(Thethaovanhoa.vn) - Hội Sách mùa Thu 2016 đã khai mạc tại Hà Nội vào sáng 9/9 vừa qua. Về quy mô,có thể coi đây là một trong những Hội sách thường niên lớn nhất phía Bắc, với hơn 70 gian hàng và 60 đơn vị xuất bản.
Chắc chắn, cũng như các hội chợ sách khác, vốn đang được tổ chức khá thường xuyên tại Hà Nội, sự kiện này sẽ không hề vắng người tham dự. Chỉ trong sáng thứ Sáu 9/9, theo quan sát của người viết, khá đông độc giả trẻ đã tìm đến với Hội sách, thay vì chờ tới 2 ngày nghỉ cuối tuần.Nhưng, lượng người đông và cả lượng sách bán ra nhiều ở mỗi hội chợ sách vẫn là nguyên cớ cho một cuộc tranh cãi muôn thủa: thực trạng của văn hóa đọc bây giờ.
Bởi, tùy theo góc nhìn, có những người lạc quan trước cảnh nườm nượp xem sách và mua sách ấy. Và, cũng có những ý kiến khác, cho rằng văn hóa đọc không thể chỉ căn cứ vào lượng người đổ đến các ngày hội xuân thu nhị kỳ, theo tâm lý vừa đi chơi, vừa mua sách nếu có...hứng.
Các bạn trẻ hào hứng tìm sách đọc tại Hội Sách mùa Thu 2016 . Ảnh: Vietnamnet
Sự khắt khe của ý kiến ấy hướng tới chất lượng sách, cũng như sự "tự giác" đọc của mỗi độc giả, khi hệ thống giải trí đa phương tiện đang ở giai đoạn phát triển cực thịnh.
Cần nhắc lại, vài năm trước, trong một hội thảo chuẩn bị cho sự ra đời của "Ngày đọc sách Việt Nam", một thống kê đã được đưa ra: lượng sách được đọc nhiều nhất là truyện tranh (60% số người được hỏi), truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%). Hoặc, ngoài lượng sách văn học, trong số sách văn hóa- xã hội được bán ra thì một lượng rất lớn thuộc về mảng tử vi, tướng số, phong thủy...
Hoặc, theo thông số gần đây nhất của ngành xuất bản, tỷ lệ sách xuất bản tính theo đầu người của chúng ta hiện đạt khoảng 4 cuốn sách/người/năm. Trong khi đó, ở những quốc gia có nền văn hóa đọc "kha khá", con số này ít nhất cũng đạt tới 15 cuốn sách cho mỗi đầu người.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta lại sa vào một cuộc tranh cãi đôi khi mang đậm màu sắc cảm tính, rằng văn hóa đọc đang... yếu tới mức nào. Đơn giản, hãy ý thức rõ: việc tổ chức hội chợ sách, cũng như bán sách, cũng chỉ là một nỗ lực trong rất nhiều nỗ lực cần làm, để phát triển thói quen đọc sách và tiếp nhận tri thức của mỗi công dân.
***
Nhưng nhìn lại, nếu coi mỗi Hội sách là dịp để khảo sát về "bộ mặt" của giới xuất bản, hẳn chúng ta vẫn có thể vui khi nhìn về những điều tích cực.
Một thông tin cần chú ý tại Hội sách năm nay: đây là sự kiện được tổ chức hoàn toàn bằng nguồn vốn xã hội hóa, thay vì "bao cấp" toàn bộ hoặc một phần từ Nhà nước. Sự thực, những hội sách "xã hội hóa" như vậy đã từng xuất hiện tại Hà Nội, nhưng đều chưa đạt tới quy mô lớn và thu hút các nhà sách có tiếng.
Thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho sách, theo một nghĩa nào đấy, cũng bắt nguồn từ một thực tế về sức hút đang có của lĩnh vực tưởng như "xa xỉ" này, trong nhịp sống hiện đại. Và, ở một góc độ khác, đó cũng là sự thay đổi trong cách nhìn nhận, đánh giá của ngành quản lý với những đơn vị tư nhân đang tham gia làm sách.
Chỉ vài năm trước, chia sẻ với Thể thao &Văn hóa (TTXVN), Giám đốc một Nhà sách kể rằng ông và "anh em trong giới" cảm thấy vui khi được ngành quản lý xuất bản mời gặp một cách rất trọng thị trước khi Hội sách diễn ra. Để rồi, tới câu chuyện của bây giờ, hẳn giới làm sách tư nhân đã phần nào bớt đi sự "tủi thân" mà họ thường nhắc, về thân phận... con nuôi khi nhìn sang cách đối xử mà các đơn vị xuất bản nhà nước đang nhận được.
Hoặc, ở một góc độ khác, bên cạnh sự "chuyên nghiệp" thấy rõ về tiếp thị, về tổ chức sự kiện hoặc tặng quà ở Hội Sách lần này, nhiều độc giả lâu năm cũng gặp một bất ngờ thú vị, khi thấy có những Nhà sách vốn chỉ "chuộng" các dòng sách ngôn tình, văn học mạng.... trước đó lại mở rộng dòng sách sang lĩnh vực văn học cổ điển, với những tác phẩm của Victor Hugo, Hemingway, Charles Dickens hay cả văn học Nga thời Xô viết...
Đôi khi, sa vào những tranh cãi theo kiểu định lượng, chúng ta lại bỏ quên một thực tế rằng bản thân mọi lĩnh vực văn hóa đều có sự biến đổi, sàng lọc và hoàn thiện dần theo thời gian như thế....
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Tags