Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 5/5/2022), chiều 25/4, tại Nghệ An, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học "Đồng chí Phan Đăng Lưu với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An".
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An; đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Phan Đăng Lưu; các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương dự hội thảo.
Hội thảo nhằm ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang của đồng chí Phan Đăng Lưu, người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Nghệ An đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; bày tỏ sự tri ân sâu sắc của các thế hệ hôm nay đối với những cống hiến của đồng chí trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh cao đẹp của một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902, tại thôn Đông, xã Tràng Thành, nay là xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà Nho giàu truyền thống ưu nước. Năm 1925, đồng chí đã tham gia phong trào đấu tranh yêu nước và được kết nạp vào Hội Phục Việt - tổ chức sau đó có các tên gọi khác là Hội Hưng Nam, Việt Nam Cách mạng Đảng, Tân Việt Cách mạng Đảng, rồi phát triển thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với 39 năm tuổi đời, 16 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí đã hiến dâng trọn cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, để lại hình ảnh cao đẹp của một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng ôn lại thân thế, sự nghiệp của đồng chí Phan Đăng Lưu: Kế thừa truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất của quê hương, gia đình; chứng kiến nỗi cực khổ, lầm than của người dân dưới ách thống trị của chế độ thực dân phong kiến, đồng chí đã sớm hình thành ý chí cứu nước, cứu dân.
Đồng chí đã hai lần bị thực dân Pháp bắt giam và dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt, dụ dỗ, tra tấn dã man. Khi bị kết án khổ sai đày lên nhà tù Buôn Ma Thuột, đồng chí được chi bộ Đảng ở đây kết nạp vào Đảng và tham gia ban lãnh đạo nhà tù. Đồng chí đã hăng hái tham gia tổ chức các cuộc đấu tranh của tù nhân chống lại chế độ lao tù phản động; khéo léo tổ chức viết kiến nghị, viết báo đưa thông tin, tố cáo những chính sách tàn bạo của bọn cai ngục ra công chúng rộng rãi, tạo thành dư luận mạnh mẽ lên án chế độ nhà tù, khiến bọn cai ngục phải thực hiện cải thiện phần nào chế độ sinh hoạt của tù nhân.
Những năm tháng bị giam cầm tại nhà tù là môi trường đặc biệt để đồng chí đi tiên phong cùng với các chiến sỹ cộng sản kiên trung khác thể hiện tài trí và nghệ thuật đấu tranh trong tù, khôn khéo giữ bí mật về tổ chức Đảng và phong trào cách mạng, biến lao tù đế quốc thành trường học cách mạng. Khi bị đích bắt lần thứ hai, bị tòa án thực dân kết án tử hình, thời gian trong xà lim án chém, đồng chí vẫn một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản, trở thành tấm gương sáng về ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù, với tinh thần Phan Đăng Lưu "Còn sống còn chiến đấu, còn hơi thở, còn xây dựng Đảng".
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, năng lực tổ chức tài tình, đồng chí Phan Đăng Lưu đã chỉ đạo phát huy rất hiệu quả vai trò của báo chí cách mạng, đưa báo chí trở thành công cụ sắc bén trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức lực lượng đấu tranh. Đồng chí vừa là nhà tổ chức, chỉ đạo công tác báo chí cách mạng, vừa là cây bút sắc sảo, một chiến sỹ tiên phong trên mặt trận báo chí, với nhiều bài viết tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, khơi dậy tinh thần yêu nước, động viên, hướng dẫn nhân dân đấu tranh chống bọn thực dân đế quốc, bọn phản động thuộc địa.
Trước tình hình hầu hết các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương bị thực dân pháp bắt trong nửa đầu năm 1940, nhiều đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ chủ trương tiến hành khởi nghĩa, đồng chí Phan Đăng Lưu là một trong những người sớm nhận thức được yêu cầu phải khẩn trương tổ chức tái lập Ban Chấp hành Trung ương và ngăn cuộc khởi nghĩa nổ ra khi thời cơ chưa chín muồi.
Với sự phân tích sâu sắc điều kiện để khởi nghĩa, tương quan lực lượng giữa ta và địch, đồng chí đã kiên trì đề nghị hoãn cuộc khởi nghĩa, chờ ý kiến chính thức của Trung ương. Đồng chí đã lên đường ra Bắc, tham gia tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1940. Hội nghị đã cử ra Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) làm Quyền Tổng Bí thư và quyết định hoãn cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Đây là những quyết định in đậm vai trò, tri thức sắc sảo và cống hiến của đồng chí Phan Đăng Lưu đối với sự nghiệp cách mạng, khắc họa sinh động chân dung một cán bộ lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam.
