Hôm nay lễ tang nhà văn Tô Hoài: Tô Hoài trong vùng hoài nhớ

Thứ Năm, 17/07/2014 07:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Tô Hoài là nhà văn Hà Nội, ông thường được nhắc đến, tôn vinh như thế. Song, tầm vóc Tô Hoài không chỉ gắn với những địa danh.

1. Tôi từng gọi nhà văn Tô Hoài là "ông Dế mèn". Nhà ông chỉ có mảnh vườn nhỏ trong sân, với cỏ cây, côn trùng bé nhỏ. Thực tế, Tô Hoài chỉ có mảnh vườn rất bé, song tâm hồn ông là khu vườn xanh tươi, có cả đại ngàn.

Sự đồ sộ trong hệ thống tác phẩm, đề tài hoạch định độ trường vốn của một cây bút đáng nể, bằng sức viết dồi dào, đã để lại gia tài văn chương quý giá. Chủ gia tài ấy, lại sở hữu tài sản - vật chất thế nào, chắc chẳng nhiều người biết?


Đôi bạn Nguyễn Huy Tưởng - Tô Hoài (trái) tại chiến khu Việt Bắc. Ảnh do BTV Nguyễn Huy Thắng cung cấp

Tôi đến thăm gia quyến nhà văn ngay sau ngày ông qua đời. Qua cổng sắt cũ, có 2 lối vào nhà. Rẽ tay phải là thư phòng của nhà văn, đi thẳng là vào phòng khách của con gái. Căn hộ có 5 buồng, 2 lớn 3 nhỏ, trần thấp, đồ đạc đều cũ, 2 tủ gương hai buồng giống nhau. Phòng khách đặt ti vi Sony màn hình phẳng đời cũ, máy tính Nec rất cũ, dùng để cô Hà đọc báo; phòng nhà văn nghỉ có ti vi Samsung 15 inch lỗi mốt 20 năm, quạt cây Mitsubishi, đồng hồ treo tường để trên kệ ti vi gần máy điện thoại bàn, in dòng chữ: "Bộ môn Dịch tễ học quân sự, Học viện Quân y 21/6/1962-1997" - vậy là nó được biếu từ 17 năm trước…

Đã 3 năm nay, kể từ bài Tết cho báo An ninh Thế giới, Tô Hoài không viết thêm được gì. Thỉnh thoảng, con gái đưa bút cho ông tập ký tên trên giấy cho đỡ cứng tay. Lần chót ông ký được là tháng 6/2013. Dịp Tết Giáp Ngọ, Tô Hoài không khai bút nổi, dù chỉ 1 chữ ký - ông nằm viện gần 1 tháng tới 29 Tết mới về. Thế nên, thư phòng chỉ là nơi ông ngồi hóng gió buổi chiều, con gái không dám đẩy xe đưa bố ra phố gần nhà, có chợ, có trường đông vui, vì ngại đường xóc.

Đầu tháng 6, ông còn huýt sáo theo anh giúp việc, vậy mà cuối tháng 6 tới khi mất, ông phải ăn bằng ống xông. Cuối đời, ông Dế mèn không thể ra mảnh vườn của mình. Cây cối vẫn xanh dù đất hẹp, chờ ông.

Biết bố thích mít mật, cô Hà gieo hạt từ hồi về Nghĩa Tân, cây tốt um, cao điểm cho 36 quả. Ông chủ ốm, hay vì thiếu nước, chật vật sống qua mái quán, cây mít ít quả dần, khế, dừa cảnh, mai tứ quý, quất, hồng, 2 chậu lan trước cổng, cây ngâu vươn bờ tường nở hoa vàng, vẫn gợi ông nhớ về Hà Nội nhiều cây - hồ, những cánh rừng ngút mắt.

2. Ở Tô Hoài, tài kể chuyện lấy nền từ thực tế, ông khiến mọi người tin khi đọc sách của ông, vì những hình ảnh, con người vùng đất ấy thuyết phục từng chi tiết và vì ông hầu hết đều sử dụng tên địa danh thực. Ông cũng cho truyện cổ tích sức sống mới khi viết bằng phong cách Tô Hoài.

Chàng trai Nguyễn Sen đi vào lịch sử văn học từ truyện dài đầu tiên Dế mèn phiêu lưu ký, với bút danh Tô Hoài. Ông vào nghiệp cầm bút say sưa, đi nhiều, chăm ghi chép, viết khỏe. Lúc thì làm báo Cứu quốc trên Việt Bắc (1945 - 1952), lúc lại về Phú Thọ, khi là đội phó cải cách ruộng đất.

Lễ tang nhà văn Tô Hoài được tiến hành tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc Phòng (5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) từ 7h30 đến 10h hôm nay 17/7. Sau đó linh cữu được đưa đến an táng tại Nghĩa trang Thanh Tước (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội).
Theo nhà báo Nguyễn Phương Vũ, con trai út của nhà văn: "Tô Hoài là giám đốc đầu tiên của NXB Tác phẩm mới, Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau vụ Nhân văn giai phẩm, Tô Hoài xuống làm phó, Tổng thư ký là Nguyễn Đình Thi. Làm gì, bố tôi cũng chú ý quan tâm lớp trẻ, các cây bút triển vọng. Ông sáng lập ra Hội Văn nghệ Hà Nội 50 năm trước, là Chủ tịch đầu tiên và lâu nhất, tính đến nay".

Uy tín tác giả, khả năng quản lý văn nghệ còn cho ông "ngả đường" làm chính trị, với cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban đoàn kết các nước.

Nhiều năm rồi, không đi đâu được, Tô Hoài để tâm hồn chu du miền núi, từ Hà Nội xưa cũ của ông.

Hà Nội của Tô Hoài gồm những phố cũ đường xưa với dân buôn bán nghèo, các phiên chợ cổ như chợ Bưởi, các làng hoa, phố khách. Từ sự mẫn cảm với thân phận lam lũ, thua thiệt, ông nhận ra và che chở cho tầng lớp cay cực như Mỵ ở Hồng Ngài, A Phủ ở Tà Sùa. Họ thương cảm, yêu nhau và trốn khỏi chủ độc ác, về Phiềng Sa theo cách mạng.

Văn chương Tô Hoài dành cho thị dân áo ngắn - giới cần lao của Hà Nội, là người ngoại ô, tứ xứ đổ về làm ăn nơi đô thành..

Trong vòng luân hồi của vạn vật, tôi tin mọi nhân duyên đều như được tạo hóa "sắp đặt", như Tô Hoài có duyên với miền núi, dù là người Hà Nội. Tô Hoài khi viết về Kim Đồng - người thiếu niên quê hương Cao Bằng anh hùng, về Mỵ và A Phủ Tây Bắc, đặc sắc Chuyện cũ Hà Nội với mỹ tục áp Tết, về Cây Hồ Gươm..., đã nhớ những vùng đất ông mến thương từ khi chúng còn đẹp nguyên lành.

Tìm lại Hà Nội cũ, Hà Nội Kẻ Chợ không chỉ qua sách sử, mà có thể tìm thấy ở tác phẩm của Tô Hoài. Và giờ đây, Tô Hoài đã qua đời, nhưng tác phẩm của ông vẫn sống trong nỗi nhớ của đông đảo người đọc trong nước và quốc tế.

Ông từng được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội 2010… để ghi nhận những cống hiến của ông. Song tôi cho rằng, giải thưởng lớn nhất là văn ông trẻ mãi, được nhận ra, dù ông không cần ký Tô Hoài.

Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›