(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 25/1, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng văn học năm 2018 và kết nạp hội viên mới.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nêu rõ: Việc trao giải và kết nạp hội viên mới hàng năm thu hút sự chú ý đặc biệt của các nhà văn, báo chí và đông đảo bạn đọc. Ban chấp hành đã rất thận trọng bởi đây là những việc lớn trong năm, cần đầu tư công sức và trí tuệ.
Năm 2018, Hội Nhà văn Việt Nam nhận được 208 tác phẩm tham dự giải thưởng của 141 tác giả, trong đó văn xuôi có 67 tác phẩm, thơ có 122, lý luận phê bình là 25 tác phẩm và văn học dịch là 14 tác phẩm. Số lượng tác phẩm dự giải là rất dồi dào, đa dạng, phong phú, chứng tỏ Giải đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các hội viên và tác giả chưa là hội viên.
Hội đồng sơ khảo đã làm việc nghiêm túc, công tâm, tuyển chọn những tác phẩm tốt nhất để trao giải gồm: 3 tác phẩm thơ, 3 tác phẩm văn xuôi, lý luận phê bình 2 và văn học dịch 2. Các tác phẩm tham dự năm nay đều đa dạng về bút pháp, phong phú về nội dung, nhưng để thuyết phục, giành được đa số phiếu của hội đồng giải thưởng thì chỉ có 3 tác phẩm gồm 2 tác phẩm văn học dịch và 1 tác phẩm lý luận phê bình. Mảng sáng tác ở cả 2 thể loại văn xuôi và thơ vẫn chưa có giải thưởng. Đây là năm thứ hai, Giải thưởng văn học của Hội Nhà văn Việt Nam trống hai hạng mục văn xuôi và thơ. Năm 2017, Giải thưởng cũng chỉ trao cho 2 tác phẩm lý luận phê bình và 1 tác phẩm dịch.
Cụ thể: Giải thưởng dành cho tác phẩm lý luận phê bình thuộc về cuốn sách “Văn học Nga hiện đại - Những vấn đề lý thuyết và lịch sử” của tác giả Trần Thị Phương Phương. Đây là công trình nghiên cứu công phu, tập hợp được nhiều nguồn tư liệu quý, có phát hiện mới, tính khoa học cao, giải thích rõ ràng và có tính thuyết phục về những vấn đề văn học Nga đương đại. Công trình được viết với quan điểm lịch sử đúng đắn, thái độ điềm tĩnh trước những vấn đề không đơn giản của 1 thế kỷ văn học Nga…
Dịch thuật năm nay khá được mùa, 2 bản dịch được giải gồm: “Tương lai được viết trên đá cổ” của Phạm Long Quận dịch thơ của nhà thơ Colombia Fernando Rendo; “Hoàng đế” của Nguyễn Chí Thuật dịch tiểu thuyết của nhà văn Ba Lan Ryszard Kapuscniski.
Nhà thơ Fernando Rendo cũng là nhà phê bình lớn của văn học Colombia, ông đã từng sang Việt Nam. Tác phẩm “Tương lai được viết trên đá cổ” là tuyển tập những bài thơ hay nhất của ông, trong đó mảng thơ viết về Việt Nam là phần quan trọng nhất trong tác phẩm này. Thơ của ông không dễ đọc và cũng không dễ dịch, Phạm Long Quận đã có nhiều cố gắng dịch tác phẩm này chính xác, nhuần nhuyễn, giúp người đọc hiểu thêm về một nền văn học lớn trên thế giới.
Ryszard Kapuscniski là nhà văn kiệt suất của Ba Lan, ông cũng là một nhà báo, có tài viết phóng sự văn học. Ông là người đầu tiên ở Ba Lan biến phóng sự thành một thể loại văn chương, xóa nhòa ranh giới hư cấu và phi hư cấu. Năm 2010, Hội đồng thành phố Warszawa (Ba Lan) đã thành lập giải thưởng văn học, báo chí mang tên Ryszard Kapuscniski để tôn vinh di sản văn chương của ông. Tiểu thuyết “Hoàng đế” là tác phẩm thứ 3 của ông đến tay bạn đọc Việt Nam, cũng là tác phẩm đầu tiên của ông gây được tiếng vang lớn trên thế giới. Nguyễn Chí Thuật khi chuyển ngữ đã đạt được nhiều nội hàm của nguyên tác…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh: Kết nạp hội viên mới là vấn đề quan trọng, đòi hỏi thận trọng, kĩ lưỡng và công tâm. Hiện nay, tổng số đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam là 702 người, các hội đồng đưa lên 75 người để Ban chấp hành xem xét, kết nạp gồm cả giới thiệu mới, bảo lưu cũ; đặc biệt ưu tiên các tác giả trẻ nhưng cũng không quên các tác giả có tuổi vẫn dồi dào năng lực sáng tác, chú ý đến các tác giả ở địa phương, tác giả là người dân tộc thiểu số…
Ban chấp hành đã chọn được 35 tác giả để kết nạp mới gồm: Thơ 16 người, văn xuôi 15 người, lý luận phê bình 2 người, văn học dịch 2 người…
TTXVN/Thanh Giang
Tags