Nhấn mạnh đồng chí Phan Đăng Lưu là tấm gương người cộng sản mẫu mực, phấn đấu, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Sớm mang trong mình tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc, mặc dù đã có một công việc ổn định trong bộ máy chính quyền thực dân, điều không dễ có được trong bối cảnh xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, song đồng chí đã chọn con đường tranh đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân - một con đường đầy chông gai, thử thách, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Đồng chí là tấm gương tiêu biểu của một người thanh niên trí thức yêu nước nhiệt thành đã từ bỏ con đường mưu cầu danh lợi cá nhân để đến với lý tưởng cộng sản cao đẹp và trở thành một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng.
Những năm tháng bị giam cầm, đày ải trong nhà tù đế quốc, đồng chí vẫn luôn kiên trung, giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần bất khuất trước những âm mưu dụ dỗ, những đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù và trở thành hạt nhân đoàn kết, tổ chức tù nhân đấu tranh chống chế độ lao tù phản động, đồng thời là hình ảnh tiêu biểu về tinh thần không ngừng học tập, rèn luyện ý chí, bản lĩnh cách mạng.
Người con ưu tú của quê hương Nghệ An
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Sinh ra, lớn lên ở một miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, bất khuất của dân tộc, đồng chí Phan Đăng Lưu đã sớm kế thừa, phát huy những giá trị quý báu của vùng đất, con người Nghệ An để hình thành nên ý chí cứu nước, cứu dân, trở thành nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu của Đảng và Cách mạng Việt Nam. Bằng những hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã góp phần làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Quê hương xứ Nghệ rất đỗi tự hào đã sinh ra những người con ưu tú của dân tộc, trong đó có đồng chí Phan Đăng Lưu là một danh nhân cách mạng tiêu biểu.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nêu rõ: Trong tiến trình dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam, Nghệ An là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng. Từ mạch nguồn của truyền thống đó đã sinh ra, nuôi dưỡng nhiều người con ưu tú, có nhiều đóng góp công trạng vẻ vang cho đất nước, làm rạng rỡ quê hương Nghệ An. Đồng chí Phan Đăng Lưu là một trong những tên tuổi tiêu biểu đó.
Đối với quê hương, mặc dù thời gian hoạt động ở Nghệ An không nhiều, nhưng đồng chí Phan Đăng Lưu đã có những đóng góp rất quan trọng cho phong trào cách mạng của quê nhà, nhất là việc tiếp tục xây dựng, củng cố cơ sở cách mạng, làm tiền đề cho thắng lợi về sau.
Phát huy truyền thống của quê hương Xô Viết, học tập tấm gương người cộng sản bất khuất, kiên trung Phan Đăng Lưu, Đảng bộ, nhân dân Nghệ An đã không ngừng nỗ lực vươn lên đạt được nhiều thành tựu trong phát triển. Đặc biệt, hơn hai năm qua, trước ảnh hưởng và tác động của đại dịch COVID-19, Đảng bộ, nhân dân Nghệ An đã phát huy cao độ tinh thần đoàn kết, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nỗ lực duy trì, khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội.
- Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia về Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
- Hội thảo khoa học 'Danh nhân Phan Văn Trị - Một thế kỷ nhìn lại'
- Hội thảo khoa học 'Sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử Chợ Mới 320 năm'
Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 6,2%, quý I/2022 đạt 6,52%; thu ngân sách đạt trên 19.500 tỷ đồng, vượt xa dự toán được giao năm 2021. Việc xây dựng nông thôn mới tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, toàn tỉnh đã có trên 300 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 73%. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ. Quốc phòng, an ninh được giữ vững. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng lên, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện trong giai đoạn tới.
Hội thảo đã nhận được nhiều báo cáo, tham luận của đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành ở Trung ương, một số địa phương và các nhà khoa học, đại diện gia đình, dòng họ đồng chí Phan Đăng Lưu. Có thể kể đến một số báo cáo, tham luận, như: “Đồng chí Phan Đăng Lưu với tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng”, “Đồng chí Phan Đăng Lưu với phong trào cách mạng Nghệ An”, “Đồng chí Phan Đăng Lưu với Xứ ủy Nam Kỳ, Đảng bộ Sài Gòn, Chợ Lớn – Gia Định”, “Hoạt động và đóng góp của đồng chí Phan Đăng Lưu trong quá trình khôi phục Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, “Đồng chí Phan Đăng Lưu với phong trào cách mạng Việt Nam giai đoạn 1939 – 1941”...
Trước đó, sáng 25/4, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cùng đoàn đại biểu dự hội thảo đã về dâng hương, dâng hoa tưởng niệm đồng chí Phan Đăng Lưu, tại Nhà tưởng niệm ở xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.
Nguyễn Văn Nhật/TTXVN
Tags