(Thethaovanhoa.vn) - Không phải là một đêm nhạc nghệ thuật mà là một không gian dành cho những câu chuyện kể, những lời tâm tình về một người đã rời xa cõi tạm tròn 100 ngày. Đêm nhạc Tan vào Hà Nội của nhạc sĩ An Thuyên đã diễn ra như một cuộc “hội ngộ” bằng tình yêu, nỗi nhớ như thế.
Đã lâu khán giả mới thấy NSND Thu Hiền, Hồ Quỳnh Hương, Quang Linh trên sân khấu. Và sự xuất hiện của họ tại đêm nhạc này đã mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả bởi những giọng ca đã “vắng bóng” lâu ngày. Những tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên mà họ trình diễn cũng có sự hoán vị thú vị như Quang Linh hát Neo đậu bến quê, Tùng Dương hát Ca dao em và tôi.
Đến với hai đêm nhạc Tan vào Hà Nội (diễn ra tối 11-12/10) chắc chắn đều là những người thân, quen, yêu mến, ngưỡng mộ vị nhạc sĩ tài hoa An Thuyên. Ở không gian sảnh trong nhà hát, mọi người còn được thấy những khoảnh khắc đời thường của ông qua những tấm hình về ông.
Nhưng với nhạc mục chương trình diễn ra, phải khẳng định người yêu nhạc phải yêu nhạc sĩ An Thuyên từ con người đến âm nhạc của ông mới có thể cảm nhận hết được ý nghĩa của đêm nhạc này.
Lý do là bởi, nếu chỉ biết đến những ca khúc quá đỗi quen thuộc của ông như Em chọn lối này, Ca dao em và tôi, Bao giờ về được ao quê thì sẽ cảm thấy “lạc lõng” với một nhạc sĩ An Thuyên đa sắc màu. Đó là sắc màu của ngũ hành mà ca sĩ Bông Mai lựa chọn dàn dựng, khắc họa chân dung của cha mình.
Nhưng cũng nhờ vậy, khán giả lại càng cảm thấy trân trọng và yêu mến vẻ đẹp trong đời sống và tâm hồn của nhạc sĩ An Thuyên nhiều hơn qua âm nhạc. Đó là một nhạc sĩ không chỉ nhiều xúc cảm với những giai điệu của dân ca để làm nên những ca khúc gắn liền với “thương hiệu” An Thuyên mà còn là một vị nhạc sĩ dạt dào một tâm hồn đầy chất trữ tình qua các ca khúc như Dương cầm thu không em, Hồ Gươm chiều thu, Tan vào Hà Nội..
Đặc biệt, đến cuối chương trình, khi ca sĩ Bông Mai và nhà giáo Huyền Lâm có đôi lời chia sẻ cùng khán giả trong một tâm thế “dũng cảm” không khóc, thì những điều gia đình nhạc sĩ An Thuyên nói về người chồng, người cha của mình cũng đủ để nhiều khán giả dưới khán phòng đưa tay quệt mi mắt.
“Mẹ à, ba đang ở đây, ba đang ở chỗ này, ở đây vui lắm!” là dư âm không thể nào quên với nhà giáo Huyền Lâm về người chồng của mình và cũng là dư âm về một nhạc sĩ luôn dành những lời trìu mến, yêu thương để nói về cuộc sống này đối với khán giả - nhạc sĩ An Thuyên.
Theo đúng tinh thần tổ chức chương trình, đêm nhạc Tan vào Hà Nội đã trao món tiền ủng hộ bé trai hai tuổi mắc bệnh tim - một phần của quỹ từ thiện mang tên An Thuyên và trao tặng tập sách nhạc đầu tiên cho nhạc sĩ Thanh Phúc như dự định của nhạc sĩ An Thuyên lúc sống.
Lam Khuê
Thể thao & Văn hóa
Tags