(Thethaovanhoa.vn) - Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu diễn ra trong hai ngày 25-26/3 tại thủ đô Brussels của Bỉ bằng hình thức trực tuyến.
Chương trình nghị sự của hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng sức khoẻ do đại dịch Covid-19 gây nên, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vai trò của đồng euro và chuyển đổi kỹ thuật số trong EU.
Liên quan đến vấn đề COVID-19, ưu tiên hàng đầu của EU là tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng trên toàn liên minh. Để đạt được mục tiêu này, EU tập trung thúc đẩy sản xuất, tăng cường cung cấp vắc xin và đảm bảo tính minh bạch trong việc phân phối cho các quốc gia thành viên. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU cũng đề cập đến hộ chiếu vắc xin và việc mở cửa du lịch quốc tế.
Trong mối quan hệ quốc tế, theo Chủ tịch Charles Michel, EU luôn chú trọng bảo vệ lợi ích của mình, đề cao các giá trị của toàn khối và đóng góp tích cực vào việc định hình tương lai toàn cầu. Chủ tịch Charles Michel nhấn mạnh sự đoàn kết là điều kiện tiên quyết để khẳng định tầm ảnh hưởng của Liên minh.
Đại dịch COVID-19 đã khiến cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của EU trở nên mạnh mẽ hơn và nhu cầu về một ngành công nghiệp châu Âu có khả năng phục hồi trở nên cấp thiết hơn.
Điều đó cho thấy tầm quan trọng của thị trường đơn lẻ đối với nền kinh tế của EU. Trong vấn đề kỹ thuật số, EU mong muốn đạt được sự cân bằng phù hợp giữa việc xây dựng chủ quyền kỹ thuật số của và duy trì một nền kinh tế mở, đồng thời đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
- EU lạc quan về triển vọng đạt được miễn dịch cộng đồng với Covid-19
- Anh cảnh báo lệnh cấm xuất khẩu vaccine Covid-19 của EU phản tác dụng
- EU cảnh báo cấm AstraZeneca xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của EU có sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Sự kiện này được coi như một cơ hội để EU và Mỹ "xây dựng lại liên minh xuyên Đại Tây Dương" vốn suy yếu dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Trong hơn một năm qua, đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả nặng nề cho châu Âu và khu vực này đã lên kế hoạch tiêm chủng từ rất sớm.
Trong năm 2020, EU đặt hàng 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 từ 6 nhà sản xuất và con số này hiện tiếp tục tăng lên gần 3 tỷ liều, cho tổng dân số của EU là 450 triệu người. Tuy nhiên, hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm chủng, các nước EU đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine, chủ yếu do tiến độ bàn giao chậm trễ của hãng dược AstraZeneca.
Hôm 24/3, Brussels và London đã thông báo đang thực hiện một giải pháp "đôi bên cùng có lợi" để giải quyết căng thẳng cao độ về việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19, sau khi thắt chặt kiểm soát xuất khẩu liều lượng được sản xuất tại EU. Trong một thông cáo báo chí chung, hai bên cho biết đang làm việc về các biện pháp cụ thể về ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tăng cường cung cấp vắc-xin cho công dân hai bên và đảm bảo không bên nào bị thiệt.
Hương Giang/TTXVN
Tags