sherald.
Dù được so sánh với cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy, Michelle đã tạo nên dấu ấn của mình theo cách không giống bất cứ Đệ nhất phu nhân tiền nhiệm nào. Cách nói chuyện khôn ngoan, duyên dáng và truyền cảm hứng của Michaelle đã khiến bà được nhiều người Mỹ yêu quý.
Đáng nói, Becoming đã được đánh giá cao và thậm chí đã là tác phẩm best-seller từ khi chưa phát hành. Nhà văn Kiese Laymon viết trong bài đăng trong số phát hành tháng 12 của tạp chí Vanity Fair: “Tôi muốn biết những gì Michelle Obama nghĩ về sự bất bình đẳng trong thu nhập, về bạo lực tình dục, ưu thế của người da trắng… Tôi biết chúng ta chấp nhận bất cứ điều gì mà Michelle đề cập tới trong cuốn hồi ký, bởi chúng ta đang thực sự muốn biết những điều đó”.
Những câu chuyện riêng tư
Những độc giả như Laymon hẳn sẽ không thất vọng khi đọc cuốn hồi ký này. Được chia thành 3 phần, gồm "Becoming Me", "Becoming Us" và "Becoming More", một phần lớn nội dung trong cuốn sách đề cập tới thời thơ ấu của Michelle, khi bà lớn lên giữa những người thuộc tầng lớp lao động. Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ còn kể cả câu chuyện về việc phải đối đầu với kẻ ức hiếp mình trong cuộc sống – một trong những sự việc cho thấy tính cách của bà.
Tương tự, Michelle nhìn lại quyết định tham gia tranh cử tổng thống của chồng và thời gian hai người dành cho các chiến dịch tranh cử. Trong cuốn hồi ký, Michelle còn tiết lộ những lo sợ về việc các con bị đánh mất quyền riêng tư, đồng thời thể hiện sự thất vọng trước phản ứng của nhiều thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội quanh việc tranh cử của chồng mình.
“Họ phản ứng với bất cứ việc gì Barack làm cho dù điều đó có lợi cho đất nước hay không. Dường như họ chỉ muốn Barack thất bại” – Michelle viết.
Trong cuốn hồi ký dài 426 trang này còn tràn ngập những chuyện riêng tư của một người phụ nữ có gia đình. Chẳng hạn, Michelle chia sẻ việc bà từng bị sảy thai, hay quyết tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để sinh 2 cô con gái.
Bà Michelle còn tiết lộ mối quan hệ giữa bà và cựu tổng thống cũng có những lúc khó khăn, nhất là sau khi chồng bà tham gia Chính phủ, để bà ở nhà tự tiêm các liều thuốc thụ tinh trong ống nghiệm. Rồi Michelle còn kể chuyện “phải lòng” Barack như thế nào trong một đêm hè ở Chicago. "Ngay khi tôi cho phép mình được có tình cảm với Barack, cảm xúc biết ơn và hài lòng tuôn trào trong tôi”. - Michelle viết.
Trong cuốn sách, Michelle còn đưa ra lời nhắn với những người đang cảm thấy thất vọng trong cuộc sống: “Sợ hãi không phải là một động lực thích hợp. Niềm hy vọng sẽ làm nên chiến thắng của bạn”.
Ở Việt Nam, cuốn sách này được Fahasa phát hành và bán với giá 523.800đ. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Tags