Việc cho con tham gia các lớp tiền Tiểu học để “biết đọc, biết viết” trước khi vào lớp 1 đã trở thành xu hướng của nhiều gia đình, đặc biệt từ khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Trước thềm năm học mới, thông tin về hơn 52.000 học sinh lớp 1 trên cả nước xếp loại “chưa hoàn thành” trong năm học vừa qua càng làm phụ huynh lo ngại về việc nếu không cho con học trước sẽ khó theo kịp chương trình lớp 1 hiện nay.
Chạy đua cho con học trước chương trình
Chị Phạm Bích Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội) có con trai sinh năm 2017, tháng 9 này sẽ bước vào lớp 1. Nghe các phụ huynh truyền tai nhau về việc môn Tiếng Việt ở lớp 1 trong chương trình mới được đánh giá “nặng” hơn so với trước đây, chị đã cho con đi học thêm với giáo viên Tiểu học từ khi bắt đầu học lớp mẫu giáo 5 tuổi. Đến nay, con chị đã gần như học hết chương trình lớp 1. Chị chia sẻ: “Việc cho con học để biết đọc, biết viết trước hiện khá phổ biến. Lớp con tôi chỉ có một vài bạn chưa đi học thêm thôi. Ở tuổi này, các con còn mải chơi, hay quên nên học trước cho chắc còn hơn vào năm học, mẹ con lại “đánh vật” với nhau mỗi tối để kèm con ôn bài”.
Chia sẻ về chính trải nghiệm của gia đình mình cách đây vài năm, chị Nguyễn Thị Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: Con gái lớn sinh năm 2014 là lứa đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông mới. Do không được học trước, khi vào học, con bị “đuối” hơn các bạn trong lớp. Từ việc học vần đến cách viết, mỗi kỹ năng, con đều mất nhiều thời gian hơn nên cảm thấy tự ti, “sợ” học. Tôi đã phải rất vất vả để đồng hành cùng con trong suốt năm học lớp 1. Rút kinh nghiệm từ đó, năm nay con thứ hai vào lớp 1, ngay sau Tết Nguyên đán, tôi đã gửi con đến học ở nhà một giáo viên Tiểu học để cô kèm cặp cho yên tâm hơn”.
Đã nhiều năm dạy lớp 1, cô Nguyễn Quỳnh Anh, giáo viên một trường Tiểu học tại Hưng Yên chia sẻ: Những năm gần đây, đa phần các lớp cô chủ nhiệm có khoảng 80% học sinh đã đi học thêm từ mùa hè. Các con đã được học viết hết bảng chữ cái và ghép vần đơn giản. Đối với sách giáo khoa mới, ưu điểm là kênh hình nhiều, sách đẹp nhưng một số bài học còn quá tải, riêng bài vần có buổi học sinh phải học đến bốn vần nên phụ huynh có phần lo lắng. Tuy nhiên, dù học sinh đã học trước hay chưa, trách nhiệm của giáo viên vẫn phải đảm bảo dạy đủ thời gian, dung lượng kiến thức, giúp các con hoàn thành chương trình. Kết thúc năm lớp 1, các con đều phải biết đọc, biết viết để việc học tập thuận lợi hơn trong các năm tiếp theo.
Đề cập đến vấn đề đánh giá học sinh, dẫn chứng một trường hợp ở năm học trước, cô Quỳnh Anh cho biết: Có một học sinh từ tỉnh khác chuyển về, xin vào trường học lớp 2. Ở trường cũ, con đã được đánh giá hoàn thành chương trình lớp 1 và được xếp lên lớp 2, kết quả học tập của con đã được cập nhật lên hệ thống dữ liệu chung. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế, học sinh đó chưa biết đọc. Giáo viên chủ nhiệm phải xin với nhà trường cho con ngồi nhờ xuống lớp 1 để học bổ trợ, trong khi danh sách vẫn ở lớp 2. Qua đây, cô Quỳnh Anh cho rằng, việc đánh giá thực chất học sinh lớp 1 là rất quan trọng nhằm tránh học sinh “ngồi nhầm lớp”. Nếu không đọc thông viết thạo, các con sẽ rất vất vả khi tiếp cận kiến thức ở các lớp trên.
