(Thethaovanhoa.vn) - Nhà văn Sơn Nam trong cuốn hồi ký Tuổi già có kể một câu chuyện mà tôi đọc lại nhiều lần vì thấy xúc động.
Thời trước 1975, ông ở trong một căn nhà thuê ở quận 8, khu lao động nghèo và nhiều cao bồi du đãng. Ông thuê một người phụ nữ hơn 50 tuổi để dọn dẹp, nấu ăn trong nhà, gốc ở Trà Vinh, không biết chữ.
Ông đối đãi bà tử tế, trưa cho mượn cái máy thu thanh để nghe cải lương. Khi nào dọn cơm ra mà thấy ông ăn ít, bà buồn bực tự trách mình vì nấu không vừa miệng nên “ông thầy” không ăn. Một ngày, bà đắn đo xin ông cho mớ gạo để nấu ba chén cơm cúng đám giỗ mẹ mà bà là đứa con duy nhất. Bà nói có thể xuất tiền mua gạo nấu ba chén cơm cũng được nhưng như vậy phụ lòng tốt của ông.
Được đồng ý, bà lại xin: “Thầy giúp tôi việc này. Chẳng lẽ tôi cúng mẹ tôi ở ngoài sân. Xin thầy cho tôi mượn phía trước mái nhà, tôi cúng ở góc nhà, trong mái, không phải ở giữa nhà. Sợ thầy buồn, cho rằng xui nhà cửa”.
Được cho phép, bà đem mấy cái ghế đẩu dưới bếp đặt trên thềm nhà, cái thì đặt dĩa hủ tíu xào, chén nước mắm. Cái thì ba chén cơm, ba đôi đũa. Trước sân là hai cái ve chai nhỏ cắm nhang và bông vạn thọ.
Khói nhang bay lên, bà lâm râm khấn vái thầm. Lát sau, bà cám ơn ông thầy và nói “Vậy cũng là ấm cúng lắm rồi”!
Bà dọn cho nhà văn chén hủ tíu xào: “ Đây là lộc của mẹ tôi. Hồi nãy, tôi khấn vái vong hồn của mẹ tôi phò hộ cho thầy được hưởng phước lâu dài...”
Vài tháng sau, bà xin nghỉ việc để đi ra chợ Bình Tây giúp đứa cháu bán cháo huyết ngoài lề đường vì chồng cô ấy mới chết. Nhà văn không gặp lại bà Năm nữa. Ông viết là khi có dịp đi ngang vùng quê nghèo của bà ở Trà Vinh, ông nghĩ dễ gì tìm được một người có cái tên khá nhàm là bà Năm. “Thôi thì đành hoài cổ vu vơ, lẩm cẩm”!
Nhà văn Sơn Nam chỉ kể chuyện, không đánh giá, nhận xét gì, nhưng cuối cùng, ông kín đáo bộc lộ sự tiếc nuối và quý mến một người phụ nữ chân chất từng sống cùng mái nhà với ông.
Bà xuất thân từ đồng ruộng miền Nam, vì hoàn cảnh chiến tranh mà dạt lên thành phố làm việc kiếm sống ở nghề bị coi là thấp kém là đi giúp việc nhà, mà có người gọi bằng những từ khinh miệt là “ở đợ”, “con ở”, “con sen”. Bà tự trọng, biết nghĩ cho chủ, không muốn làm phiền chủ nên trăn trở vì dám xin một việc nhỏ nhoi là mượn một góc nhà để cúng mẹ.
Cuối cùng, bà ra đi, để phụ bán cho đứa cháu, cũng là giúp việc nhưng ở ngoài lề đường chứ không phải dưới mái nhà che chắn nắng mưa, ắt hẳn có đồng lương nhưng từ người thân chứ không phải từ thân phận đi làm thuê.
Bà giống như mọi người phụ nữ bình dân, cần kiếm sống tự nuôi bản thân và có thể lo nuôi cả con cháu dưới quê. Bà có thể là mẹ, là chị của bất cứ ai, khiến nhà văn Sơn Nam, một người cũng trôi giạt từ vùng quê Kiên Giang về Sài Gòn, thương cảm và nể trọng vì sự tự trọng và cách cư xử khiêm tốn, chân thành của người nghèo biết lẽ phải.
Phạm Công Luận
Thể thao & Văn hóa Xuân Kỷ Hợi
Tags