(Thethaovanhoa.vn) - “Thiên ngoại hữu thiên” - ngoài trời lại có trời. Triết lý ấy không chỉ tồn tại xuyên suốt trong thế giới võ hiệp của Kim Dung, mà còn đúng với chính những thế hệ bạn đọc của ông. Ở đó, theo thời gian, mỗi lớp độc giả lại có một cách thưởng thức và say mê “chưởng Kim Dung” riêng, phong phú tới mức luôn vượt khỏi trí tưởng tượng của người yêu sách.
- Vĩnh biệt huyền thoại truyện võ hiệp Kim Dung: Những bước chân của Kim Dung trên đất Bắc
- Những tác phẩm nổi tiếng nhất của tiểu thuyết gia Trung Quốc Kim Dung
- Những bóng hồng trong cuộc đời tiểu thuyết gia Kim Dung
1. Chưa có thống kê chính xác, nhưng ghi chép của những cây bút miền Nam trước 1975 đều cho rằng: cột mốc đánh dấu “cơn sốt Kim Dung” đầu tiên tại Việt Nam là năm 1961, khi báo Đồng Nai bắt đầu cho in Cô gái Đồ Long (Ỷ thiên Đồ Long ký) dưới dạng đăng từng kỳ.
Dịch giả Tiền Phong (Từ Khánh Phụng) tự đặt cái tên ấy đơn giản bởi suy nghĩ: “Tiểu thuyết mà chỉ có đao kiếm thì không hấp dẫn, cần có tên phụ nữ, ái tình ân thù… cho mùi mẫn”. Ông không ngờ, vài chục năm sau, các độc giả mê truyện vẫn nháo nhác cãi nhau: Cô gái Đồ Long cuối cùng là… cô gái nào trong các nhân vật nữ.
Sự xuất hiện của các kỳ Cô gái Đồ Long gây ra một hiệu ứng khủng khiếp với độc giả từ tầng lớp bình dân tới trí thức tại miền Nam. Người người, nhà nhà mua báo, lượng phát hành của Đồng Nai tăng vọt. Năm 1961 ấy cũng là thời điểm Kim Dung đang viết dở Ỷ thiên Đồ Long ký trên một tờ nhật báo Hong Kong. Đăng hết phần “nguội”, ngày ngày dịch giả Từ Khánh Phụng cho con ra phi trường nhận báo từ Hong Kong gửi về, để dịch tiếp.
Như lời bạn bè kể, để kịp tiến độ, dịch giả này dịch luôn bằng miệng, còn phần chữ được bạn ông chép lên giấy. Do vậy, văn phong của Cô gái Đồ Long ít nhiều mang màu sắc văn nói. Nhưng, cũng từ cách dịch ấy, nhiều cụm từ của ông đã kịp “đóng đinh” vào đầu độc giả mê kiếm hiệp suốt sau này: thổ ra một búng máu tươi, rửa tay gác kiếm, một trường mưa máu gió tanh…
Trước Cô gái Đồ Long, một vài đầu sách của Kim Dung cũng đã được dịch trên các báo miền Nam. Nhưng phải từ trường hợp này, cơn sốt dịch Kim Dung tại miền Nam mới được đẩy lên đỉnh điểm. Chỉ riêng dưới tay Hàn Giang Nhạn - dịch giả được coi là xuất sắc nhất về tiểu thuyết Kim Dung, hơn chục đầu sách đã ra đời, với tổng số 102 tập sách.
Đáng nói, năm 1967, khi cơn sốt Tiếu ngạo giang hồ nổi lên sau Cô gái Đồ Long, cảnh chen chúc chờ bản thảo của các đầu báo Sài Gòn lại tái diễn ở nhà dịch giả Hàn Giang Nhạn. Theo lời kể, khi ấy, dịch giả ngồi trên gác, đọc và dịch thẳng từng kỳ Tiếu ngạo giang hồ từ nhật báo Hong Kong.
Bản dịch được lót 10 tờ giấy pelure và 9 tờ giấy than, phía dưới gác là cả chục ông tuỳ phái của các báo ngồi đợi. Viết xong, bản dịch được phân phát, những ai thiếu may mắn lấy phải bản lót sâu phía dưới chỉ còn cách đem về vừa đọc vừa đoán ý. Bởi thế, có ngày, Tiếu ngạo giang hồ cùng xuất hiện trên các đầu báo với những câu chữ rất khác nhau…
Như nhận xét của nhà văn Vũ Bằng trong Bốn mươi năm nói láo: “ Hai chữ Kim Dung thành ra thần tượng ở nước ta bắt đầu từ đó. Dịch tiểu thuyết Kim Dung thành ra một cái... dịch, báo nào đăng nhiều truyện Kim Dung thì chạy, báo nào không có thì ế, vì độc giả mê Kim Dung quá, ngồi đâu người ta cũng bàn tán với nhau về Kim Dung”.
Theo lời Vũ Bằng, những năm ấy, có không ít độc giả làm những cử chỉ tưởng như có thể mang vinh dự cho báo này hay báo nọ: họ đến sạp báo hỏi mua một tờ và giựt lấy đọc lia lịa một hồi. Trả tiền xong, người đọc biếu luôn tờ báo cho sạp rồi đi. Hóa ra, họ mua báo chỉ đọc thật nhanh cho thật "đã" truyện chưởng của Kim Dung rồi thôi, không cần đọc gì khác nữa.
2. Sau năm 1975, một cách tất yếu, chưởng Kim Dung vắng bóng trên thị trường. Thế nhưng, như một dòng chảy ngầm, theo chân những người có dịp vào Nam công tác, khá nhiều cuốn sách của ông đã từng bước, từng bước “Bắc tiến” ra Hà Nội.
