(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay (21/2), tang lễ của nhà nghiên cứu, soạn giả sân khấu Mịch Quang được tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng (Hà Nội).
Trước đó, tối 14/2, ông đã qua đời tại nhà riêng, hưởng thọ 101 tuổi.
Sinh ngày 1/5/1917 tại Bình Định – cái nôi của nghệ thuật Tuồng, soạn giả, nhà nghiên cứu Mịch Quang (tên thật Nguyễn Thế Khoán) tham gia cách mạng từ năm 1945 và đã có hơn 70 năm cống hiến cho lĩnh vực sân khấu, đặc biệt với loại hình tuồng.
Ở lĩnh vực sáng tác, Mịch Quang được biết đến với hàng chục kịch bản sân khấu, như: Đường về Lam Sơn, Bà mẹ làng Sen, Má Tám, Hộp truyền đơn, Vua Hùng kén rể, Giấc mộng hồ hoa... Ông còn ghi dấu ấn với các công trình nghiên cứu: Tìm hiểu nghệ thuật Tuồng (năm 1963), Âm nhạc và sân khấu kịch hát dân tộc (1995), Khơi nguồn mỹ học dân tộc (2003)...
Đặc biệt, Mịch Quang là nhà nghiên cứu Việt Nam đã nêu ra một số lý thuyết có tính phổ quát được giới nghệ thuật học quốc tế quan tâm. Nhờ các công trình nghiên cứu và hơn 80 tiểu luận đăng trên các tạp chí của ông, khát vọng xây dựng hệ thống lý luận cơ bản của nghệ thuật dân tộc, phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc từng bước được hiện thực hóa.
Với những cống hiến lớn lao cho sân khấu nước nhà, nhà nghiên cứu Mịch Quang được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật 2017.
Sơn Tùng
Tags