Rèn luyện thể lực, tinh thần, kỹ năng quan trọng hơn dạy kiến thức
Sau 3 năm triển khai chương trình, sách giáo khoa mới đối với lớp 1, về phía nhà trường, cô Huỳnh Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đánh giá nội dung chương trình phù hợp với hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Chương trình chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực nên giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học. Từ chỗ đã quen với việc dạy học cung cấp kiến thức, nay chuyển sang dạy học kiến thức ấy để phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Theo cô Huỳnh Thị Hương, chương trình mang tính thực tiễn rất cao, giúp học sinh biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề gắn với thực tiễn. Tức là các em phải được thực hành, xóa bỏ rào cản tâm lý chán học. Ngoài ra, để học sinh khắc phục được rào cản về tâm lý, trong kiểm tra, đánh giá, giáo viên không tạo ra áp lực về điểm số mà sử dụng đánh giá bằng nhận xét, cho học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau… Bên cạnh đó, để học sinh nắm bắt được kiến thức tốt nhất, nguyên tắc đầu tiên là giáo viên phải dạy học phân hóa theo đối tượng. Nghĩa là, giáo viên phải dạy học phù hợp theo từng đối tượng học sinh và đổi mới phương pháp dạy học.
Những khó khăn bước đầu khi triển khai dạy học chương trình mới đã được cô - trò Trường Tiểu học Lý Thái Tổ khắc phục qua từng tiết học. Đối với việc tổ chức dạy - học, nhà trường có nhiều chuyên đề nâng cao kỹ năng cho giáo viên. Trường chủ trương sử dụng, tổ chức dạy học trên nền tảng các phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học vốn có; đồng thời kết hợp thêm các phương pháp và kỹ thuật dạy học hiện đại nhằm đảm bảo yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Với mỗi gia đình, trẻ vào lớp 1 là niềm vui lớn, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong tuổi thơ của con. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, nhiều phụ huynh có những băn khoăn, lo lắng, thậm chí gây áp lực sang con trẻ, khiến trẻ sợ hãi khi chuẩn bị lên lớp 1. Trước việc nhiều phụ huynh cho con đi học thêm các lớp luyện viết, luyện đọc từ rất sớm, cô Hương chia sẻ: Cá nhân tôi thực sự không khuyến khích các con tập viết hay học trước quá sớm. Việc học trước khi con trẻ chưa phù hợp về lứa tuổi, thể chất dễ dẫn đến lệch lạc về tư thế ngồi, nét chữ, tay cầm bút… mà việc sửa lại những “điểm lệch chuẩn” đó còn khó khăn hơn là dạy mới.
Trong chương trình giáo dục mầm non, việc giáo dục ngôn ngữ và hiểu khái niệm sơ đẳng về toán học đã được thực hiện cho trẻ từ 4 - 6 tuổi. Vì vậy, ngay từ mầm non, các con đã có hành trang về chữ cái và số để dễ dàng tiếp cận chương trình học mới. Các con không nhất thiết phải học trước để biết đọc, biết viết trước. Điều này khiến nhiều học sinh chủ quan, chán học, ít hứng thú khi học cùng các bạn.
Cô Hương cho rằng, thay vì đi học để biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1, các bậc phụ huynh nên cho con rèn kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng điều chỉnh tư thế khi chuyển từ hoạt động chơi (là chủ yếu) sang hoạt động học. Với học sinh chuẩn bị vào lớp 1, rèn luyện thể lực, tinh thần quan trọng hơn rất nhiều dạy kiến thức. Không học trước gì tốt hơn bằng học trước giao tiếp với bạn bè, thầy cô. Cùng với đó, khi trẻ biết tự chăm sóc bản thân, biết tự bảo vệ, tự học thông qua hoạt động, thông qua trò chơi, trẻ sẽ tự chủ, sáng tạo và lĩnh hội tri thức tốt nhất. Vì vậy, các bậc cha mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1 hãy thả lỏng, tin tưởng ở con, ở thầy cô và nhà trường, để xây dựng niềm yêu thích, hứng thú trong học tập cho con sẵn sàng bước vào lớp 1.
Tags