Một trong những cái tên vẫn được truyền tụng về việc sở hữu “thư viện chưởng Kim Dung” khi ấy là cố nhà văn Hà Ân. Trong đợt công tác tại Sài Gòn, có dịp “bén duyên” với Kim Dung, tác giả chuyên viết chuyện lịch sử này đã hì hục tìm cách khuân ra Hà Nội dăm bảy bộ Anh hùng xạ điêu, Tiếu ngạo giang hồ, Thần điêu đại hiệp…
Tiếng lành đồn xa, căn nhà nhỏ trên phố Nguyễn Quang Bích của ông trở thành nơi để các bạn văn ghé qua thưởng thức món “bảo vật” này. Nhiều người kể: nể một nhà văn nổi tiếng vẫn được coi là “tửu thánh” ở phía Bắc, cụ Hà Ân cho mượn về nhà bộ Tiếu ngạo giang hồ. Khi nhận lại sách, ông vừa bực, vừa buồn cười khi mấy trang sách của đoạn luận về rượu giữa Lệnh Hồ Xung và Tổ Thiên Thu đã bị “tửu thánh” xén đi để giữ lại làm của riêng.
Cho đến trước thập niên 1990, những bản photo từ các cuốn chưởng Kim Dung in trước 1975 vẫn “thập thò” ở các hiệu cho thuê sách tại Hà Nội. Nhưng, sự tồn tại của chúng, cũng như của những bộ phim chưởng Kim Dung bắt đầu du nhập vào Việt Nam qua các băng video, cũng đủ sức tạo nên một thế hệ độc giả mới của dòng sách này.
Đến giờ, những ai thuộc thế hệ 7x trót mê kiếm hiệp hẳn vẫn không quên nổi chuyện đi thuê sách tại một số cửa hàng trên Hà Nội. Sách được in trước 1975 thường có dung lượng mỏng, chia nhỏ ra rất nhiều tập. Bởi thế, nỗi lo lắng thường trực của độc giả là vớ phải những bộ “chưởng thọt” - nghĩa là cửa hàng chỉ lưu được dăm bảy tập đầu nhưng thiếu hẳn những tập sau.
Thậm chí, đầu thập niên 1990, khi một số nhà xuất bản phía Nam mạnh dạn in lại một số đầu sách của Kim Dung, nỗi lo khi thuê sách vẫn ám ảnh những con nghiện của Tra đại hiệp. Những cuốn sách mỏng, in vội trên giấy ố vàng ấy rất dễ bị những người thuê trước cắt phăng những trường đoạn hấp dẫn nhất để giữ lại - như câu chuyện từng xảy ra với tác giả Hà Ân. Xấu tính hơn, có người thuê còn để lại dòng chữ theo kiểu: “Đoạn này tuyệt hay, lão gia giữ lại, chúng mày đừng mong đọc…”.
Khi internet vào Việt Nam cuối thập niên 1990, nắm bắt được “cơn khát” Kim Dung ấy, nhiều cửa hàng lập tức tung ra những đĩa CD truyện Kim Dung. Ở đó, toàn bộ các tác phẩm đã dịch ra tiếng Việt của ông được scan lại ở dạng ảnh và lưu vào đĩa. Chữ nhỏ, in xấu, người đọc chỉ có cách zoom từng trang để đọc cho bõ cơn thèm…
Để rồi, cùng với sự phát triển của internet, cộng đồng những người mê kiếm hiệp tại Việt Nam cũng rất nhanh chóng kết nối với nhau trên các diễn đàn. Đầu những năm 2000, hàng ngàn fan của Kim Dung và truyện kiếm hiệp đã tập hợp nhau trên 3 diễn đàn chủ yếu: Maihoatrang, Vietkiem, Nhanmonquan. 3 diễn đàn ấy cũng có sự khác biệt tương đối về định hướng: Vietkiem quy tụ đông thành viên nhất, Nhanmonquan quy tụ các cây đa cây đề về chưởng, trong khi Maihoatrang lại hấp dẫn giới trẻ - nơi các thành viên có thể thỏa sức tranh cãi về những chủ đề theo kiểu: Hoàng Dung và Doanh Doanh, ai đáng yêu hơn? Hoặc nếu đối chưởng, Quách Tĩnh thắng Trương Vô Kỵ hay ngược lại…
3. Thoắt cái, thêm chục năm nữa trôi đi. Những tác phẩm của Kim Dung đã được in lại và dịch lại một cách trang trọng và bày bán trên thị trường. Và, cùng với sự thay đổi về nhu cầu, những diễn đàn lớn về truyện kiếm hiệp của hơn chục năm trước cũng gần như dừng hoạt động để nhường chỗ cho những diễn đàn mới - nơi các thành viên không chỉ yêu thích Kim Dung, Cổ Long mà con say mê với các dòng tiên hiệp, sắc hiệp vừa xuất hiện.
Để rồi tới những ngày vừa qua, khi Kim Dung vĩnh biệt cuộc đời, những độc giả lớn tuổi mới bồi hồi nhớ lại, kể lại và bàn lại về những câu chuyện cũ. Với họ, chưởng Kim Dung không chỉ là một cái tên. Đó là biểu trưng của một thời tuổi trẻ, gắn với những say mê, vui buồn về một thế giới tưởng như không có thật nhưng lại rất gần với những xúc cảm và trí tưởng tượng của con người…
Sự xuất hiện của Cô gái Đồ Long gây ra một hiệu ứng khủng khiếp với độc giả từ tầng lớp bình dân tới trí thức tại miền Nam trước năm 1975. |
Cúc Đường
Tags