Tại Vietnam Motor Show 2024 cuối tháng 10 vừa qua, Honda mới cho ra mắt 2 mẫu xe máy điện đầu tiên, dự kiến bán ra thị trường vào cuối 2024 và đầu 2025, khi trên thị trường đã có mặt rất nhiều mẫu xe máy điện của các thương hiệu Việt Nam và Trung Quốc.
Không chỉ tham gia thị trường muộn hơn, mà giá và phương thức bán của 2 mẫu xe máy điện này đều cho thấy sự tính toán thận trọng của Honda, dù thương hiệu này đang nắm giữ khoảng hơn 80% thị phần xe máy động cơ đốt trong tại Việt Nam.
ICON-e sẽ là xe điện đầu tiên được sản xuất đại trà tại nhà máy Honda Vĩnh Phúc và bán ra vào cuối năm nay, hướng tới đối tượng chính là học sinh với quãng đường di chuyển ngắn, chủ yếu trong nội thành, với yêu cầu gọn, nhẹ, tăng tốc nhanh. Xe sẽ được bán với hình thức không kèm pin mà cho thuê pin không giới hạn quãng đường, giá dự kiến dưới 30 triệu đồng, khá cao nếu so với các mẫu xe máy điện phổ biến dành cho học sinh trên thị trường hiện nay trong tầm 10-20 triệu đồng.
Tuy vậy, bên cạnh thiết kế tiện ích thì an toàn và độ bền có lẽ là điểm đáng chú ý ở mẫu xe này, như loại pin trang bị tiêu chuẩn cho xe là loại lithium cao cấp có vỏ hợp kim nhôm, cho phép sạc trực tiếp trên xe, hoặc có thể tháo rời pin để sạc, được Honda đảm bảo độ an toàn có thể sạc khi ngủ với thời gian sạc đầy từ 25% - 75% trong 3,5 giờ, cũng như được bảo vệ thấm nước.
Xe có 2 chế độ lái tùy chọn, trong đó chế độ lái ECO có thể tăng thêm 15% quãng đường đi chuyển. Honda cũng cam kết mua lại xe cũ trong thời gian 3 năm, sau đó tân trang và tái bán với mục tiêu nâng cao vòng đời sử dụng của sản phẩm.
Trong giai đoạn đầu, Honda cho biết giới hạn lựa chọn 76 đại lý hàng đầu trong hệ thống tại 7 tỉnh thành phố là cửa hàng ủy nhiệm cung cấp sản phẩm xe điện trước khi có thể mở rộng hệ thống kinh doanh xe máy điện tại Việt Nam vào năm 2026.
Với mẫu thứ hai, CUV-e, dự kiến ra mắt vào quý 1/2025, thì Honda Việt Nam chỉ áp dụng hình thức cho thuê nguyên xe (nhập khẩu Thái Lan) mà không bán. Chiếc xe máy điện cao cấp này pin có thể tháo rời và hoán đổi, có tốc độ tối đa hơn 80km/h, trang bị hệ thống phanh kết hợp CBS, màn hình TFT 7 inch hiện đại, kết nối với hệ thống Honda RoadSync Duo ® - dịch vụ độc quyền của Honda, cho phép người dùng kết nối xe với điện thoại thông minh qua Bluetooth để sử dụng một số tính năng như định vị… Sử dụng SUV-e, người dùng có thể dễ dàng đổi pin (như đổ xăng) tại các cửa hàng xe máy điện của Honda tại Hà Nội và TP.HCM (giai đoạn đầu).
Có thể thấy, với sự lựa chọn thận trọng từ sản phẩm tới hình thức và qui mô kinh doanh, Honda chưa đặt mục tiêu doanh số xe máy điện tại Việt Nam, ít nhất trong giai đoạn từ nay tới hết 2025. Sự thận trọng này có thể mang lại lợi ích cho cả hai: nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 100% xe máy xăng của nhà sản xuất đang nắm giữ trên 80% thị phần (hơn 2 triệu xe/năm trên dây chuyền sản xuất của 3 nhà máy) cùng hệ thống lớn các nhà cung cấp phụ tùng và dịch vụ cần "sang số", "chuyển đổi tốc độ" một cách mượt mà, tránh những cú "sốc".
Đối với người tiêu dùng, ở một dòng sản phẩm tương đối mới, thì chất lượng ổn định, độ an toàn cao khi sử dụng là lợi ích hàng đầu. Và ở tầm vĩ mô hơn, các tính toán của nhà sản xuất liên quan tới vòng đời sử dụng của xe cũng như trách nhiệm với pin sau sử dụng (Honda chỉ cho thuê pin đồng nghĩa với việc quản lý pin trong và sau khi sử dụng được tập trung về nguồn duy nhất là nhà sản xuất) giảm thiểu gánh nặng "rác công nghệ", "rác xe điện" đang là một nan đề tại một số thị trường xe điện.
Honda đặt mục tiêu doanh số 4 triệu xe máy điện vào năm 2030
Theo chia sẻ của TGĐ Honda Việt Nam, giai đoạn từ nay tới 2026 là giai đoạn gia nhập thị trường xe máy điện của Honda với dự kiến ra mắt khoảng 10 mẫu xe máy điện trên toàn cầu, doanh số xe điện chiếm 5% doanh số. Giai đoạn mở rộng kinh doanh từ 2026 - 2030 với mục tiêu doanh số toàn cầu là 4 triệu xe, chiếm 15% doanh số.